Friday, December 24, 2010

Học tập suốt đời hướng đến một phương pháp giáo dục mới

(Tamnhin.net) – Ngày 06/12 tại Khách sạn Thắng Lợi, Hà Nội, Bộ GD- ĐT đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hiệp hội các trường Đại học Á – Âu chuyên đào tạo và nghiên cứu về Học tập suốt đời tổ chức “Diễn đàn Việt Nam: Học tập suốt đời – Xây dựng xã hội học tập”.

Ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Vương quốc Đàn Mạch

Tham gia diễn đàn có hơn 300 nhà hoạch định chính sách chủ chốt, các nhà giáo dục hàng đầu, chuyên gia và các nhà nghiên cứu của Việt Nam, UNESCO và Hiệp hội các trường Đại học Á – Âu chuyên đào tạo và nghiên cứu về "Học tập suốt đời" để chia sẻ kết quả nghiên cứu, quan điểm kinh nghiệm nhằm tăng cường sự hiểu biết về khái niệm và vai trò của “học tập suốt đời” trong quá trình xây dựng “xã hội học tập”. Theo đó sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược quốc gia về học tập suốt đời. Diễn đàn cũng sẽ góp phần tăng cường sự hợp tác UNESCO – ASEM trong việc thúc đẩy học tập suốt đời.


Học tập suốt đời ở Việt Nam hiện nay dựa trên 5 trụ cột: Giáo dục chính quy, Giáo dục vừa làm vừa học, Giáo dục từ xa, các trung tâm giáo dục thường xuyên và hệ thống các trung tâm học tập cộng đồng. Mặc dù vậy, đối với  Việt Nam, học tập suốt đời vẫn mới chỉ là cơ hội cho một tỷ lệ rất thấp dân cư, chất lượng, hiệu quả học tập còn hạn chế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, thay mặt cho Chính phủ Việt Nam trong bài phát biểu của mình đã nhấn mạnh: “Trong thời đại ngày nay, thiết lập hệ thống học tập suốt đời đang là xu thế, là mục tiêu của nhiều nền giáo dục trên thế giới. Để làm người, ai cũng phải học. Để có nghề và có việc làm, mỗi người phải học. Để làm cho mình và người khác hạnh phúc, mỗi người phải học. Để đóng góp cho phát triển đất nước và nhân loại, mỗi người phải học”.



Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại diễn đàn

Tại Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam (4/2006) đã có chủ trương “Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học; xây dựng và phát triển hệ thống học tập và những hình thức học tập, thực hành linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tạo nhiều khả năng, cơ hội khác nhau cho người học, đảm bảo sự công bằng xã hội trong giáo dục”.

Cũng trong thời gian này, Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020. Trong đó, học tập suốt đời được coi vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để xây dựng xã hội học tập. Một trong những tiêu chí quan trọng mà Việt Nam tiếp tục xác định là “ Đảm bảo các điều kiện cần thiết nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học tập suốt đời góp phần nâng cao dân trí và năng lực công dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội”.

Phó Thủ tướng cho biết thêm, Diễn đàn là một dịp tốt để Việt Nam được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm từ các nước bạn nhằm thiết lập và ngày càng hoàn thiện hệ thống học tập suốt đời. Từ Diễn đàn này, các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ tìm được cho mình những giải pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống học tập suốt đời, xây dựng một xã hội học tập.

Học tập suốt đời khuyến khích các quốc gia có tầm nhìn xa hơn các phương pháp giáo dục và đào tạo truyền thống, đồng thời xây dựng những chính sách tác động về mặt kinh tế và sư phạm đối với học tập suốt đời. Học tập suốt đời là cốt lõi gắn liền với phát triển toàn diện, bền vững của các công dân và của các quốc gia cũng như sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp chuyển đổi sang nên kinh tế tri thức của Việt Nam.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Bộ Giáo dục và đào tạo nước ta và Bộ Giáo dục Vương quốc Đàn Mạch đã ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tăng cường và mở rộng hợp tác về các vấn đền cùng quan tâm trong lĩnh vực giáo dục của hai nước.


Bài và ảnh: Phan Chính

No comments:

Post a Comment

Popular Posts