Monday, January 3, 2011

Loài sen kỳ lạ ở Đồng Tháp


Sen lạ lá to hơn cái nia, một người nặng khoảng 60 kg có thể đứng lên lá mà chỉ làm chao nhẹ mặt nước. Chuyện tưởng chừng như lời đồn thổi nhưng lại có thật ở chùa Phước Kiển, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, Đồng Tháp.
Ngôi chùa nhỏ Phước Kiển nằm ở một xã vùng sâu của huyện Châu Thành, nơi từng là căn cứ kháng chiến, nằm cách thị trấn Nha Mân hơn 15 km. Ở đây có một loài sen rất lạ, được đặt cho nhiều cái tên khác nhau như sen vua, sen nia, sen nong tằm... bởi không ai biết tên thật của nó là gì.

Giống sen lạ ở chùa PHước Kiến thuộc loài sen Victoria Regia (Nam Mỹ).

Trong ao chùa, loài sen lạ mọc, nở hoa, lá sen khổng lồ như những cái nia to cong vành gần cả tấc, rất đẹp mắt. Nếu không tận mắt nhìn thấy thì sẽ hồ nghi rằng, bên dưới lá sen nia khổng lồ chắc là có sắt thép chống đỡ nên người nặng trên 50 kg mới đứng trên được.
Loài sen có ở ao này từ năm 1992, không biết nguồn gốc từ đâu. Ao nước này ngày xưa là hố bom Mỹ, bởi nơi đây từng là xưởng công binh cách mạng. Có người nói mấy chục năm trước đã có sen mọc rồi nhưng do nước cạn nên sen chết sạch, sau này mới mọc trở lại. Một dạo, có mấy nhà khoa học từ Cần Thơ lên nghiên cứu, định lấy giống sen quý về trồng ở khu di tích cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Hồ Chủ tịch) tại thành phố Cao Lãnh và khu di tích bác Tôn bên cù lao Mỹ Hòa Hưng (thành phố Long Xuyên) nhưng không thành công. Có lần họ còn mang theo cả đất, bùn, nước ao nhưng sen vẫn không sống.

Một người nặng khoảng 60 kg có thể đứng lên lá sen mà chỉ làm chao nhẹ mặt nước.

Năm 1998, ao cạn nước làm chết sạch các loài sen, súng đang trồng. Nhưng không ngờ, năm sau khi nước lên, sen lạ lại mọc và nở hoa. Hoa sen lạ này khi mới nở có màu trắng, sau 12 giờ trưa đổi sang màu hồng và chỉ nở trong 2-3 ngày thì tàn.
Theo tài liệu tra cứu, đây là loài sen Victoria Regia, mọc rất nhiều ở khu vực sông Amazon, Nam Mỹ. Loài sen này từng gây xôn xao khi xuất hiện tại công viên thực vật Tây An, Trung Quốc, nó được mang từ Paraguay sang dự triển lãm quốc tế về các loài hoa. Hình ảnh một phụ nữ Trung Quốc cùng hai cậu con nhỏ ngồi trên lá sen gây chấn động về một loài sen lạ.

Loài sen Victoria Regia.
Mặt trên của lá có màu diệp lục, hình các vảy chồng nhau như hình vảy ngói âm dương, mặt dưới màu nâu đỏ với rất nhiều gân to, gai nhọn. Lớp gân và các “khung xương” nằm dưới to, dày bằng hai lóng tay, tạo nên kết cấu khá vững chắc. Thân và mặt dưới lá có rất nhiều lông và gai nhọn. Hạt sen nhỏ như hạt đậu ván, mềm, ăn khá ngon nên thổ dân da đỏ vùng sông Amazon gọi là “ngô trong nước”.
Sư trụ trì Thích Huệ Từ mang trong nhà ra một tấm mặt bàn bằng thiếc mỏng, thả xuống lá sen như một cái nia khổng lồ. Có lá đường kính to trên 3 m. Mùa nước nổi là lúc sen no nước, mỗi ngày lá lớn ra trông thấy. Chị Hà, một du khách đến từ Rạch Giá - Kiên Giang, rất hăm hở nhảy xuống lá sen, chấp tay niệm Phật để làm mẫu chụp ảnh. “Ai nặng cỡ 60 kg trở xuống đứng lên lá chỉ làm lay động nhẹ thôi”, sư Huệ Từ giải thích. Vì cẩn thận, đảm bảo an toàn cho khách nên chùa hạn chế lượt khách muốn xuống ngồi lá sen chụp ảnh, quay phim.
Theo: Phụ nữ Việt Nam

Đến với Khánh Hòa

Với bờ biển dài hơn 200km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình 260C, với hơn 300 ngày nắng trong năm, với nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Tháp Ponagar, thành cổ Diên Khánh, Mộ Yersin, Hòn Chồng, Đại Lãnh, Vịnh Vân Phong, Suối nước nóng Dục Mỹ, Hòn Bà, Sông Lô, Dốc Lết. Các đảo Hòn Tằm, Trí Nguyên, Bích Đầm, Hòn Mun, Hòn Ông… và bãi biển Nha Trang là bãi tắm sạch đẹp rất hấp dẫn du khách… Thiên nhiên đã ban tặng cho Khánh Hòa một quần thể du lịch đa dạng liên hoàn giữa núi, rừng và biển, đảo.


Bãi biển Đại Lãnh

Đối với du khách tắm biển, bãi biển Đại Lãnh có vẻ đẹp thiên nhiên bậc nhất. Dải cát trắng tinh như pha lê chạy dài hình trăng khuyết với những hàng dương xanh viền giữa bờ mây. Từ xưa, Đại Lãnh đã được liệt vào những danh lam thắng cảnh của đất Việt. Vua nhà Nguyễn đã từng cho khắc danh thắng Đại Lãnh vào một trong cửu đỉnh bày trước sân Thế Miếu.


Vịnh Vân Phong

Đây thực sự là một kỳ quan thiên nhiên với khí hậu ôn hoà, bãi biển đẹp, cát mịn, núi đồi hùng vĩ bao quanh cùng với những cánh rừng nhiệt đới hầu như còn nguyên vẹn, những rạn san hô đa sắc, đẹp sững sờ, có dấu tích sinh tồn của một khu rừng ngập mặn, hàng trăm sinh cảnh, muông thú đặc chủng và hàng chục ngàn loài thuỷ, hải sản quý.

Tổng cục Du lịch Việt Nam đã xếp Vân Phong vào "Vùng du lịch trọng điểm phát triển" trong kế hoạch dài hạn của ngành đến năm 2010. Vân Phong cũng được Hiệp hội Biển thế giới xếp vào danh sách 4 vị trí du lịch biển lý tưởng nhất hiện nay.

Dốc lết

Dốc Lết có những cồn cát trắng tinh chạy dài, cao hàng chục mét phía trên hàng dương, ngăn cách đất liền với biển. Vượt khỏi cồn cát, du khách sẽ được đặt chân lên một bãi biển tuyệt vời với cát trắng mịn, phẳng lì chạy dài ven biển tới gần 10km, nước biển trong xanh, tinh khiết với muôn vàn lớp sóng nhẹ vỗ vào bờ. Đến Dốc Lết, ngoài khu du lịch bờ biển, du khách có thể đi thăm làng chài, đồng muối Hòn Khói, nhà máy xi măng Hòn Khói, vũng Hòn Hèo, căn cứ chiến khu xưa với nhiều chiến tích anh hùng của quân và dân Khánh Hoà qua hai cuộc kháng chiến trước đây.

Suối Ba Hồ

Đó là một con suối bắt nguồn từ đỉnh Hòn Son, cao trên 660m, chảy giữa hai triền núi đá xuống cánh đồng thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích rồi đổ ra đầm Nha Phu. Suối mang tên Ba Hồ vì phía đầu nguồn, trên đường vượt núi, băng rừng để xuống với biển, có ba lần suối mở lòng ra ngay trên lưng núi, tạo liên tiếp ba cái hồ với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, mỗi hồ mỗi khác khiến từ xưa con suối đã được du khách gần xa biết đến cùng với những huyền thoại ly kỳ, hấp dẫn gắn với nó.

Ðến với suối Ba Hồ, muốn được tận mắt thưởng thức trọn vẹn cảnh quan nơi này, du khách phải chuẩn bị hành trang và tinh thần leo núi vì từ Hồ Nhất tới Hồ Nhì phải men theo bờ suối dốc cheo leo khoảng gần một ngàn mét. Từ Hồ Nhì tiếp tục ngược lên Hồ Ba tuy gần hơn, chỉ khoảng 300 - 400m nữa nhưng lau lách um tùm, đá dựng cheo leo thách thức những ai muốn đến với tận cùng cảnh đẹp.

Suối Tiên

Suối phát nguyên từ khu vực Hòn Bà, một ngọn núi cao trên 800m, có khí hậu gần như khí hậu cao nguyên mà từ những năm đầu thế kỷ này, nhà bác học nổi tiếng Yersin đã chọn làm nơi trồng thử nghiệm cây canh-ki-na cùng với Đà Lạt. Sau khi chảy quanh co trong các hẻm núi, cây rừng và thung lũng cao, trước khi chảy xuống vùng đồng bằng xã Suối Tiên, suối gặp một đập đá thiên nhiên chắn ngang, dòng chảy tách thành hai nhánh: một chảy theo hướng Bắc mang nước tưới cho cánh đồng, một tràn trên nền đá cứng hướng đông, nhập vào Suối Dầu để chảy ra sông Cái, Nha Trang.
Suối Tiên là nơi hấp dẫn với du khách và những đôi bạn muốn có những phút giây tạm xa lánh chốn đô thị ồn ào.

Hòn Chồng

Khác với Ponagar, một công trình do con người tạo dựng, Hòn Chồng là một thắng cảnh của thiên nhiên. Đó là hai khóm đá lớn - một nằm trên bờ, một dưới biển, gọi là Hòn Chồng, Hòn Vợ.

Khu vực Hòn Chồng là một quần thể những khối đá lớn, nhỏ nhiều tầng, nhiều lớp với những hình thù kỳ dị xếp chồng lên nhau chạy từ bờ cao xuống biển như có một bàn tay khổng lồ nào sắp đặt, tạo dựng trong một trò chơi xếp hình tinh nghịch. Có những khối đá rất lớn trên những khối đá nhỏ hơn, trông rất chênh vênh, hờ hững. Lạ nhất là trên một khối đá lớn như một ngôi nhà tầng nằm trên mỏm cao nhất, mặt tương đối bằng phẳng hướng ra biển có in dấu một bàn tay khổng lồ hằn sâu trong đá, như thuở mới tạo sơn, đã có một bàn tay khổng lồ nào bấu vịn vào để lại dấu vết đến ngày nay.

Đầm Nha Phu

Cách thành phố biển Nha Trang 12km về phía Bắc là khu du lịch Đầm Nha Phu được Công ty Du lịch Long Phú quản lý và khai thác theo hướng du lịch sinh thái biển - đảo - vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng. Đến nơi đây, quý khách sẽ được hòa quyện với thiên nhiên và mãn nguyện trong chuyến du lịch ở thành phố biển Nha Trang với các đảo du lịch nổi tiếng: đảo Hòn Lao (đảo Khỉ), đảo Hòn Thị, khu du lịch suối Hoa Lan. Ngoài ra, Công ty Du lịch Long Phú nhận thiết kế và tổ chức các chương trình du lịch trong nước và quốc tế.

Bãi Trũ

Bãi Trũ-Đầm Già là bãi tắm tự nhiên vào loại lý tưởng và đẹp nhất của Khánh Hòa, đặc biệt là độ tinh khiết của nước biển, của bờ cát cùng môi trường xung quanh. Bãi tắm trên đảo nhưng sóng thường không lớn vì hướng về đất liền, phía sau là núi Hòn Tre như bức tường thành sừng sững ngăn sóng gió đại dương.

Cách bãi tắm chính dành cho du khách không xa có một xóm chài nhỏ nằm khiêm nhường dưới chân núi, khách có thể thăm và tìm hiểu về phong tục làng chài, thưởng thức những trái dừa, hoa quả tươi ngay trên đảo.

Từ tháng 12/2003, nơi đây đã mọc lên khu du lịch, nghỉ mát 5 sao lớn nhất Việt Nam Hòn Ngọc Việt, với số vốn đầu tư ban đầu lên đến 450 tỷ đồng, với 500 phòng nghỉ, 3 khu biệt thự độc lập cùng hồ bơi 5.700m2. 2 năm trở lại đây, Hòn Ngọc Việt đã trở thành một địa điểm hấp dẫn du khách, được quản lý bởi tập đoàn Accor và sử dụng thương hiệu cao cấp Sofitel Vinpearl Resort & Spa.

Sau sự kiện vịnh Nha Trang được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới vào tháng 6/2003 thì Hòn Ngọc Việt lại càng thêm tỏa sáng nổi bật trên vịnh Nha Trang.


Khu bảo tồn biển Hòn Mun

Từ năm 2001, Khu bảo tồn biển Hòn Mun dự án bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam chính thức ra đời. Dự án do Bộ Thủy sản, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và IUCN – Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Thế giới thực hiện.

Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua Ngân hàng thế giới; Chính phủ Hoàng Gia Đan Mạch thông qua DANIDA và IUCN – Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới tài trợ, cùng với vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.
Khu bảo tồn biển Hòn Mun nằm trong Vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm, Hòn Nọc và vùng nước xung quanh. Diện tích khoảng 160km2 bao gồm khoảng 38 km2 mặt đất và khoảng 122 km2 vùng nước xung quanh các đảo.


Mục đích của dự án nhằm “Bảo tồn một mô hình điển hình về đa dạng sinh học biển có tầm quan trọng quốc tế và đang bị đe dọa” và đạt được các mục tiêu “giúp các cộng đồng dân cư tại các đảo nâng cao đời sống và cộng tác với các bên liên quan khác để bảo vệ và quản lý có hiệu quả đa dạng sinh học biển tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun, tạo nên một mô hình hợp tác quản lý cho các Khu bảo tồn biển của Việt Nam.”

Kết quả khảo sát đa dạng sinh học và nơi sinh cư Khu bảo tồn biển cho thấy Hòn Mun là nơi có rạn san hô phong phú và đa dạng nhất Việt Nam. Nó có tầm vóc quốc tế vì nó có số loài tương tự như ở trung tâm thế giới về đa dạng san hô ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Và người ta cũng đã tìm thấy 340 trong tổng số hơn 800 loài san hô cứng trên thế giới.


Trung tâm suối khoáng nóng Tháp Bà

Đây là một loại hình dịch vụ chăm sóc sức khoẻ độc đáo, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam: ngâm tắm bùn khoáng, ngâm tắm khoáng nóng, hồ bơi khoáng ấm và hồ phun mưa khoáng nóng.
Nước khoáng nóng cũng như bùn khoáng Silic đã được công nhận về mặt y tế là có tác dụng rất tốt cho sức khoẻ. Ngoài tác dụng thư giãn, kích thích sự hoạt động của hệ thần kinh ngoại biên, nước khoáng nóng cũng như bùn khoáng còn có tác dụng tích cực đối với làn da, chữa được một số bệnh ngoài da thông thường và làm cho da mịn màng, sáng đẹp hơn.


Khu du lịch Hòn Tằm

Khu du lịch Hòn Tằm là một điểm du lịch sinh thái biển đảo hấp dẫn. Nơi đây vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn nét hoang sơ của thiên nhiên với thảm rừng nhiệt đới xanh tươi 4 mùa, sóng biết êm đềm, bờ cát dài lãng mạn uốn lượn tạo ra những bãi tắm kỳ thú cùng 20 nhà nghỉ Bungalow mặt hướng ra biển, ẩn hiện dưới những bụi hoa, hàng dừa và cây cỏ nhiệt đới níu chân du khách ở lại thưởng thức màn đêm trên đảo. Bạn có thể cùng nhau đốt lửa trại, ca hát, vui chơi giữa lồng lộng gió trời và tiếng dạt dào của sóng biển. Cùng ngồi bên nhau chung chén rượu cần và những món Hải sản từ làng nướng Hòn tằm. Một con đường vòng đảo sẽ đưa bạn tới mọi chỗ mọi nơi trên đảo.

Theo báo Khánh Hòa

Sunday, January 2, 2011

Chùa Hương - Nam thiên đệ nhất động

PNO - Từ xa xưa, chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức, cách Hà Nội khỏang 60km), được đánh giá là nơi hội tụ vẻ đẹp lung linh của sông nước và đất trời, vẻ huyền bí của núi rừng và hang động, sự tĩnh mịch sâu lắng của những ngôi đền, khu chùa cổ kính …
Theo truyền thuyết, tên Hương Sơn của vùng núi này được đặt theo tên một ngọn núi ở phía Bắc Tuyết Sơn trong dãy Himalaya (Ấn Ðộ), nơi Ðức Phật đã ngồi tu khổ hạnh suốt 6 năm ròng.
Từ Hà Nội, bạn đi xe vào thị xã Hà Ðông, lên thị trấn Vân Ðình, qua gần 20km nữa thì tới bến Ðục, nằm bên bờ sông Ðáy. Từ Bến Ðục, bạn lên thuyền, xuôi theo dòng suối Yến, khi uốn lượn, lúc quanh co, đẹp như một dải lụa xanh trong, lững lờ trôi giữa đôi bờ cây lá và những triền núi nhấp nhô xanh thẳm.

Suối Yến
Bên trái suối Yến là núi Ðụn, trông tựa như một đụn thóc; gần núi Ðụn là núi Lân có hình dáng một con kỳ lân. Tiếp đó là núi Ái và núi Phượng hình con phượng hoàng đang giang rộng đôi cánh (là hai chỏm núi), đầu và mỏ phượng là chùa và động Thanh Sơn. Nếu bạn đi lên chút nữa sẽ gặp núi Ðổi Chèo, giống hình một con trăn lớn đang bò trên mặt nước. Ngoài ra còn có núi Bưng và núi Voi. Núi Voi có một truyền thuyết thú vị: Hương Sơn có chín ngọn núi quay đầu về động Hương Tích. Riêng một ngọn núi có hình dáng con voi lại quay đầu ra, quay mông vào. Giận quá, ngài hộ pháp lấy gươm phạt vào mông voi nên bây giờ núi Voi bị sạt mất một mảng…
Phía bên phải, từ ngoài vào là núi Ngũ Nhạc có đền Trình, nơi khách du lịch thường dừng chân vài phút để thắp hương, trình lễ với sơn thần. Sau đó, đi tiếp sẽ là núi Dẹo, núi Phòng Sư, hang Sơn Thuỷ Hữu Tình, hang Trâu, Cầu Hội, Thung Dâu...

Đền Trình
Đến bến Trò, du khách xuống thuyền để bắt đầu chuyến đi vãn cảnh chùa Hương. Chùa Thiên Trù, còn gọi là chùa Ngoài sẽ là điểm dừng chân đầu tiên. Ngày xưa chùa có đến vài chục gian, được xây khuất trong bốn vách núi,  nhưng đã bị tàn phá trong chiến tranh. Nơi đây có một kiến trúc cổ còn lại là Viên Công bảo tháp, được xây dựng từ thế kỷ XVII. Nhìn từ xa, tháp như cây bút hồng vút cao lên trời. Ngòai ra còn có Thiên Thủy tháp là một mỏm đá mọc ngược thành một toà tháp thiên tạo, nước mưa trên núi theo tháp róc rách chảy xuống.

Tam quan chùa Thiên Trù
Từ chùa Thiên Trù, men theo con đường dốc trên sườn núi khoảng hơn 1km là tới chùa Tiên Sơn, nơi có bốn pho tượng quý bằng hồng thạch. Chùa được dựng trong lòng động Núi Tiên, thờ Phật Bà Quan Thế Âm. Trong động có những nhũ đá tuyệt đẹp rủ xuống như những bức màn. Nếu đưa tay gõ vào đó sẽ vang lên tiếng nhạc du dương, trầm bổng.

Chùa Ngoài
Tiếp đó là chùa Giải Oan, dựng ở lưng chừng núi Long Tuyền. Trước chùa có suối chín nguồn gọi là suối Giải Oan. Trong chùa có giếng Thanh Trì nước trong vắt, quanh năm không bao giờ cạn. Tương truyền đây chính là nơi đức Bồ Tát Quan Âm Diệu Thiện đã dùng để tắm, tẩy sạch bụi trần trước khi vào cõi Phật. Từ đó giếng này được gọi là giếng Giải Oan. Khách đi lễ thường múc nước uống để cầu mong giải thoát khỏi mọi nỗi oan ức. Gần chùa là động Tuyết Kinh và am Phật Tích. Đi một quãng nữa sẽ đến núi Chấn Song và đền cửa Võng.

Nhà Bia Thiên Trù
Tiếp tục cuộc hành trình, khách đi cáp treo lên núi rồi leo xuống 120 bậc đá để vào động Hương Tích (còn gọi là chùa Trong), được mệnh danh "Nam thiên đệ nhất động". Trong động, nhà điêu khắc thiên nhiên đã tạo ra những măng đá, nhũ đá tuyệt đẹp, muôn hình vạn dạng. Người xưa đặt tên các sự vật nơi đây theo hình dáng, ví dụ như Đụn Gạo là một nhũ đá đồ sộ ngay cửa động, dưới chân Đụn Gạo có một hõm đá nhỏ xíu gọi là Cối Giã. Gần đó là Núi Cô, Núi Cậu, là các em bé nằm nghiêng, nằm sấp hoặc đang bò lổm ngổm, đầu nhẵn thín. Bên cạnh là Bầu Sữa Mẹ, nơi những giọt nước trong vắt tuôn chảy đêm ngày…  Phía trong động có Cây Bạc, Cây Vàng, là những hình tròn như những đồng tiền vàng bạc lấp lánh. Trong góc động có Chuồng Lợn, Ao Bèo, Nong Tằm, Né Kén... Trên trần là tòa Cửu Long – khối thạch nhũ hình chín đầu rồng sinh động…

Động Hương Tích
Động Hương Tích quanh năm nghi ngút khói hương và lễ vật của khách thập phương dâng lên Phật Bà Quan Thế Âm (tượng bằng đá xanh, tạc vào thời Tây Sơn) và chư Phật khác, nhất là vào mùa lễ hội, người đông như kiến.
Ngòai ra, nếu có dịp, bạn có thể thám hiểm nhiều tuyến khác của chùa Hương như qua rừng mơ thăm chùa Hinh Bồng, theo suối Tuyết vào đền Mẫu Hạ, đến bến Tuyết Sơn ngắm cảnh chùa Bảo Ðài, lên núi Bạch Tuyết Môn thăm chùa Tuyết Sơn (còn gọi là Ngọc Long Ðộng)…; hay chỉ đơn giản là leo núi Thuyền Rồng, núi con Phụng, hòn Đầu Sư Tử, vách đá Kỳ Sơn Tú Thủy… cũng rất thú vị.
Giao Thủy

Top 5 video hài đáng xem nhất năm 2010

(VTC News) - Sau một ngày làm việc tất bật, những nụ cười sảng khoái luôn là thang thuốc bổ cho mỗi chúng ta. Xin mời quý vị độc giả VTC News hãy cùng chúng tôi theo dõi những video hài được xem nhiều nhất trong năm 2010 để có thể có được những thang thuốc bổ của riêng mình.
1. Quảng cáo hài hước nhất

Với những quảng cáo như thế này, việc các nhà sản xuất chiếm được cảm tình của khách hàng là rất đơn giản.
2. Ngộ nghĩnh trẻ thơ

Trẻ em với những hành động rất ngộ nghĩnh luôn là niềm vui của mọi người.
3. Hài hước với động vật

Vật nuôi quanh ta cũng rất hài hước. Không tin ư? Vậy thì mời bạn theo dõi video này.
4. Vui cười thể thao

Trong thể thao, đôi khi các tình huống tai nạn lại trở thành nguồn cảm hứng cho những câu chuyện hài hước.
5. Hài hước đời thường
Cuối cùng, mời quý vị độc giả cùng khám phá tiếng cười giữa đời thường xung quanh ta.

Hoàng Việt (Youtube)

Doanh nhân và tâm linh

Chưa bao giờ tôi thấy các doanh nhân quan tâm đến tâm linh, đến phong thủy như hiện nay. Tôi đã phỏng vấn 104 người trước khi viết bài này và có đến 98 doanh nhân trả lời rằng có quan tâm. Trong đó 86 người khẳng định rằng rất quan tâm đến vấn đề tâm linh. Đây có phải là chuyện ngẫu nhiên?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (áo vàng) tham gia khóa thiền cùng các doanh nhân. Ảnh: P.H.

Doanh nhân là những người điều hành, quản lý doanh nghiệp, lo việc kinh doanh của doanh nghiệp. Họ là những người chịu trách nhiệm kiếm tiền cho doanh nghiệp và tìm mọi cách để doanh nghiệp phát triển. Từng nước, tỷ lệ doanh nhân có khác nhau nhưng theo tôi biết con số này thường dao động từ 5% đến 22% dân số quốc gia.

Doanh nhân làm việc với thị trường, vì thị trường là môi trường để kinh doanh. Trong thế kỷ XXI này, mỗi doanh nhân phải có trí tuệ, sức khỏe, có chí, có thần kinh vững để chèo lái con đường sự nghiệp vì lợi ích của công ty, của đất nước và chính họ. Họ không chỉ là những nhà trí thức thực thụ mà còn có chuyên môn sâu, có hiểu biết trong nhiều lĩnh vực khác nhau và có các mối quan hệ rộng.

Doanh nhân Việt Nam thuộc loại trẻ hàng đầu thế giới. Doanh nhân dưới 50 tuổi của nước ta chiếm đến gần 60% và con số này vẫn có chiều hướng gia tăng.

Nói chung, khi nói đến doanh nhân chúng ta thường hiểu họ là những người lắm của, nhiều tiền, có cuộc sống sung túc. Số lượng tài sản mà các doanh nhân nắm giữ chiếm một phần đáng kể tổng tài sản quốc gia. Họ chính là xương sống cho nền kinh tế của đất nước. Có người nói không sai rằng chính các doanh nhân là người chủ thực sự của đất nước. Vậy, tại sao doanh nhân thời nay quan tâm đến tâm linh và họ đang làm gì trong lĩnh vực tâm linh?

Đọc một số sách và tài liệu nước ngoài tôi được biết rằng bệnh của thế kỷ XXI là rối loạn chuyển hóa. Chính rối loạn chuyển hóa sinh ra bao nhiêu loại bệnh khác, trong đó có nhiều bệnh nan y như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu… Khi bị căng thẳng, khi bị sức áp quá lớn, khi ngày đêm bị stress, các doanh nhân rất có nguy cơ bị đủ các thứ bệnh. Sự thiếu cân bằng chắc chắn là một trong các nguyên nhân gây ra các bệnh về rối loạn chuyển hóa.

Có một câu chuyện nửa đùa nửa thật mà tôi đã kể nhiều lần, rằng khi một công dân trái đất hỏi một vi  Tiên về nhận xét của Ông với loài người.Tiên Ông trả lời rằng, loài người ở trái đất là ngu dốt. Công dân trái đất hết đỗi ngạc nhiên. Tiên Ông nói rằng loài người tiêu phí sức khỏe của mình trong thời trai trẻ để kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền và để rồi khi lớn tuổi dùng toàn bộ tiền bạc kiếm được để “mua” lại sức khỏe, nhưng đã không kịp. Doanh nhân là những người phung phí sức khỏe thời trai tráng thuộc loại bậc nhất. Và khi về già, cuộc sống của họ sẽ ra sao?

Trong sự nghiệp kinh doanh của mình, phần lớn doanh nhân ngày đêm nhìn thấy tiền. Họ ăn với chữ “tiền”, ngủ với tiền. Mơ cũng toàn thấy tiền và tiền. Nhiều doanh nhân dành hết thời gian, cả ngày lẫn đêm để làm ra tiền vì họ khát khao làm ra tiền, nhiều tiền, cho họ và doanh nghiệp của họ. Tiền rất tốt cho cuộc sống. Tuy nhiên tiền cũng như lửa - có 2 mặt của nó. Những từ như “tiền bạc”, “tiền tệ” chúng ta rất hay được nghe. Nhưng tiền cũng rất bạc bẽo, tiền cũng rất tệ. Chính vì vậy nhiều doanh nhân cũng đã chết vì tiền, chết cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Chính vì sự xoay vần trong kinh doanh và lãnh đạo doanh nghiệp mà doanh nhân rất cần có cuộc sống cân bằng. Họ cần ngộ ra để biết rằng tiền cũng chỉ là một phần của cuộc sống, rằng hạnh phúc và bình an rất quan trọng trong sự nghiệp của họ. Chính vì vậy tâm linh rất cần thiết đối với doanh nhân.

Ngày nay nhiều doanh nhân đã thật sự dựa vào tâm linh để sống và làm việc. Tâm linh giúp cho doanh nhân gieo vào tâm của mình tư duy đúng - mang lợi ích cho mọi người xung quanh, cho cả doanh nghiệp, trong đó có mình. Khi doanh nhân đi theo con đường tâm linh, họ luôn có mong muốn để mỗi cá nhân, cả doanh nghiệp, mọi đối tác được giàu có và thành đạt, được hạnh phúc và bình an.

Nhiều người hỏi tôi, tại sao các doanh nhân có nhiều tiền lắm của, quyền lực lớn vậy mà vẫn tìm đến với tâm linh. Xin thưa, con người chúng ta, dù có chức vụ cao thế nào, dù có nhiều tiền đến đâu vẫn luôn tìm cho mình chỗ dựa. Doanh nhân lại càng như vậy. Nhất là những khi chịu sức ép lớn, trách nhiệm cao, khi có quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Chúng tôi cũng muốn dựa vào đâu đó, vào ai đó. Nhiều người đã tìm đến đức Phật, … Một số đã tìm ra chỗ dựa tâm linh cao nhất - dựa vào chính mình, chính nội lực và tâm của mình. Tâm linh giúp doanh nhân có chỗ dựa.

Bạn có thể thắc mắc rằng sự khác biệt trong vấn đề tâm linh của doanh nhân là gì. Theo tôi các doanh nhân thường tin và có niềm tin một cách chọn lọc. Họ thường tin vào những gì mang tính khoa học, có tính thuyết phục, logic. Doanh nhân không tin mù quáng. Để doanh nhân tin vào cái gì đó không dễ. Những gì họ tin thường đã được kiểm chứng và có tính thuyết phục cao. Và một khi đã tin rồi, niềm tin có sức mạnh rất lớn đối với họ. 67% doanh nhân được phỏng vấn cho rằng đức tin đã giúp cho họ thành công trong các dự án, công trình. 73% người được hỏi cho biết sức mạnh vô hình, sức mạnh từ nội tâm đã giúp họ vượt qua nhiều khó khăn tưởng chừng không thể qua nổi.

Khoảng đời sống tâm linh, các doanh nhân giàu có họ luôn nghĩ đến việc dùng những đồng tiền của mình như thế nào để mang lại nhiều hơn lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội. Những doanh nhân tâm linh hiểu rất rõ luật nhân quả, hiểu ý nghĩa của việc cho và nhận. Nhờ tâm linh mà họ biết cách để tự quản lý nghiệp của chính mình. Những doanh nhân giàu có thường sẻ chia sự giàu của mình với xã hội, với cộng động. Doanh nhân Việt Nam chúng ta tham gia rất tích cực vào công tác từ thiện. Có được như vậy là nhờ những hiểu biết và việc áp dụng tâm linh vào cuộc sống.

Ngày nay nhiều doanh nhân áp dụng sâu sắc triết lý đạo Phật trong kinh doanh. Ở TP HCM có các CLB như Doanh nhân Phật tử, thiền, yoga... Doanh nhân và giới tri thức tham gia rất đông. Nhiều khóa tu dành riêng cho doanh nhân đã được tổ chức và đã mang lại những lợi ích rất lớn và thiết thực. Chính nhờ những chương trình tâm linh như vậy các doanh nhân đã hiểu rõ chính mình, tìm thấy chính mình, để tâm hồn mình lắng đọng, để có thời gian ngẫm nghĩ về công việc, về cách làm ăn của mình, để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra, để tránh tối đa những gian lận, những việc làm có thể mang hậu quả dài lâu cho xã hội và chính doanh nghiệp của mình.

Bản chất kinh doanh là mang lại lợi ích, lợi ích cho chính mình và cộng đồng. Chính nhờ hiểu rõ giá trị của tâm linh mà các doanh nhân đã không chấp nhận kinh doanh bằng mọi giá, không dùng các mánh khóe, thủ đoạn để làm giàu. Nhờ hiểu biết về tâm linh mà các doanh nhân kiếm tiền đích thực bằng trái tim, khối óc, sức lực và trí tuệ của mình và của cả tập thể. Họ biết rất rõ rằng mật pháp để kinh doanh thành công và bền vững là thật tâm, là bằng cái tâm chân chính của mình.

Tôi tin rằng, nhân dịp đầu xuân mới này, mỗi doanh nhân có cơ hội ngồi lại nhìn sâu thẳm vào chính tâm can của mình để hiểu mình đã và đang làm gì. Tôi tin rằng đa số các doanh nhân Việt Nam chúng ta trong những ngày năm mới này vẫn dựa vào tâm linh, vào tâm sáng của mình để làm giàu nhiều hơn, mang lại lợi ích cho chính mình và xã hội lớn hơn. Có tâm thì sẽ có linh. Với tâm linh, không chỉ các doanh nhân sẽ có cuộc sống sung túc và hạnh phúc.

Theo VnExpress
(*) Bài viết của ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Thái Hà Books

Bí ẩn sự linh nghiệm bùa chú trên Kim tự tháp

Trải qua 4000 năm lịch sử, Kim tự tháp Ai Cập vẫn bao trùm một bức màn bí ẩn, tràn đầy những sắc thái thần bí.
Trong đó những lời bùa chú trên bia mộ là khiến người ta kinh hãi nhất: "Bất cứ người nào đến quấy nhiễu sự yên ổn của Pharaông, thì cánh cửa tử thần sẽ giáng xuống đầu người đó". Những lời bùa chú tựa như thần thoại đó, đã cảnh cáo trước cho những kẻ tham lam đời sau muốn nhòm ngó những báu vật vô giá trong mộ, đề phòng việc đào trộm mộ.
Lạ thay, mấy thể kỷ nay, phàm những người dám cả gan đi vào trong hầm mộ Pharaông, dù là kẻ trộm mộ, người mạo hiểm hay là các nhà khoa học, các nhân viên khảo sát, cuối cùng đều ứng nghiệm lời bùa chú, nếu không phải chết ngay tại chỗ thì cũng mắc phải chứng bệnh lạ không chữa được rồi chết trong đau đớn khổ cực.
Bí ẩn sự linh nghiệm bùa chú trên Kim tự tháp, Phi thường - kỳ quặc, bí ẩn, kim tự tháp, bia mộ, cái chết, kinh ngạc
Những cái chết bí ẩn xảy ra khi liên quan đến Kim tự tháp
Minh chứng là vào tháng 11/ 1922, nhà khảo cổ nổi tiếng nước Anh, ông Hôvađơ Catơ, sau 7 năm thăm dò tìm kiếm đã phát hiện và mở cửa lăng mộ Pharaông Tutancamôn tại vùng thung lũng Đế vương. Ông đã cho người đào được hơn 5.000 hiện vật gồm có châu báu, đồ trang sức, quần áo, binh khí, công nghệ phẩm, dụng cụ gia đình,... Thành công đó đã làm chấn động thế giới.
Nhưng vào ngày 18 tháng 2 năm sau, khi công việc khai quật đang đứng trước thắng lợi, huân tước Canaphen, người đã đầu tư rất nhiều tiền của giúp Catơ tiến hành công việc, đi vào trong hầm mộ thì bỗng nhiên sau đó mắc bệnh nặng, rồi qua đời. Chị gái của ông ta, trong hồi kỹ đã viết rằng: "Trước lúc chết, ông bị sốt cao và luôn miệng kêu gào: Tôi đã nghe tiếng thở của nó, tôi phải cùng đi với nó đây!".
Cách đó không lâu sau, một nhà khảo cổ khác, ngài Môsơ trong khi khai quật đã giúp đẩy đổ bức tường đá chủ yếu trên đường vào hầm mộ cũng qua đời vì mắc phải một chứng bệnh lạ giống như thần kinh rối loạn.
Bí ẩn sự linh nghiệm bùa chú trên Kim tự tháp, Phi thường - kỳ quặc, bí ẩn, kim tự tháp, bia mộ, cái chết, kinh ngạc
Nhiều cái chết bí ẩn không rõ nguyên nhân xảy ra với những người khai quật các lăng mộ Pharaông
Đaoglat – một chuyên gia chiếu chụp X quang cho xác ướp Pharaông, không bao lâu cũng trở thành vật hy sinh cho các lăng mộ Pharaông, ông ta ngày càng suy nhược và qua đời.
Trong 2 năm sau khi khai quật lăng mộ đó, có tới 22 người trong đội khai quật chết một cách bí ẩn, không rõ nguyên nhân. Từ đó tin tức về việc Pharaông làm chết người lan truyền khắp nơi. Lời bùa chú trên bia mộ càng khiến người tin là có thật và số khác lại phân vân không biết có đúng không.
Năm 1924, nhà sinh vật học người Ai Cập quốc tịch Anh có tên gọi Oaitơ đã đưa theo một số người hiếu kỳ đi vào hầm mộ. Điều khiến người ta khiếp sợ là, sau khi vào tham quan về, ông ta liền treo cổ tự tử. Trước lúc chết, ông cắn đầu ngón tay lấy máu viết thư để lại nói rằng cái chết của ông ta là do bùa chú của lăng mộ Pharaông tạo ra và vì bản thân rất hối hận nên ông phải ôm lòng ân hận ấy đi gặp thượng đế.
Điều khiến người ta kinh ngạc và khó hiểu hơn nữa là cái chết của giám đốc nhà bảo tàng Cairo, ông Khamin, Maihơlairơ. Xưa nay Khamin không hề tin lời bùa chú của lăng mộ Pharaông lại có thể linh nghiệm. Ông ta nói: "Cả đời tôi đã từng nhiều năm giao thiệp với xác ướp và lăng mộ cổ Ai Cập. Chẳng phải tôi vẫn đang sống mạnh khỏe đấy ư?". Thế nhưng sau khi nói lời đó chưa đầy 4 tuần, ông bỗng nhiên mắc bệnh và qua đời. Lúc đó ông ta còn chưa đầy 52 tuổi. Hơn nữa người ta còn phát hiện ra rằng, cùng ngày ông qua đời, trước lúc chết, ông vẫn chỉ huy một đội công nhân đóng gói một lô hiện vật quý giá, mà lô hiện vật đó được khai quật và thu lượm từ lăng mộ Pharaông Tutancamông. Tất cả những điều đó khiến cho truyền kỳ về Pharaông càng được phủ thêm bức màn đen bí ẩn.
Bí ẩn sự linh nghiệm bùa chú trên Kim tự tháp, Phi thường - kỳ quặc, bí ẩn, kim tự tháp, bia mộ, cái chết, kinh ngạc
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra nhưng bí ẩn vẫn là bí ẩn
Lúc bấy giờ, người ta đặt ra câu hỏi: Những người tiếp xúc với Kim tự tháp Pharaông Ai Cập bị chết vì nguyên nhân gì? Những lời bùa chú trên bia mộ Pharaông có thật linh nghiệm không?
Theo một nhà khoa học giải thích cho rằng, trên vách những lối đi trong hầm mộ có một lớp những thứ màu phớt hồng và màu lục xám có khả năng là lớp sinh ra tia sáng chết bởi nó phóng ra những chất làm chết người.
Một số nhà khoa học khác lại có quan điểm khác, cho rằng, nền văn minh của người Ai Cập cổ đại đã đạt tới trình độ có thể dùng những côn trùng có nọc độc cực mạnh hoặc những chất kịch độc làm vũ khí để bảo vệ lăng mộ của những người thống trị, tránh bị kẻ khác xâm phạm. Bởi năm 1956, nhà địa lý học Oaitơxơ, trong lúc khai quật lăng mộ Rôcalibi đã từng bị dơi tập kích.
Những năm gần đây, một số nhà khoa học lại dùng sinh vật học để giải thích. Chẳng hạn như Yxơđinhao – một tiến sĩ sinh vật học, giáo sư y học của đại học Cairo, đã nói rằng: Căn cứ theo kết quả mà ông định kỳ tiến hành thí nghiệm đối với các nhà khảo cổ và các nhân viên, phát hiện thấy tất cả mọi người, trên cơ thể đều tồn tại một mầm bệnh độc có thể dẫn đến sốt cao và cảm nhiễm ở đường hô hấp. Những người đã vào hầm mộ, vì nhiễm phải bệnh độc này sẽ dẫn đến viêm đường hô hấp, rồi cuối cùng sẽ dẫn đến tắc thở mà chết.
Bí ẩn sự linh nghiệm bùa chú trên Kim tự tháp, Phi thường - kỳ quặc, bí ẩn, kim tự tháp, bia mộ, cái chết, kinh ngạc
Nhiều lời giải thích đã được đặt ra nhưng chưa có giải thích nào được công nhận
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao những mầm bệnh độc này có thể có được sức sống bền bỉ và mãnh liệt đến như vậy. Nó lại sống lâu tới 4.000 năm trong xác ướp nên các nhà khoa học không thể giải thích nổi.
Năm 1983 một nữ bác sĩ người Pháp tên là Phihirô, sau nhiều năm nghiên cứu đã nhận thấy nguyên nhân cái chết đó là do phản ứng quá nhạy cảm đối với những vi khuẩn độc hại của những người khai quật và những người tham quan hầm mộ. Theo nghiên cứu của bà thì bệnh trạng của những người đó cơ bản giống nhau, bị cảm nhiễm ở phổi, khó thở mà chết. Bà giải thích: Sau khi các Pharaông cổ Ai Cập đã chết, người ta chôn theo những vàng bạc châu báu, áo quần; ngoài ra còn có rất nhiều rau quả và thực phẩm. Nhưng rau quả và thực phẩm đó, qua thời gian dài hàng ngàn năm thối rữa sinh ra những loài khuẩn độc mà mắt thường không thể nhìn thấy được.
Những khuẩn đó bám trong hầm mộ. Bất kể là ai khi thở hít phải những khuẩn độc đó, phổi sẽ mắc bệnh cấp tính, cuối cùng dẫn đế khó thở và chết trong đau khổ.
Tuy nhiên, lời giải thích đó vẫn chưa được cho là xác đáng nhất nên bí ẩn về những lời bùa chú ở bia mộ Pharaông vẫn chưa ai tìm ra lời giải và lời giải đó xem ra không hề đơn giản, ít nhất là cho tới thời điểm bây giờ.
 Theo 24h

Đảo Phú Quý: Hấp dẫn nhưng vẫn còn xa

Đảo Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu hay cù lao Khoai Xứ) là một đảo có diện tích 16 km², cách thành phố Phan Thiết hơn 110 km về hướng đông nam. Là một đảo nhỏ giữa biển khơi nhưng Phú Quý có nhiều di tích văn hóa, tín ngưỡng của cư dân duyên hải miền Trung và nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên.
 Dao Phu Quy Hap dan nhung van con xa
 Những bãi biển còn hoang sơ trên đảo Phú Quý thường tạo cảm giác mạnh với du khách lần đầu đến đây. Ảnh: Lê Bá Lư

Rời cảng Phan Thiết lúc 7 giờ sáng và sau hơn 8 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển khơi, vật vã với những con sóng mạnh hơn cấp 6, đến 15 giờ 30 chiều, con tàu Phú Quý 07 cập bờ lên đảo Phú Quý.
Dù đang mệt nhoài, ngất ngư trong cơn say sóng, nhưng khi nghe tiếng còi hụ báo hiệu tàu sắp cập bến, tôi cố gắng ngồi dậy bước lên bong tàu. Từ biển nhìn vào, quần đảo Phú Quý nổi lên với những hình dáng kỳ thú. Nhìn về phía bên phải, đảo có dáng con rồng vờn mây; phía bên trái giống như con cá voi khổng lồ đang vượt sóng.

Cảng Phú Quý tấp nập ghe thuyền neo đậu và nhộn nhịp người. Thoạt nhìn, đảo có vẻ sầm uất với những dãy nhà kiên cố, mới mẻ và những rặng dừa, phi lao xanh ngan ngát nối dài. Đảo không có suối, nhưng mạch nước ngầm dồi dào nên nguồn nước ngọt không khan hiếm. Những cư dân lao động biển ở đây đặc biệt có giọng nói khá nặng, khó nghe, nhưng rất hiền lành, thân thiện.
Đảo có nhiều đồi, gò, cồn cát kéo dài. Phần nhiều các cơ quan hành chính, nhà văn hóa, sân vận động, trường học, khu vui chơi giải trí, đường sá tráng nhựa… trên đảo đều còn mới và một số công trình đang thi công dở dang. Nhiều khu vực trên đảo đã có dáng dấp đô thị, nhưng tất cả vẫn còn là “nhà không số, phố không tên”.
Trong bốn ngày ở đảo, tôi đã đi thăm nhiều nơi và gặp nhiều nhóm du khách Tây ba lô tắm biển, lướt ván và đạp xe lang thang các con đường quanh đảo. Tôi đã đến thăm chùa Linh Quang - di tích lịch sử quốc gia tọa lạc trên một đồi cao tại thôn Mỹ Khê xã Tam Thanh. Chùa được xây dựng vào thời Cảnh Hưng thứ 8 đến nay đã có hơn 250 tuổi; hiện còn lưu giữ các sắc phong của triều Nguyễn ban. Đình vạn An Thạnh ở xã Tam Thanh là một trong những vạn chài trên đảo thờ cúng Ông Nam Hải và ở đây cũng có một số sắc phong mà các vua triều Nguyễn ban tặng. Dinh mộ Thầy Nại, miếu bà chúa Bàng Tranh ở xã Long Hải; ngôi chùa cỗ Linh Sơn trên núi Cao Cát…
Dao Phu Quy Hap dan nhung van con xa
Ngôi mộ cổ trong khu dinh mộ Thầy Nại trên núi Cao Cát. Ảnh: Lê Bá Lư

Dinh mộ Thầy Nại xây dựng từ thế kỷ 17, là nơi được cư dân biển sùng bái, xem như là chỗ dựa tinh thần. Lễ cúng Thầy được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 4 tháng Tư (âm lịch), đây là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của người dân trên đảo với những nghi thức cổ truyền nguyện cầu trời yên biển lặng, đất thái dân an. Đây cũng là lễ hội lớn nhất hàng năm trên đảo, có rất nhiều người từ đất liền ra tham dự.
Miếu bà chúa Bàng Tranh, một di tích văn hóa cũng là nơi tín ngưỡng của ngư dân. Theo truyền thuyết, bà chúa Bàng Tranh tên là Bàng Thị Vương Tranh là một công chúa của vương quốc Chiêm Thành, vì trái lệnh vua cha nên bị thả xuống thuyền lưu đày biệt xứ. Thuyền công chúa trôi dạt vào đảo và bà đã ở lại cùng cư dân khẩn hoang lập nghiệp. Bà là người tài đức, đạo hạnh được nhân dân tôn sùng. Sau khi mất, bà được dân lập miếu thờ, cúng giỗ hàng năm. Hiện nay, miếu bà chúa Bà Tranh đang được trùng tu, tôn tạo.
Ngôi chùa cổ Linh Sơn tọa lạc trên núi Cao Cát, ở độ cao hơn 120 mét so với mực nước biển. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo. Đứng nơi đây, tâm hồn con người cảm thấy lâng lâng, hòa quyện với đất trời, chúng ta có thể nghe tiếng gió hú lồng lộng với những âm thanh kỳ bí như tiếng nói tâm linh; đồng thời có thể nhìn ngắm toàn cảnh bức tranh sống động của đảo Phú Quý: từng rặng cây, bãi biển, cồn cát, làng chài, khu dân cư, con đường vòng quanh đảo, những con thuyền nhấp nhô lướt sóng và cầu cảng nhộn nhịp ghe thuyền…
Dao Phu Quy Hap dan nhung van con xa
Tam quan chùa Linh Sơn trên sườn núi Cao Cát. Ảnh: Lê Bá Lư

Ngoài ra, Phú Quý còn có đền thờ Bà Chúa Ngọc và vạn Thương Hải là hai di tích lịch sử cấp tỉnh vừa mới được công nhận có 5 sắc phong thần cho Bà Chúa Ngọc và còn một số hiện vật tế tự quý như chiếc đỉnh đồng, chân đèn và chuông đồng. Ba sắc phong cho Thần Nam Hải và hai sắc phong thần cho Bắc Trấn đô đốc Bùi Quận Công.
Đến Phú Quý, du khách được thưởng thức nhiều món hải sản tươi sống. Thật thú vị khi đến nhà hàng Long Vĩ, nằm dưới chân dinh mộ Thầy Nại. Tại đây, gió biển lồng lộng, du khách vừa được nhìn ngắm biển trời, vừa tận hưởng hương vị các món tôm hùm nướng, cá mú đỏ chấm mù tạt, rùa hấp muối và nhiều loại hải sản tươi rói… Anh Dương Đăng Vỹ, 43 tuổi, chủ nhà hàng cũng là một tay tài tử, đàn giỏi hát hay và vui tính.
Khách đến đảo cũng đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món "bò nóng” ở một quán nhỏ giữa khu rừng trong khu vực núi Cấm. Tại đây, bò làm thịt để nguyên con, khách mua bao nhiêu xẻ bấy nhiêu. Khách được quán cung cấp lò than, dao thớt, chén đũa, gia vị… và khách sẽ tự chế biến nóng theo ý thích. Thị bò tươi ngon và cách ăn độc đáo này càng làm tăng cái cảm giác ngon miệng và hứng thú của thực khách. Cuối cùng, khách còn được "tặng" món cháo xương bò ngọt lịm cho chắc bụng trước khi từ giã.
 Dao Phu Quy Hap dan nhung van con xa
Một góc khu dân cư trên đảo Phú Quý, nhìn từ sườn núi Cao Cát. Ảnh: Lê Bá Lư
Dao Phu Quy Hap dan nhung van con xa
Những khối đá lớn có hình thù lạ mắt trên núi Cao Cát cũng hấp dẫn nhiều du khách khám phá. Ảnh: Lê Bá Lư

Trên đảo có 6 khách sạn và nhà nghỉ, tập trung ở khu vực xã Tam Thanh. Tuy chưa nơi nào được gắn “sao”, nhưng các khách sạn, nhà nghỉ ở đây cũng có đủ tiện nghi. Ở đảo, điện chỉ có từ 7 giờ 30 đến 23 giờ 30 mỗi ngày, nhưng khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành, khí trời ban đêm se lạnh nên chẳng cần đến máy lạnh.
Huyện đảo Phú Quý là một quần thể gồm 10 hòn đảo lớn, nhỏ; trong đó, chỉ đảo lớn Phú Quý là có dân cư. Huyện có 3 xã, 10 thôn, 5.466 hộ với số dân gần 27.000 người, đa số sống bằng nghề đánh bắt và các dịch vụ hậu cần nghề biển.
Hy vọng, trong một ngày không xa, huyện đảo xa xôi này sẽ "gần" hơn với đất liền khi phương tiện giao thông thuận tiện hơn và sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách và các nhà đầu tư. Khi ấy, đảo Phú Quý sẽ thực sự là vùng đất phú quý trên biển khơi. 
Theo TBKTSG

Popular Posts