Saturday, October 30, 2010

Những thiên tài của thế kỷ 21

Hoàng An (theo Thế giới của những điều kỳ diệu)
Ngày nay, mỗi phát hiện là một bước tiến. Nhưng kể cả khi nó nổi tiếng, thì nó cũng chỉ là một viên gạch trên bức tường cao. Những thiên tài như Einstein làm hơi khác: họ lấy ra từ bức tường cũ vài viên gạch, quan sát kỹ rồi xây dựng tòa nhà mới.
Công thức của Einstein đã đem đến cho nhân loại bom nguyên tử và hệ thống định vị toàn cầu, nhưng bản thân nhà thiên tài chỉ tạo ra công thức, đem sáng kiến vào thế giới và mở rộng tầm nhìn. Tấm gương của Einstein đưa ra những chỉ dẫn làm cách nào để con người trở thành thiên tài. Quan trọng nhất, là phải có một nhà lý thuyết với tầm nhìn xa - cũng giống như Charles Darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa, nhà thiên tài vĩ đại của thế kỷ 19. Darwin đã làm một chuyến du hành nghiên cứu vòng quanh thế giới, sau đó về sống ở miền nam nước Anh và phát triển suy tưởng của ông về thành sự hình thành của các loài. Những khối tư tưởng của Einstein và Darwin đã làm thay đổi tư tưởng toàn cầu.
Từ "bức tường hiểu biết", những thiên tài như Einstein lấy ra một vài viên gạch, quan sát kỹ bản thiết kế rồi bắt tay vào xây dựng một tòa nhà mới. Khi những thiên tài đã đặt nền móng thì ngày càng có nhiều thợ xây đến và cùng xây căn nhà mới. Khoa học bước sang một hướng mới. Thiên tài của nhân loại đưa ra những viễn cảnh. Họ hiểu biết chuyên môn và tiếp xúc thoải mái với đồng nghiệp. Nhưng đáng chú ý là họ không thuộc vào "dòng chảy chính". Phần lớn họ chưa đầy 30 tuổi và thậm chí còn thích thú khi đi ngược lại với những quan điểm đã được thiết lập.
1. Eric Drexler - người sáng lập của thế giới nano
Nano nghĩa là gì? Máy nano được cấu tạo từ những bộ phận chỉ lớn khoảng vài nano mét (nm). 1nm = 10-9 mét. Trên khoảng cách vô cùng nhỏ bé này chứa vừa đủ bốn nguyên tử. Giả sử mỗi con cá chỉ lớn 1nm thì tất cả cá trong đại dương có thể cùng bơi trong một giọt nước.
Eric Drexler sinh năm 1955 ở California và học ở Học viện kỹ thuật Massachusetts, Mỹ. Năm 1986 ông cùng vợ Christine Peterson thành lập viện Foresight và cống hiến những sáng kiến về nano.
Eric Drexler là phiên bản của một thiên tài viễn ảnh. Từ lâu ông không còn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nữa. Thay vào đó, ông đã tạo nên một ngành hoàn toàn mới của khoa học. Trong những năm đầu của thập kỷ 80, Drexler đã cho đăng nhiều đề tài trên những tạp chí chuyên môn và năm 1986 là cuốn sách phổ biến rộng rãi "Engines of Creation“ (Máy sáng tạo).

Đó là giờ khai sinh của ngành công nghệ nano. Ngày nay "nano" là một từ phổ biến, nhưng lúc Drexler bắt đầu nói về nó thì thế giới nano hãy còn là một vệt trắng trên bản đồ tri thức.
Ý tưởng của ông nghe có vẻ như hoàn toàn không tưởng: “Chúng ta sẽ sử dụng nguyên tử và phân tử như là Bits và Bytes trong máy vi tính. Người ta sẽ có thể lắp ráp những nguyên tử một cách tin tưởng và nhanh thành những kiểu mẫu mới. Chế tạo máy từ những nguyên tử đơn chiếc? Trong thập kỷ 80 thì điều đó giống như là sự thật về đĩa bay.
Tham vọng của Drexler còn đi xa hơn: Ông mơ đến những chiếc máy phân tử như là máy vạn năng, được gọi là Assembler: đó là những chiếc máy nano, có thể chế tạo được bất cứ vật gì và tái tạo chính chúng. Assembler có thể được lắp vào những chiếc máy giống như máy in. "Những hộp mực in" kiểu mới sẽ cung cấp cho "máy in" những nguyên tử của từng nguyên tố. Và như vậy, sẽ không có giới hạn đối với Assembler. Người ta có thể ra lệnh cho chúng sản xuất điện thoại di động theo bản thiết kế mới, chúng có thể chế tạo một chiếc xe hơi hay là cả một con bò....
Sau khi Drexler đưa vào thế giới những ý tưởng của mình, ngày càng có nhiều nhà nhiên cứu tham gia vào chuyên ngành mới của công nghệ nano. Năm 1986, gần như cùng lúc với quyển sách của Drexler, nhà vật lý người Đức Gerd Binning đã phát minh kính hiển vi lực nguyên tử, không những có thể "nhìn thấy" từng nguyên tử mà còn chuyển động được cả chúng nữa. Nhờ đó đã tạo ra được bước đi đầu tiên vào thế giới nano. Ngày nay "nano" đã khắc vào cuộc sống hàng ngày của chúng taCông nghệ này ẩn trong những ổ cứng của máy vi tính và kem chống nắng.
Chỉ có Assembler là vẫn chưa biết khi nào mới có. Tối thiểu thì những động cơ thích hợp đã có, được chế tạo bởi nhà công nghệ sinh học Carlo Montemagno. Trong cái máy của ông, những phân tử protein làm chuyển động một cánh quạt tí hon bằng Nickel. Một sáng chế mà nếu không có tấm gương của Drexler thì Montemagno có lẽ không bao giờ thực hiện được.
Tất nhiên, không phải tất cả các viễn ảnh đều thực hiện được. Ai làm việc với các nguyên tử đều đụng phải các lực vô hình trong thế giới khổng lồ của chúng ta. Và vì thiên nhiên vẫn thường tạo ra nhiều vấn đề rắc rối trong tế bào cơ thể, nên bước tiếp theo của công nghệ nano sẽ phải là hòa nhập với công nghệ sinh học. Drexler nhìn xa rằng "trong 30 năm nữa, công nghệ sinh học sẽ tạo ra những bước tiến khổng lồ. Bằng sự phối hợp với kỹ thuật nano, sẽ có thể điều trị bệnh trong từng tế bào. Tuổi thọ của chúng ta sẽ tăng không lường được“.
2. Lisa Randall - Người giải thích lực hấp dẫn
Lisa Randall sinh năm 1962 và lớn lên ở New York. Sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard bà được nhận ghế giảng dạy tại Đại học Princeton và Học viện kỹ thuật Massachusets. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong vị trí này tại những trường đại học danh tiếng trên. Ngày nay bà lại giảng dạy ở Đại học Harvard. Randall sống độc thân và không có con.
Phạm vi nghiên cứu của bà gọi là "lý thuyết vật lý năng lượng cao". Trong vật lý có một thứ được gọi là mô hình tiêu chuẩn, dùng để mô tả các hạt của vật chất và các lực tự nhiên cơ bản. Những nhà khoa học như Randall muốn tìm hiểu vì sao vật chất và các lực lại có nét đặc trưng như hiện nay.
Thỉnh thoảng Lisa Randall lại có vấn đề với vật lý, trước hết là với lực hút trái đất: "Lẽ ra điều đó không thể đơn giản xảy ra được", bà nói về cú ngã khi trèo núi. "Lộ trình thì đơn giản và tôi được cột dây cẩn thận". Thế nhưng bà vẫn rớt xuống và bị bể gót chân. Trong bệnh viện bà đã viết cuốn sách "Những vũ trụ ẩn mình". Theo tờ New York Times thì đó là một trong những cuốn sách quan trọng nhất trong năm. Randall đã giải quyết được nhiều điều bí ẩn xung quanh một trong những hiện tượng phức tạp nhất của tự nhiên: lực hút trái đất hay là lực hấp dẫn.
Có phải vũ trụ của chúng ta lơ lửng trong không gian 5 chiều?
Lisa Randall đã trình bày một lý thuyết có thể trả lời được những câu hỏi của vật lý.
Điều làm cho các nhà vật lý lâu nay đau đầu: Lực hấp dẫn yếu hơn những lực cơ bản khác rất nhiều. Nó có thể làm gãy một bàn chân, thế nhưng một thỏi nam châm, khi hút một cái đinh trên bàn, đã thắng cả lực hút trái đất..
"Nhưng điều đó đã chỉ ra rằng, người ta có thể giải thích lực hấp dẫn hoàn toàn mới, nếu người ta cho rằng, có nhiều hơn 3 chiều không gian", Randall nói.
Đối với hình ảnh vũ trụ của bà thì cần tới 5 chiều không gian. Theo bà, Vũ trụ của chúng ta tương tự như một lá cờ hoặc một cái màng 3 chiều, dao động tự do trong một không gian vô tận, có những chiều đặc biệt cho cái không gian đó. Gần ngay bên cạnh có một Vũ trụ song song như là cái màng thứ hai. Cả hai đều không liên kết với nhau, chỉ có lực hấp dẫn có thể từ Thế giới song song "nhỏ giọt" vào thế giới của chúng ta. Trong Vũ Trụ song song thì lực hấp dẫn cũng mạnh như tất cả các lực tự nhiên cơ bản khác. Ở thế giới chúng ta nó yếu hơn, bởi vì nó đến từ bên ngoài. Nó có lẽ là một lực hơn cả lực ngoài trái đất, có lẽ nó là lực ngoại vũ trụ.
Lý thuyết này mang tính cách mạng đến nỗi, nó đã làm cho Randall trở thành một ngôi sao trong ngành vật lý. Trong 5 năm qua những công trình của Randall đã được các đồng nghiệp của bà trích dẫn hơn 10.000 lần trong những đề tài của họ. Và mặc dù lý thuyết của Randall có nhiều điều chưa được chứng minh, nhưng nó vẫn mang những chuỗi tư tưởng rất lôgic, và đem đến cho các nhà thực hành trong phòng thí nghiệm hàng năm trời làm việc.
Những nhà lý thuyết khác cũng dựa theo lý thuyết của Randall và xây lên những tòa nhà tư tưởng mới.
Một nhóm những nhà nghiên cứu từ Mỹ và Anh đã đặt ra câu hỏi, điều gì xảy ra nếu các màng chạm nhau? Họ phát hiện ra trong công thức của Randall một câu trả lời khả dĩ: Sự va chạm gây ra vụ nổ nguyên thủy và từ đó đã tạo ra sự khởi đầu cho tất cả những gì đang tồn tại trong vũ trụ của chúng ta ngày nay.
"Khi chúng tôi tính toán điều gì đã xảy ra ở một vụ va chạm như thế, chúng tôi đã đi đến những kết quả trùng hợp khá chính xác với những dữ liệu của vụ nổ Big Bang", ông Burt Ovrut ở Đại học Pennsylvania nói. "Nhiệt độ, tốc độ lan tỏa, sự hình thành của vật chất, tất cả dường như là khớp với nhau". Như thế Randall đã cung cấp tiền đề để giải thích nguồn gốc vũ trụ của chúng ta. Trong khi đó Randall cũng đã trở thành một đại diện quan trọng nhất trong ngành khoa học của bà, bà viết những quyển sách bán chạy nhất và xuất hiện trên truyền hình.
3. Craig Venter - Người giải mã bộ gene của đại dương
Craig Venter sinh năm 1946 ở Salt Lake City, Mỹ. Ông tham gia Hải quân và là lính quân y phục vụ tại Việt Nam. Venter đã nghiên cứu sinh hoá, tâm lý và dược phẩm. Sau đó ông làm việc cho một viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia. Tại đây ông đã phát triển ra một tiến trình mang tính cách mạng để giải mã gene. Với sự hiểu biết này ông đã tự lập công ty riêng. Ngày nay mục tiêu của ông là sự sống nhân tạo.
Với phân tử ADN, Craig Venter đã tạo ra bước đột phá mũi nhọn của việc nghiên cứu sinh học. Ông đã giải mã bộ gene của người và muốn sử dụng những kiến thức này để tạo ra những loại thuốc hoàn toàn mới.
"Ngày nay, một đứa trẻ với sự giúp đỡ của những dụng cụ hiện đại nhất có thể phát hiện trong 1 ly nước biển nhiều gene và loài hơn cả phần còn lại của thế giới trong những thập kỷ qua". Craig Venter nói, và trong câu nói đó là nền tảng cho tầm nhìn tương lai của ông. Với chiếc thuyền buồm "Sorcerer 2" ông đã đi vòng quanh thế giới để lấy những mẫu nước. Ông đưa các mẫu vật qua những cỗ máy phân tích khổng lồ ở viện nghiên cứu của mình. Nhiệm vụ của những cỗ máy đó là: tìm kiếm gene chưa được biết đến. Ông đã tập hợp được 1,2 triệu gene. Kết luận của Venter: "99% sinh vật sống ở biển vẫn chưa được phát hiện". Phần lớn chúng có thể là những đơn bào, nhưng những thông tin về gene có thể làm chúng trở thành kho vàng.
Venter ước mơ tạo ra cuộc sống nhân tạo. Bước đầu tiên, ông tạo ra một ngân hàng dữ liệu gene khổng lồ: Bộ gene của đại dương. Venter không định sáng tạo ra chiếc xe hoàn toàn mới. Thay vào đó, ông muốn lắp đặt một động cơ mới vào một khung xe cũ. Cái khung xe đó là một vi khuẩn sơ cấp. Nó đem lại cho sinh vật của Craig vỏ bọc. Khi ông giết chết gene tự nhiên của nó, ông sẽ sử dụng đến ngân hàng dữ liệu của mình và lắp ghép một bộ gene hoàn toàn mới trên máy vi tính từ những gene riêng lẻ. Chất liệu sự sống mới này sẽ được đặt vào vỏ vi khuẩn. Kết quả là một sinh vật hoàn toàn mới.
"Khi chúng tôi có một sinh vật tổng hợp với những gene tối thiểu, chúng tôi có thể tạo những gene mới và quy định thật cụ thể, các gene đó thay đổi sinh vật của chúng tôi như thế nào". Giả sử Venter có một công cụ nghiên cứu màu nhiệm mới nào đó, có lẽ ông sẽ đưa mình lên một bậc ngang với thượng đế. "Mục tiêu của tôi là cứu hành tinh", Craig Venter nói đầy tham vọng. Nếu sinh vật của Venter lúc nào đó mà sống được, nó sẽ phải học, sản xuất những nhiên liệu mới, chế tạo ra các dược phẩm hoặc là tiêu diệt khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính.
"Tôi xin được phép hướng sự quan tâm của quý ngài vào một bài báo mà tôi vừa công bố". Với một câu ngớ ngẩn như thế, gửi qua mail đến một người bạn đồng nghiệp, mà cách mạng hóa thế giới toán học thì chỉ có Perelman mới có thể làm được.
4. Grigori Perelman - thiên tài toán học
Perelman sinh năm 1966 tại St. Petersburg. Ông học tập ở Nga và những trường đại học danh tiếng của Mỹ. Ông đã từ chối những đề nghị mời giảng dạy. Hiện nay ông sống ở Nga, có thể là sống cùng với mẹ, thích đi xem hát kịch và không có việc làm.
Trong thời gian học tập,ông đã dành thời gian cho toán học hình cầu của Henri Poincaré. Qua đó ông đã chạm phải siêu vấn đề về sự phỏng đoán Poincaré, bài giải của nó đã quyết định cuộc đời của ông.
Trong bài báo mà ông đưa lên mạng vào năm 2002, Perelman đã chứng minh được phỏng đoán Poincaré và đã giải được vấn đề khó nhất của tất cả mọi thời đại - một bước ngoặt thế kỷ của toán học. Có lẽ đó là thành tích lớn nhất mà một bộ não riêng lẻ đã làm được.
Một con người có thể tạo ra được hình thể của vũ trụ không?
Bộ não của Perelman có năng suất hơn cả cơ thể của một vận động viên Olympic, thế nhưng ông lại giấu mình với thế giới.
Henri Poincaré sống cách đây 100 năm và là cha đẻ của môn cấu trúc liên kết (hay còn gọi là Tô-pô học: Topology), một lĩnh vực chuyên môn của toán học, còn được gọi là hình học về miếng cao su. Poincaré nhận ra rằng, về nguyên tắc tất cả các hình thể của thế giới đều có thể dẫn trở về hình cầu. Nếu người ta lấy một quả cầu bằng cao su, người ta có thể nặn nó cho đến khi nó nhìn giống như một cái tai thỏ hoặc như một ống nghe điện thoại. Nhưng nếu người ta không được phép làm tổn thương đến bề mặt của quả cầu, thì không thể nặn nó trở thành một cái ly cà phê, vì ly cà phê có một cái lỗ ở quai.
Poincaré phỏng đoán rằng, ý nghĩa cơ bản này của quả cầu không chỉ có giá trị trong không gian 3 chiều của chúng ta, mà còn cả trong những không gian nhiều chiều. Sự chứng minh cho phỏng đoán này phức tạp đến nỗi, 100 năm qua các nhà toán học đã hoài nghi - cho đến khi Grigori Perelman trình bày công trình của ông trên Internet. Công trình này tất nhiên không dễ hiểu: các đồng nghiệp của Perelman đã bỏ ra 4 năm miệt mài cho đến khi họ hiểu được công việc của ông. Kể cả ngày nay cũng chỉ có một số rất ít các nhà toán học hiểu được cách Perelman xây dựng luận chứng của ông như thế nào.
Một thành tích vĩ đại như thế, vậy mà Perelman đã tạo ra bước đột phá chỉ có một mình. Ông đã làm việc trong một viện nghiên cứu nhỏ, không hề tiếp xúc với các nhà toán học khác. Ngay cả trong cái thế giới không bình thường của toán học thì Perelman vẫn luôn là một kẻ lập dị, người có hàng ngàn điều đồn thổi. Sau khi có tin rằng ông được đề cử nhận giải Nobel toán học, ông đã biến mất. Ông đã xin thôi việc, không trả lời phỏng vấn, không trả lời email. Các nhà chuyên môn ước tính, còn cần cả trăm năm nữa để có thể hiểu được toàn bộ công trình của Perelman. Điều đó hoàn toàn có ý nghĩa. Phỏng đoán Poincaré tạo ra những trình bày quan trọng về hình thể của cả vũ trụ. Nhờ có Perelman, những nhà nghiên cứu một ngày nào đó sẽ hiểu được vũ trụ nhiều hơn. 
5. Marvin Minsky - cha đẻ của trí thông minh nhân tạo
Marvin Minsky sinh năm 1927 ở New York, tốt nghiệp môn toán tại Đại học Havard, ông lấy học vị tiến sĩ ở đại học Princeton. Thế nhưng ông đã dành gần trọn cuộc đời nghiên cứu tại Học viện kỹ thuật Massachusets. Minsky đã nhận hàng loạt giải thưởng hàn lâm viện, và trước sau ông vẫn được xem là nhà tư tưởng tiên phong của công việc nghiên cứu trí thông minh nhân tạo.
"Ông ấy là người thông minh nhất mà tôi đã từng gặp". Nhà nghiên cứu về ý thức Roger Schank nói về Marvin. Và trí thông minh của Minsky chỉ biết duy nhất có một mục đích: hiểu được trí thông minh – và đưa nó vào một chiếc máy.
Khi Marvin Minsky bắt đầu mơ về những cái máy biết suy nghĩ, thì con người vẫn còn đang tính toán bằng chiếc bàn tính. Năm 1956, cách đây 50 năm, ông là nhà tiên phong mang tính quyết định của phạm vi nghiên cứu "trí thông minh nhân tạo". Kể từ đó Minsky đã đưa "chuyên ngành của ông" tiến tới. Ông đã thành lập phòng nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo ở Học viện kỹ thuật Massachusets - một cơ sở nghiên cứu, được ví như là toà thánh Vatican trong địa phận về trí thông minh nhân tạo.Và Minsky ở đây rõ ràng là Đức Giáo Hoàng.
Trí thông minh nhân tạo có hình thành trong hệ thống mạng lưới hay không?
Khi những chiếc máy khá đơn giản có khả năng giải quyết các vấn đề, tạo thành một mạng lưới, sẽ phải hình thành một ý thức.
Ông đã tạo ra những mạng thần kinh, những cánh tay cơ học và những bộ phận cơ thể khác cho robot, ngoài ra còn những cái máy làm thay đổi điệu nhạc. Sách của ông chất được đầy cả kệ, giải thưởng kín khắp tường. Nhưng thành tích lớn nhất của Minsky là cuốn "The Society of Mind" (Xã hội của trí tuệ). Trong đó ông đã trình bày một lý thuyết, làm sao để có thể tạo ra được trí thông minh nhân tạo.
Ông hỏi: " Sự khéo léo kỳ diệu nào đã tạo ra trí thông minh của chúng ta?" Câu trả lời của ông: " Sự khéo léo đó là, chẳng có sự khéo léo nào hết. Người ta có thể chế tạo được một trí thông minh từ nhiều phần, mà tất cả những phần đơn lẻ đó hoàn toàn không có trí tuệ".
Theo đó thì trí thông minh xuất hiện hoàn toàn tự nhiên, khi mà nhiều đơn vị được kết mạng với nhau, trong đó từng nhiệm vụ nhỏ và đơn giản được hoàn thành. Tất cả chúng ta đều mang cái bằng chứng tốt nhất cho lý thuyết này ở trong đầu: Bộ não của chúng ta. Trí tuệ hình thành trong não qua những mạng lưới vô cùng phức tạp từ những đơn vị đơn giản - những tế bào thần kinh. Lý thuyết mạng lưới của Minsky về trí thông minh đã lan tràn rất nhanh trong khoa học và kỹ thuật. Ngày nay mạng lưới máy vi tính có trong từng phòng làm việc, các nhà sinh học đã phát hiện trong nhiều loài sinh vật trí thông minh bầy đoàn: một nhóm lớn những sinh vật đơn lẻ không thông minh như ong đã hoàn thành sự suy luận kỳ diệu thực sự, khi những bộ não của chúng được liên kết trong bầy với nhau. Để làm được điều đó chỉ cần những nguyên tắc phản ứng đơn giản và một hình thức trao đổi thông tin nào đó.
Các nhà nghiên cứu ngày nay thậm chí sử dụng những mạng lưới vi tính để tìm kiếm trí thông minh ngoài trái đất. Dự án SETI@home kết nối khoảng 5 triệu máy vi tính của cá nhân trên khắp thế giới. Năng suất làm việc không được sử dụng đến của những máy tính đó giúp khoa học tìm kiếm một thông điệp từ những tín hiệu vô tuyến đến từ vũ trụ. Cho đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn chưa tạo ra được trí thông minh nhân tạo thực sự, nhưng điều đó có thể là ở chỗ, những mạng lưới của chúng ta vẫn chưa đủ phức tạp.
Chuyện đó phải thay đổi: Nhà thần kinh học người Thụy Sĩ Henry Markram đang phỏng theo bộ não con người trên máy siêu vi tính. Ngay cả máy tính mạnh nhất cũng vẫn chỉ tạo được một đơn vị cấp thấp và nhỏ của bộ não. Markram hy vọng vào máy tính tương lai. Nó cần phải đủ mạnh để kết nối được hàng ngàn đơn vị cấp thấp đó với nhau. "Như thế có thể xuất hiện cái gì đó tương tự như ý thức nhân tạo", nhà nghiên cứu nghĩ thế.
Mặc dù tuổi ngày càng cao, nhưng Marvin Minsky hãy còn lâu mới chịu nghỉ ngơi. Mới đây ông lại làm cuộc cách mạng hóa lĩnh vực chuyên môn của ông thêm lần nữa. Quyển sách "The Emotion Machine" (Máy cảm xúc) của ông xuất hiện trong tháng 11 qua sẽ chỉ ra cho việc nghiên cứu trí thông minh nhân tạo một con đường mới. Ông tin tưởng: "Cảm xúc chỉ là một thể loại khác của trí thông minh". Khi máy vi tính học cách suy nghĩ, thì trước tiên chúng phải biết được xúc cảm là gì. Những nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đang chuẩn bị, bằng những xảo thuật phần mềm, tạo cho máy vi tính cảm giác sợ hãi hoặc vui mừng.
6. Richard Dawkins - nhà cách mạng của sự tiến hóa
Richard Dawkins sinh năm 1941 ở Kenia và đến nước Anh khi còn là một đứa trẻ. Lĩnh vực chuyên môn của Dawkins là nghiên cứu thái độ cư xử của người và động vật, còn được gọi là động vật tính học hoặc nhân tính học. Ông học tại Đại học Oxford, nơi ngày nay ông là giáo sư. Dawkins là một trong những tác giả viết sách về sinh học thành công và nhiều ảnh hưởng nhất. Thậm chí Đại học Oxford đã lập ra giải thưởng Dawkins dành cho những nhà nhân tính học đặc biệt giỏi.
Ông không những đã suy nghĩ tiếp tục lý thuyết của Darwin mà còn cách mạng hóa nó nữa.
Có phải gene của chúng ta là bất tử?
Dù là người, chuột hay cây thông - tất cả những vật thể sống tồn tại chỉ là cái vỏ bảo vệ cho những đơn vị thông tin của gene.
Kết luận của Dawkins: Không phải các loài là trung tâm của sự chọn lọc, mà là gene.
Ông nhận thấy, gene điều khiển hành động của chúng ta để đảm bảo cho sự phát triển của chúng. "Cơ thể chỉ là những cái máy sinh tồn và là vỏ bọc cho gene, mà bản thân gene là bất tử", Dawkins nghĩ thế. Thật sự là gene nhờ có những phiên bản copy giống hệt nhau mà tồn tại qua những khoảng thời gian rất lớn trong nhiều chủng loại. Chẳng hạn như hồng cầu, một chất màu đỏ trong máu của tất cả những động vật có vú. Gene điều khiển sự sản xuất của nó đã phải được hình thành qua sự đột biến, khi cuộc sống không diễn ra ở dưới nước. Kể từ đó nó đã phát triển trên toàn trái đất.
Tiền đề về gene bất tử của Dawkins giải quyết được một vấn đề đau đầu kể từ thời Darwin: tại sao những cá nhân lại hy sinh sự sống của chính mình cho những cá nhân khác? Sự hy sinh đó phản bác lại thuyết "sự tồn tại của kẻ mạnh". Từ khi có Dawkins thì sự việc rõ ràng: chúng ta giúp đỡ kẻ yếu, bởi vì chúng ta có cùng bộ gene với họ. Điều đó có giá trị trong gia đình, và cả trong một tập hợp nhỏ của cả một loài. Dawkins đã mở rộng ý tưởng về gene của ông thành ý tưởng về tài sản văn hóa.
Tài sản văn hóa là những thông tin văn hóa lan truyền trong một xã hội, cũng như gene phát triển trong một vật thể sống. Gene tự sao chép trong mô hình của những phân tử DNA, và cả những thông tin văn hóa cũng để lại các dấu vết thực bằng cách chúng thay đổi cấu trúc não. Thông tin văn hóa có thể là những ý tưởng về thời trang, một giai điệu nhạc hay một công nghệ mới. Nếu chúng ta học một thông tin văn hóa, chẳng hạn như lái xe đạp, những liên kết mới sẽ được tạo ra trong bộ não của chúng ta. Và khi chúng ta dạy con cái học lái xe, chúng ta tiếp tục truyền thông tin văn hóa. Cũng giống như gene, thông tin văn hóa có thể gần như là bất tử và đột biến. Thông tin văn hóa về "chế tạo công cụ đập" đã có ít nhất là 600.000 năm, nhưng đã tự chuyển đổi từ cái nêm sang búa rìu.
Một ý tưởng đã đặc biệt tác động đến Dawkins: tôn giáo. "Tất cả chỉ là virus ở trong đầu!" ông cho là như vậy. Cũng như virus máy vi tính, nó lan truyền và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống tư tưởng. Chẳng có gì là lạ khi ngày nay Dawkins đang đứng giữa một cuộc chiến về văn hóa chống lại những tín đồ thiên chúa giáo bảo thủ. Ông bảo vệ sinh học chống lại việc tìm cách thay thế thuyết tiến hóa bằng Sáng thế thư của họ (Sáng thế thư là đoạn đầu của Cựu ước trong thánh kinh viết về sự sáng tạo ra thế giới của Tạo hóa).
Nếu như nhà vật lý người Anh David Deutsch có lý, thì cuộc gặp gỡ giữa hai người bất kỳ sẽ diễn ra vô tận trong vô số những vũ trụ song song vào cùng thời điểm.
7. David Deutsch - người khám phá ra đa vũ trụ
David Deutsch sinh năm 1953 ở Israel, nhưng đến Anh năm 3 tuối. Ông say mê toán học khi còn là thiếu niên và đã chế tạo một chiếc máy tính điện năm 13 tuổi. Ngày nay ông sống rất khép kín. Sự tham dự các đại hội làm cho ông có lúc bị lệ thuộc vào việc ăn nóng và uống trà vào lúc nửa đêm.
Deutsch nghiên cứu toán và vật lý ở Đại học Oxford, Cambridge và Austin, Texas. Ông nghiên cứu cả những phương diện triết học các lý thuyết đa vũ trụ của ông. Và trong một cuốn sách của ông với nhan đề "Vật lý về sự hiểu biết thế giới", ông bận tâm với những nền tảng vật lý về sự hình thành cuộc sống và với thuyết tiến hóa.
Một trí tuệ thiên tài làm việc không vì tiền
David Deutsch được xem là một trong những nhà vật lý giỏi nhất thế giới, ông có thể chọn cho mình sự tự do đặc biệt. Ông đã thỏa thuận với Đại học Oxford là ông không phải giảng dạy nữa, được phép làm việc ở nhà và không nhận lương. Deutsch sống bằng tiền nhuận bút.
Ai muốn gặp David Deutsch thì phải đến thăm ông từ trước tại Đại học Oxford. Nhà vật lý lý thuyết thiên tài gần như không bao giờ rời khỏi nhà bởi ông là người ngủ rất nhiều. Người ta chỉ có thể thực sự tận hưởng cuộc gặp gỡ với ông, vì khi người Anh này có lý, thì cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra vô tận trong vô số những vũ trụ song song vào cùng thời điểm. Tuy nhiên đa vũ trụ của Deutsch cho phép sự chênh lệch. Trong một vũ trụ song song này có thể nổ ra một cuộc tranh cãi, nhưng trong một vũ trụ song song khác thì cuộc bàn luận lại hoàn toàn hoà hợp.
Lý thuyết về đa vũ trụ xây dựng nền tảng cho sự phát triển siêu máy tính cực nhanh mới.
"Lý thuyết của tôi khá đặc biệt, tất cả chúng tôi đều thống nhất như thế", Deutsch nói. Tuy nhiên ông có thể dẫn chứng bằng các thực nghiệm mà nó có vẻ như chứng thực cho những ý tưởng của ông. Những vật thể cực nhỏ, được gọi là lượng tử như photon, electron hay những hạt cơ bản khác của nguyên tử, nhảy qua lại thành công giữa các vũ trụ song song. Điều đó được chứng minh như sau: Khi một người ở trong một căn phòng có hai cánh cửa, anh ta có thể bước vào thế giới của chúng ta qua một cánh cửa. Chỉ có điều không ai nhận ra được điều đó. Nhưng nếu người ta bắn một hạt ánh sáng vào một bức tường có hai cái lỗ, thì ở phía bên kia bức tường được nhìn thấy như thể hạt ánh sáng đó đi qua hai lỗ cùng một lúc vậy. Chuyện đó xảy ra trong những vũ trụ song song. Sự tái hợp của các hạt đến từ vũ trụ của chúng ta với các hạt đến từ vũ trụ song song để lại một dấu vết có thể đo được.
Điều này nghe có vẻ như một trò chơi trí óc phức tạp cho một buổi học vật lý. Nhưng lý thuyết của Deutsch về vũ trụ song song rất được quan tâm. Dựa trên nền tảng của lý thuyết, ông đã tạo ra ý tưởng phát triển máy vi tính lượng tử. Trong những chiếc máy như vậy, các lượng tử làm việc song song trong nhiều vũ trụ về một vấn đề và giải quyết nó với một tốc độ không thể tưởng tượng được. Công việc chế tạo ra một máy vi tính như thế đã có từ lâu, và thậm chí đã có những phiên bản mẫu giải quyết được những nhiệm vụ khá đơn giản. Cuộc nghiên cứu này đặc biệt tốn kém và phức tạp. Nhưng tiền đổ vào từ những ngân sách nghiên cứu của các cơ quan tình báo và quân sự gần như là không giới hạn. Vì lý thuyết đã chứng minh rằng, một máy vi tính lượng tử có khả năng giải mã được tất cả mọi mã khoá trên thế giới. Nếu ý tưởng của Deutsch được thực hiện thì sẽ không còn các bí mật nữa.
Thế nhưng Deutsch không hề quan tâm đến những ứng dụng thực tế như vậy: "Tôi theo dõi việc chế tạo máy vi tính lượng tử như một người không chuyên môn có hứng thú". Ông tìm hiểu nhiều hơn đến những kết quả cho cái gọi là Lý thuyết đa vũ trụ cho việc du lịch theo thời gian của ông. Ông tin rằng, không có gì cản trở về mặt lý thuyết cả. Một người du lịch theo thời gian có lẽ sẽ đáp xuống quá khứ của một vũ trụ song song, mà đến thời điểm đó cũng giống hệt như với vũ trụ của chúng ta, nhưng bằng một con đường khác.
Tất cả nghe như có vẻ điên rồ chăng? Lý thuyết của Deutsch vẫn chưa được chứng minh dứt khoát, nhưng nó đã tạo khả năng cho máy vi tính lượng tử đầu tiên. "Tôi ước lượng rằng, một phần trong lý thuyết lượng tử của tôi sẽ bị bác bỏ", Deutsch nói. "Nhưng một lý thuyết mới sẽ duy trì những vũ trụ song song hoặc còn đưa ra những điều kỳ quặc hơn thế nữa"
8. Eric Kandel - Người giải mã trí nhớ
Eric Kandel sinh năm 1929 ở Wien (Vienna). 10 năm sau gia đình ông trốn chạy sang Mỹ. Cú sốc của cuộc di cư đã khắc sâu vào đời sống của ông. Ông muốn tìm hiểu lịch sử và ý nghĩ của con người. Kandel là người yêu thích nghệ thuật, bởi vậy ông cũng thử tìm hiểu nền tảng thần kinh về sự cảm nhận vẻ đẹp của chúng ta.
Ngày nay ông giảng dạy tại New York và nghiên cứu trong công ty riêng của ông về một loại thuốc chống mất trí nhớ. Năm 2000 ông được trao giải Nobel Y học.
Một trong những kỷ niệm thời thơ ấu đậm nét nhất của Eric Kandel là một chiếc xe đồ chơi điều khiển từ xa. Ông nhận được món quà vào dịp sinh nhật lần thứ 9, và ông đã chơi được hai ngày. Thế rồi phát xít đã ập vào căn hộ của cha mẹ ông, vốn là người gốc Do thái. Chiếc xe bị thất lạc, nhưng cường độ của kỷ niệm này đã làm thay đổi vĩnh viễn cuộc đời của Kandel. "Làm thế nào để tôi có thể ngược trở về năm 1938 và sống lại thời thơ ấu của mình?" Kandel hỏi. Ông đã đầu tư hơn 50 năm nghiên cứu về việc giải mã bí mật của ký ức - và đã tìm ra câu trả lời.
Con người có thể hiếu được bộ não của họ làm việc như thế nào không?
Không có gì trong vũ trụ lại phức tạp hơn bộ não của chúng ta. Một thời gian dài người ta cho rằng không thể nhìn xuyên thấu được công việc của não.
Nghiên cứu của Kandel gắn bó với một con vật nhầy nhụa: ốc biển Aplysia. Nó lớn gần bằng con mèo, và tế bào thần kinh của nó hiện rõ. Kandel đã tin rằng, những tế bào thần kinh này là đơn vị cơ bản của ý nghĩ và trí nhớ của chúng ta. Ông đã tìm hiếu ở Aplysia sự học hỏi hoạt động như thế nào. Hầu hết các nhà nghiên cứu đồng nghiệp cho rằng ông bị điên, bởi ông đã chọn một con vật sơ khai như thế. Họ hoài nghi việc con ốc có thể học và nhớ. Thế nhưng Kandel đã tin tưởng vào trực giác thiên tài của ông. Ông kích thích con vật thật lâu ở một vị trí trên da, cho đến khi nó đã học được là nó không bị tổn thương vì việc đó. Đồng thời Kandel cũng đo trực tiếp trên các tế bào thần kinh của con ốc để xem những tín hiệu điện đã được tiếp tục truyền đi như thế nào.
Những kết quả thật bất ngờ: "Tôi đã chứng minh được trí nhớ lâu dài là kết quả của trí nhớ ngắn hạn – trong đó các tế bào thần kinh học hỏi lẫn nhau bằng những liên kết bổ sung", Kandel nói. Ông cũng đã phát hiện ra một protein điều khiển quá trình này – nó giống như một cánh cửa, dẫn thông tin đến trí nhớ lâu dài. Khi chứng minh được rằng bộ não của con người làm việc cũng giống hệt như bộ não của con ốc thì sự kiện đó càng gây chấn động.
Ngày nay việc nghiên cứu não là phạm vi có sức lôi cuốn nhất của thế giới khoa học. Với những máy móc như máy chụp cộng hưởng từ, các nhà nghiên cứu đã có thể quan sát trực tiếp trí nhớ của con người. Hằng nghìn nhà nghiên cứu hằng ngày đã có những phát hiện mở rộng sự hiểu biết về cơ quan phức tạp nhất của vũ trụ. Một trong những hy vọng lớn nhất của họ: tìm ra thuốc có thể ngăn chặn sự tổn thất trí nhớ của tuổi già.
Mặc dù Eric Kandel đã 77 tuổi, ông vẫn không ngồi yên nhìn những người khác tiếp tục công việc của ông. "Tôi đã phát hiện ra một protein đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra những liên kết mới của các tế bào thần kinh. Nó có thể thay đổi được hình dáng và buộc tất cả những protein xung quanh cũng thay đổi hình dáng. Một hiện tượng mà cho đến nay chúng tôi mới chỉ được biết đến ở một loại protein gây ra căn bệnh bò điên. Kandel ước tính, ông phải cần ít nhất 5 năm nữa để giải được bí ẩn của protein trí nhớ này.
Nguồn:  Vnexpress

Hà Nội xưa và nay theo góc nhìn của phong thuỷ

Ngày 23. 10. Nhân dịp kỷ niệm Đại Lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Trung Tâm nghiên cứu văn hóa cổ Đông phương do giáo sư tiến sĩ Hoàng Tuấn đã tổ chức buổi họp mặt thảo luận với chuyên đề: "Kinh đô ngàn năm địa linh nhân kiết". Nhiều học giả, nhà nghiên cứu tham gia đọc tham luận và phát biểu. Tham gia cuộc gặp mặt này về phía Trung Tâm nghiên cứu Lý Học Đông phương có Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Trung Tâm và Hoàng Triều Hải - Trưởng VPDD TT tại Hanoi.
 Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương.
Kính thưa ban tổ chức.
Kính thưa các vị khách quý.
Trước hết tôi xin bày tỏ long cảm ơn với ban tổ chức đã tạo điều kiện để tôi có dịp trình bày với quí vị có mặt nơi đây về nhận xét của tôi với những vấn đề có tính thời sự đang được đặt ra với Hà Nội trong tương lai với cái nhìn của khoa phong thủy theo sự hiểu biết của tôi.
Kính thưa quí vị.
Tôi nghĩ, chúng ta có thể nói rằng ngay khi xác định dời đô về vùng hữu ngạn sông Hồng , lập nên kinh đô Thăng Long thì Đức vua Lý Thái tổ đã nói đến địa thế Hà Nội theo cái nhìn của khoa Phong thủy.
Chiếu dời đô viết:
Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.
Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?
Qua nội dung của Chiếu Dời Đô thì có thể nhận thấy ngay rằng: Cái nhìn của khoa phong thủy về thế đất Hà Nội chính là một trong những nguyên nhân quan yếu của sự dời đô và thành lập kinh đô Thăng Long. Sự đồng thuận của quân dân Đại Việt dưới thời Lý Thái Tổ đã chứng tỏ rằng những tri thức về phong thủy đã rất phổ biến trong văn hóa Việt Nam từ hàng ngàn năm trước.
Hình minh họa dưới đây trên bản đồ Bắc Việt Nam cho chúng ta thấy rõ tính chất của “Rồng chầu , hổ phục” hay còn có cách diễn đạt khác là “Núi chầu sông tụ”:
Hình ảnh này, tất cả các phong thủy gia đều biết.
Nếu xét về đại cục thì khí mạch của vùng núi này bắt nguồn từ dãy núi Hy Mã Lạp sơn ở cao nguyên Tây Tạng, còn gọi là Tổ long. Và đây là Kim Long, con rồng trắng. Sở dĩ tôi nhận xét như vậy vì theo dãy núi Hi Mã Lạp sơn nằm ở phía Tây đồng bằng Nam Dương tử. Phương Tây thuộc Kim, nên xác định là rồng trắng. Ở vịnh Bắc bộ của chúng ta còn có đảo Bạch Long Vĩ – Đuôi rồng trắng – chứng tỏ điều này.



Nhưng tôi cũng xác định rằng: Mặc dù nguyên khí xuất phát từ địa mạch tổ long ở Tây Tạng, nhưng cấu trúc phần núi sông tạo nên linh khí của đất Thăng Long hoàn toàn độc lập khí mạch của địa mạch Tổ Long này. Có thể ví Khí mạch sông núi Việt Nam như một con rồng con và có một sự tương tác một cách độc lập với môi trường thiên nhiên nơi đây. Thế núi của vùng miền Bắc Việt Nam hoàn toàn không liền mạch với khí mạch của dãy Hi mã lạp sơn. Vịnh Bái Tử Long với truyền thuyết về một con rồng con bay đi đã gợi cảm hứng cho tôi về cách nhìn này.
Núi sông bờ cõi đã chia. Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Như cũng nhắc nhở điều này.
TỔNG QUAN VỀ VỊ TRÍ HÀ NỘI TRONG ĐỊA THẾ ĐỒNG BẮNG BẮC BỘ
Nếu ta xét một cách tổng quan toàn bộ vùng Bắc bộ Việt Nam theo cái nhìn của khoa phong thủy thì có thể xác định rằng: Chính đồng bằng Bắc Bộ là nơi tụ khí của cà Bắc Bộ Việt Nam.
Cổ thư viết: “Ở nơi cao thì chỗ trũng thấp chính là nơi tụ khí”. Xét những dải núi non trùng điệp bao quanh đồng bằng Bắc Bộ thì vùng đồng bằng Bắc Bộ chính là nơi tụ khí của long mạch núi sông đất Việt
Sông Hồng – tức sông Cả - là con sông lớn nhất chảy qua đồng bằng Bắc bộ. Nếu như dòng sông chảy xuôi và thẳng ra biển thì có lẽ chúng ta – với cái nhìn của khoa phong thủy – sẽ khó có thể định được nơi tụ khí để tạo ra kinh đô ngàn năm tuổi đầy tự hào của người Việt. Nhưng thiên nhiên như khéo tạo ra những giá trị của nó để đem lại phồn vinh cho con người. Đúng vị trí của Hà Nộ – Thăng Long xưa, sông Cả gấp khúc hơi xuôi về Nam. Khí đã tụ lại nơi đây.
Đây chính là chỗ lắng đọng của khí đất trời hội tụ. Có thể diễn tả điều này qua hình tượng của một câu trong bài hát “Người Hà Nội” – “Đây! Lắng hồn núi sông ngàn năm”.
Cổ thư đã nói: “Khí tụ thì thành hình”. Tất nhiên, khi khí đã bắt đầu tụ nơi đây thì cuộc sống cũng bắt đầu nơi đây. Khí càng mạnh mẽ thì cuộc sống càng hưng vượng. Và nơi đây đã hình thành nên kinh đô Thăng Long của Đại Việt
XÉT KHÍ MẠCH HÀ NỘI.
Cổ thư viết: “Khí theo nước mà đi” . Khí mạch Hà Nội theo cái nhìn của tôi theo hướng Tây Bắc Đông Nam. Lý do là dòng sông Hồng chảy theo hướng này. Đây là hướng Phúc Đức trạch theo cái nhìn từ Phong Thủy Lạc Việt với quan điểm đổi chỗ Khôn về vị trí Đông Nam và Tốn về vị trí Tây Nam. Càn Tây Bắc phối Khôn là Phúc Đức trạch. Như vậy, minh đường của Hà nội chính là toàn bộ vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả biển Đông của Việt Nam nhìn theo hướng này. Tọa sơn chính là dãy Hoàng Liên Sơn với đinh cao nhất là Phăng si phăng.
Dãy Ba Vì là Bạch Hổ và sông Hồng chính là Thanh Long của Hà Nội. Đây chính là thế sơn tọa nhô cao, minh đường rộng rãi sáng sủa với sự tụ thủy của cả biến Đông bao la. Thanh Long – tức sông Hồng Hà, uốn khúc mềm mại và hùng vĩ, Bạch hổ vững chắc , mạnh mẽ và hiên ngang. Đây chính là điều mà chiếu dời đô của Đức Lý Thái tổ nói tới:
trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hướng bối chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải.
Bản dịch là:
ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa,
Vào thế kỷ thứ VIII AC, Cao Biền - một danh sư phong thủy xây thành Đại La ở nơi đây với mục đích làm thủ phủ của chế độ cai tri Hán tộc. Vào thời điểm này, hình tuy đã hiện, nhưng khí lực chưa đủ. Xét về Âm khí do dãy núi Ba Vì là Bạch Hổ và dãy Hoàng Liên Sơn đưa lại thời gian này khá mạnh mẽ, thể hiện ở chỗ rừng núi hoang sơ vẫn bao phủ khắp nơi, ngòi đầm chi chít. Vùng Đại La cũng vậy.
Đây là nguyên nhân Cao Biền phải dùng biện pháp trấn yểm để tụ khí. Nhưng độ số chưa đủ, nên đã thất bại trong sự nghiệp của chính ông ta. Trong văn hóa dân gian Việt còn lưu truyền câu thành ngữ “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” chính là để nói đến điều này. Nhưng thành tựu của ông ta là đã xây dựng được Thành Đại La, nơi tập trung dân cư đông nhất vùng đồng bằng Bắc bộ với tư cách là thủ phủ của chế độ cai trị của Hán tộc trong thời Bắc thuộc.

Chính những hoạt động của con người trải nhiều thế kỷ đã mạng lại sinh khí cho vùng đất này, để 200 năm sau, sự phát triển đầy đủ về khí lực dẫn đến hình thành một kinh đô muôn đời của đất Việt.
Từ đó đến nay trải 1000 năm đã trôi qua. Vật đổi sao dời, hình thế cũng có nhiều đổi thay. Dương khí khu vực Hà Nội ngày càng mạnh mẽ, sinh khí tụ ngày càng nhiều, khiến nhu cầu quy hoạch lại và phát triển Hà Nội nảy sinh.
Chúng ta thấy ngay rằng: Vào năm 1954, khi giải phóng thủ đô, dân số Hà Nội chỉ có khoảng 200.000 người. Sự phát triển sau đó lên đến 2 triệu vào khoảng cuối những năm 60. Bây giờ dân số gần gấp bốn chưa tính người vãng lai. Sư tương tác của hàng triệu người như vậy theo cái nhìn của khoa Phong Thủy thì sẽ tạo ra Dương khí rất mạnh.



Càng về sau, Dương khí ngày càng vượng, cộng hưởng với sự phát triển của xã hội, nên Dương khí lan tỏa ra các vùng xung quanh (thể hiện bằng các mũi tên màu đỏ).
Cùng với sự phát triển của xã hội, khi những cây cầu xuất hiện, sự tương tác giữa hai bờ càng trở nên mạnh hơn. Một phần Dương khí được chuyển sang phía bờ tả sông Hồng, do sự tương tác trong sinh hoạt của cộng đồng dân cư, khiến Dương khí vùng bờ tả cũng vượng lên. Dương khí càng có điều kiện lan tỏa hơn sang khu vực bờ tả sông Hồng (thể hiện bằng các mũi tên màu cam).
Cân bằng Âm Dương - theo quan niệm của Lý học Đông phương ứng dụng trong khoa Phong thủy - là yếu tố quyết định quan trọng đến sự phát triển của xã hội. Khi vùng trung tâm (thể hiên bằng vòng tròn đỏ) Dương khí quá vượng, Âm khí suy thoái. Theo cái nhìn Lý học thì “Dương thịnh, Âm suy tắc bế”. Trên cơ sở này, chúng ta thấy xuất hiện các hiện tượng kẹt xe, suy kiệt nguồn nước, ô nhiễm môi trường…gây tác động tiêu cực lên cuộc sống.

Bởi vậy, sự phát triển và nhu cầu quy hoạch lại Thủ Đô là điều tất yếu.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Lý học Đông phương, một sự phát triển hài hòa, quen gọi là cân bằng Âm Dương, phù hợp với tư nhiên và làm nền tảng vững chắc cho xu hướng phát triển trong tương lai là điều cần phải suy xét.
Trên cơ sở lấy Âm nhô cao thì phía Tây Bắc, Tây Nam nên đặt trọng tâm phát triển các cơ sở sản xuất, kinh tế. Vì sự phát triển kinh tế thuộc phạm trù Âm trong Lý học Đông Phương. Các cơ quan chính phủ theo tôi nên duy trì ở vùng Hà Nội cũ, nơi Dương khí cực vượng. Bởi vì theo Lý học “Dương trước , Âm sau”; “Âm thuận tùng Dương” thì các cơ quan chính phủ cần đặt ở nơi Dương vượng và không cần thiết phải di chuyển. Mà chỉ cần quy hoạch lại khu vực Hà Nội cũ, như là một khu vực hành chính , văn hóa làm chủ đạo. Bất đắc dĩ thì có thể mở rộng thêm ở vùng Quốc Oai.
Khu Mỹ Đình không phải nơi đắc địa theo cái nhìn của khoa Phong Thủy. Nến nếu cơ quan chính phủ đặt ở đây thì tôi e rằng sẽ không phát huy được tác dụng quyền lực.
Cũng trên cơ sở này, tôi cho rằng việc xây dựng trục đường lộ Thăng Long là một sai lầm ít nhất theo cái nhìn của khoa phong thủy. Trên báo mạng chính thống, đã có nhà khoa học phân tích thấy rằng con đường theo trục Đông Tây sẽ bị ánh sáng mặt trời chiếu thẳng gây loá mắt và rất dễ gây tai nạn. Khoa Phong thủy cho rằng đây chính là trục Tuyệt Mạng. Vì Tây và Đông là hai điểm đối đầu thuộc Đông Tây trạch. Còn những ý kiến khác từ cái nhìn của khoa phong thủy về tướng địa, hình lý khí - đã được nhiều phong thủy gia góp ý rất xác đáng: Nên bỏ quy hoạch trục Đại lộ Đông Tây. Hoặc tìm một giải pháp khác có thể thay thế.
Các khu vực phía Nam, Đông Nam nên phát triển quy hoạch các cơ quan nghiên cứu, kinh tế và văn hóa.
Kính thưa quí vị.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi lạm bàn về Phong Thủy liên quan đến quy hoạch Hà Nội, như là một tham vọng đóng góp về một khía cạnh của một cái nhìn riêng vào Hà Nội trong tương lai. Ngõ hầu góp phần thêm nhiều chiều ý kiến cho các nhà qui hoạch tham khảo và có quyết định cuối cùng, để cuộc sống và thủ đô Hà Nội ngày một phát triển tốt đẹp.
Xin cảm ơn sự quan tâm của quý vị.
 
Nguồn: Lý học đông phương

Friday, October 29, 2010

Nguyễn Trãi - ngôi sao Khuê của văn hóa Việt Nam

N guyễn Trãi, sinh ở Thăng Long trong gia đình ông ngoại là quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Cha ông là Nguyễn ứng Long, hiệu ức Trai (tức là Nguyễn Phi Khanh). Mẹ ông là Trần Thị Thái, con gái Trần Nguyên Đán.
Năm Nguyễn Trãi lên 5 tuổi, mẹ ông mất. Sau đó không lâu, Trần Nguyên Đán cũng mất. Ông về ở với cha tại quê nội ở làng Nhị Khê.
Năm 1400, để cứu vãn chế độ phong kiến đang khủng hoảng trầm trọng, Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần và tiếp tục thi hành các cải cách như chính sách hạn nô, hạn điền, tổ chức lại giáo dục, thi cử và y tế.
Cũng năm 1400, sau khi lên ngôi Vua, Hồ Quý Ly mở khoa thi. Nguyễn Trãi ra thi, ông đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) năm ông 20 tuổi. Hồ Quý Ly cử ông giữ chức Ngự sử đài chánh chưởng. Còn cha ông là Nguyễn Phi Khanh đỗ bảng nhãn từ năm 1374, được Hồ Quý Ly cử giữ chức Đại lý tự khanh Thị lang tòa trung thư kiêm Hàn lâm Viện học sĩ tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Năm 1406, Minh Thành Tổ sai Trương Phụ mang quân sang xâm lược Việt Nam. Nhà Hồ đem quân ra chống cự, nhưng bị đánh bại. Cha con Hồ Quý Ly và một số triều thần trong đó có Nguyễn Phi Khanh bị bắt và bị đưa về Trung Quốc.
Nghe tin cha bị bắt, Nguyễn Trãi cùng em là Nguyễn Phi Hùng khóc theo lên tận cửa Nam Quan với ý định sang bên kia biên giới để hầu hạ cha già trong lúc bị cầm tù.
Nhân lúc vắng vẻ, Nguyễn Phi Khanh bảo Nguyễn Trãi:
- Con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới là đại hiếu. Lọ là cứ phải đi theo cha, khóc lóc như đàn bà mới là hiếu hay sao?
Nguyễn Trãi nghe lời cha quay trở lại tìm con đường đánh giặc, cứu nước.
Về đến Thăng Long, ông bị quân Minh bắt. Thượng thư nhà Minh là Hoàng Phúc biết Nguyễn Trãi là một nhân vật có tài, tìm cách dụ dỗ, nhưng ông kiên quyết không theo giặc.
Sau một thời gian bị giam lỏng ở Đông Quan (tức Thăng Long), Nguyễn Trãi vượt được vòng vây của giặc vào Thanh Hóa theo Lê Lợi. Ông gặp vị thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn ở Lỗi Giang. Ông trao cho Lê Lợi bản chiến lược đánh đuổi quân Minh mà sử sách Việt Nam gọi là Bình Ngô sách.
Trong bài tựa ức Trai di tập, Ngô Thế Vinh cho biết: Bình Ngô sách "hiến mưu trước lớn không nói đến việc đánh thành, mà lại khéo nói đến việc đánh vào lòng người".
Lê Lợi khen chiến lược của Nguyễn Trãi là đúng. Và ông đã vận dụng chiến lược này để đánh quân Minh. Từ đây, ông thường giữ Nguyễn Trãi gần bên mình để cùng bàn mưu tính kế đánh quân Minh.
Cuối năm 1426, Lê Lợi lập bản doanh ở bến Bồ Đề (Gia Lâm). Tại đây, ông cho dựng một cái chòi cao ngang bằng tháp Báo Thiên ở Đông Quan. Lê Lợi ngồi tầng thứ nhất của chòi, Nguyễn Trãi ngồi tầng thứ hai. Hai nhân vật luôn luôn trao đổi ý kiến với nhau.
Trong kháng chiến, Nguyễn Trãi chủ trương phải dựa vào dân thì mới đánh được giặc, cứu được nước. Khi kháng chiến đã thắng lợi, ông cũng thấy rằng phải lo đến dân, thì mới xây dựng được đất nước. Trong tờ biểu tạ ơn được cử giữ chức Gián nghị đại phu tri tam quân sư, ông đã viết: "Chí những muốn, việc cố nhân đã muốn: để tâm dân chúng, mình lo trước điều thiên hạ phải lo".
Năm 1437, khi vua Lê Thái Tông cử ông định ra lễ nhạc, ông cũng nói cho vua biết những điều mà vua phải làm trước hết là chăn nuôi nhân dân:
- Dám mong Bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn nuôi muôn dân khiến cho trong thôn cùng xóm vắng, không có một tiếng hờn giận oán sầu. Đó tức là giữ được cái gốc của nhạc.
Do luôn luôn "lo trước điều thiên hạ phải lo, vui sau cái vui của thiên hạ", Nguyễn Trãi lúc nào cũng sống một cuộc đời giản dị, cần kiệm liêm chính. Nhà của ông ở Đông Kinh (Thăng Long) chỉ là một túp nhà tranh (góc thành Nam lều một gian). Khi ông cai quản công việc quân dân ở hải đảo Đông Bắc, nhà của ông ở Côn Sơn "bốn mặt trống trải, xác xơ chỉ có sách là giàu thôi" (thơ Nguyễn Mộng Tuân, bạn Nguyễn Trãi).
Đền thờ Nguyễn Trãi
Bài Bình Ngô đại cáo của ông là một "thiên cổ hùng văn". Đó là một thiên anh hùng ca bất hủ của dân tộc.
Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi là những thư từ do ông viết trong việc giao thiệp với quân Minh. Những thư này là những tài liệu cụ thể chứng minh đường lối ngoại giao vào địch vận hết sức khéo léo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi làm cho quân Lam Sơn không mất xương máu mà hạ được rất nhiều thành.
Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là tác phẩm xưa nhất bằng Việt ngữ mà chúng ta còn giữ được. Tác phẩm này rất quan trọng cho công tác nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam và lịch sử ngôn ngữ Việt Nam.
Năm 1442, cả gia đình ông bị hãm hại (tru di tam tộc) khiến cho người đương thời vô cùng thương tiếc.
Năm 1464, vua Lê Thánh Tông hạ chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng quan tước và tìm hỏi con cháu còn sót lại.
Nguyễn Trãi là một nhân vật vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. ông là anh hùng dân tộc, là nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nước ta. Tâm hồn và sự nghiệp của ông mãi mãi là vì sao sáng như Lê Thánh Tông truy tặng "ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo".
Giáo sư sử học Văn Tâm
* Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc
* Bình ngô đại cáo

Nguồn: VNxpress.net

Ăn chay và quan niệm của danh nhân thế giới

Trần Anh Kiệt

Tôi khẳng định rằng thịt không phải là thức ăn thích hợp với con người. Chúng ta không nên sai lầm chạy theo lối sống của các loài cầm thú, nếu chúng ta tự coi mình cao thượng hơn các loài cầm thú đó"
01. Peter Burwash
Một hôm nọ, nhà vô địch quần vợt Peter Burwash đến viếng một lò sát sanh. Khi ra về ông đã bất nhẫn mà viết những cảm nghĩ của mình trong một quyển sách nhan đề là A Vegetarian Primer (Sách dạy ăn chay). Có đoạn ông viết: "Tôi không nỡ bóp nát một cánh hoa mong manh. Tôi đã chơi hockey với hết sức bình sanh của mình. Tôi cũng đã từng vùng vẫy và dọc ngang trên các sân quần vợt trong những trận thư hùng. Tôi không phải là loại người yếu đuối. Nhưng trước cảnh tượng mà tôi đã chứng kiến tại lò sát sanh, tôi thấy mình kinh khiếp và lòng mình mềm yếu vì thương hại".
"Khi tôi rời khỏi lò sát sanh, sự tội nghiệp đã dày vò lương tâm tôi. Tôi thầm nhủ sẽ không bao giờ có đủ can đảm đi sát hại một con vật dù lớn dù nhỏ. Tôi hiểu rằng có những nhân vật lỗi lạc trên thế giới họp nhau để bàn cãi về các vấn đề vật lý, kinh tế và môi sinh. Cũng có một số người có quan điểm tán đồng với chủ thuyết ăn chay. Song điều làm cho tôi chọn lấy con đường chay lạt không phải chạy theo chủ thuyết này hay chủ thuyết nọ mà chính vì những cảnh dã man mà con người đã đối xử một cách tồi tệ với các loài vật không phương tự vệ mà tôi đã tận mắt chứng kiến".
Trong thời kỳ cổ Hy Lạp và cổ La Mã, lòng từ bi và những quan niệm về sự đối xử đạo đức luôn luôn là những nguyên động lực chủ yếu khiến một số danh nhân khép minh trong việc thọ trì trai giới.
 02. Pythagore
Ông Pythagore, nhà toán học lừng danh trên thế giới đã từng khuyên nhủ:
"Này bạn, xin đừng làm nhơ nhớp thân thể của mình bằng những thức ăn tội lỗi. Chúng ta đã có bắp, bôm, lê, rau trái thừa thải, sữa và mật ong ngọt lịm. Quả đất này đã cung ứng cho chúng ta những thức ăn vô tội một cách dồi dào, đã khoản đãi chúng ta bằng những bữa tiệc không can dự vào máu. Chỉ có loài thú này mới ăn thịt loài thú khác vì bản năng tự nhiên và vì đói. Nhưng không phải tất cả loài thú nào cũng vậy. Bởi vì trong số đó cũng có các loài như bò, ngựa và trừu... đều ăn cỏ".
Sử học gia Diogenes kể rằng, ông Pythagore dùng điểm tâm buổi sáng bằng bánh mì và mật ong và dùng bữa ăn chiều với nhiều loại rau quả. Ngài cũng đã thể hiện lòng từ bi bác ái qua những hành động thực tiễn bằng cách nhiều lần trả tiền cho một số ngư phủ để phóng sanh những con cá mà họ đã bắt được trở về lòng biển cả.
Ông Plutarch, triết gia người Hy Lạp nhận xét về ông Pythagore như sau: "Theo tôi sự từ tâm là lý do chính khiến ông Pythagore kiêng thịt. Ông không nỡ nhìn cảnh dẫy dụa và kêu rống thất thanh của những con vật khi bị người ta phanh thây xẻ thịt. Người ta giết những con vật đó không phải vì lý do chúng là thú dữ có khả năng nhiễu hại loài người, mà chính vì mục đích để thỏa mãn khẩu vị của họ mà thôi. Người ta bức tử những con vật ngây thơ không móng vuốt để tự vệ mà đáng lý ra theo luật Tạo Hóa, chúng cũng có quyền sinh tồn, bình đẳng và hiện diện để làm đẹp quả địa cầu này như tất cả mọi loài". Ông còn nhấn mạnh: "Nếu bảo rằng bản tính tự nhiên của loài người là ăn thịt các loài thú, thì thử hỏi chỉ với hai bàn tay trắng do Tạo Hóa sinh ra, mà không cần đến sự trợ lực của dao, mác, hèo, gậy, con người đã làm được gì các loài thú đó?"


03. Leonard Da Vinci

   Ông Léonard Da Vinci (1452 - 1519), nhà danh họa và điêu khắc gia người Ý, đồng thời cũng là một thi sĩ nổi tiếng trên thế giới quan niệm ăn chay là đạo đức của con người. Sự ăn chay sẽ tránh được những tội ác về sát sinh. Ông còn nhấn mạnh rằng những ai không biết quý trọng sự sống của những sinh vật khác là những kẻ không đáng sống. Cơ thể của những người ăn mặn không khác gì những bãi tha ma để chôn vùi xác chết các thú vật mà họ đã ăn vào. Trong các quyển vỡ nhật ký, ông thường viết đầy những câu danh ngôn về lòng từ bi bác ái và luôn luôn có những hành động quý thương các loài sinh vật khác.


04. Jean Jacques Roussean
Ông Jean Jacques Rousseau (1712 - 1778), triết gia và là một văn hào người Pháp đã có những tác phẫm giá trị về mặt tư tưởng đã ảnh hưởng sâu xa đến nền văn học và cuộc cách mạng lịch sử tại quốc gia này. Ông là người chủ trương bênh vực sự hiện hữu của thiên nhiên và cổ xúy sự ăn chay. Ông nhận xét rằng phần đông những loài thú ăn thịt có bản tính hung tợn hơn những loài thú ăn cỏ. Và dĩ nhiên những người ăn chay trường sẽ hiền từ hơn những người ăn mặn. Ông còn đề nghị những người hành nghề đồ tể không được mời vào làm bồi thẩm đoàn tại các tòa án.


05. Adam Smith Kinh tế gia Adam Smith (1723 - 1790), trong quyển The Wealth of Nations xuất bản vào năm 1776 đã khuyến khích loài người ăn chay và đã thuyết minh về sự lợi ích của việc thọ trì trai giới. Ông bảo rằng việc ăn mặn xét ra không cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng của con người. Chúng ta đã có ngũ cốc, rau quả, phó mát, dưa và dầu thực vật. Đó là những thức ăn cung cấp cho chúng ta những chất dinh dưỡng dồi dào. Thịt đối với chúng ta sẽ không nghĩa lý gì nếu chúng ta ăn chay đầy đủ và đúng cách.
06. Benjamin Franklin Cùng một quan niệm trên, ông Benjamin Franklin (1706 - 1790), một khoa học gia và là một chính trị gia nổi tiếng của Hoa Kỳ, người đã bắt đầu ăn chay từ năm 16 tuổi đã bảo rằng nhờ ăn chay mà cơ thể của ông được trong sạch, tinh thần của ông được minh mẫn, trí óc của ông được tiến bộ và sự hiểu biết của ông được nhanh chóng hơn. Trong một bài tự thuật, ông có bình phẩm những người ăn mặn là những kẻ cố sát.
07. Percy Bysshe Selley Thi sĩ Percy Bysshe Shelley (1792 - 1822) cũng là người ăn chay trường. Ông chủ trương chống báng việc sát hại súc vật để cung cấp thịt cho dân chúng tiêu thụ. Ông đã có lòng vị tha và bắt đầu ăn chay trường từ hồi còn là một sinh viên tại trường Đại học Oxford. Sau này ông thành hôn với bà Harriet. Cả hai vợ chồng đều chấp nhận một cuộc sống chay lạt thanh khiết. Trong một bức thư đề ngày 14-3-1812, bà Harriet đã tâm sự với một người bạn: "Vợ chồng chúng tôi đã kiêng thịt và ăn chay trường như ông Pythagore vậy". Một số thi phẩm của ông Shelley thường mang tính chất vị tha bác ái, khuyên nhủ mọi người tránh việc sát sanh, nên ăn chay và sống một cuộc đời thanh cao tốt đẹp.

08. Leon Tolstoi

Văn hào nước Nga Léon Tolstoi (1828 - 1910) đã thọ trường chay từ năm 1885. Ông chống đối thú săn bắn của một số giai cấp quý tộc và trưởng giả. Ông cũng chủ trương không sát sanh, chủ trương chủ thuyết hòa bình và ăn chay, tôn trọng sự sống của các loài sinh vật khác kể cả con ong và loài kiến. Ông tiên đoán những bạo động xảy ra triền miên trên thế giới chỉ vì loài người không biết tự chế tham vọng của mình. Sự kiện càng ngày càng tệ hại hơn và có thể xảy ra những cuộc chiến tranh khốc liệt làm xáo trộn cuộc sống an bình của nhân loại. Trong bài tham luận The First Step (Bước đầu tiên), Léon Tolstoi bảo rằng những người ăn thịt là những kẻ phản đạo đức và "phạm tội sát sinh". Ông nói thêm: "Sự sát sinh đã làm cho những người vốn có một tâm hồn cao thượng, có lòng vị tha đối với mọi người như đối với chính bản thân mình, trở thành những kẻ hung bạo".
09. Richard Wagner Nhà soạn nhạc Richard Wagner tin tưởng mạnh mẽ rằng sự sống của mọi loài đều có tính cách bất khả xâm phạm. Ông bảo: "ăn chay là một sự dinh dưỡng thuần hợp với bản chất thiên nhiên, cứu vớt con người xa lánh những tâm địa và hành động tội lỗi, đồng thời ông cũng mong ước sau này sẽ được hóa sinh về nơi an lạc đời đời".
10. Henry David Thoeau Ông Henry David Thoreau (1817 - 1862), văn hào Hoa Kỳ có khuynh hướng chống áp bức nô lệ, chủ trương một cuộc sống thanh bình và thuận lý thiên nhiên. Ông là người ăn chay định kỳ từ thuở nhỏ, đã bảo rằng: "Chúng ta không có trách cứ những người ăn mặn. Thực ra vì sự sinh tồn, loài người có thể sát sinh trên một bình diện nào đó. Nhưng đây là một biện pháp bất khả kháng và rất đáng thương tâm. Những người ăn mặn cần phải được hướng dẫn để cải thiện dần đường lối mưu sinh của mình, để họ tự ý thức và tự chọn lựa cho mình những thức ăn chay thanh đạm và cao khiết hơn. Theo sự suy nghiệm của bản thân tôi thì những sự kiện đó can dự một cách quan trọng vào vấn đề vận số của con người. Tôi tin rằng điều kiện ăn uống có thể cải thiện được. Xuyên qua tiến trình lịch sử của nhân loại, chúng ta há chẳng thấy những bộ lạc ăn thịt người từ thuở xa xưa, ngày nay họ không còn ăn thịt lẫn nhau vì đời sống càng ngày càng văn minh hơn và con người trong những bộ lạc đó đã có ý thức hơn".
11. Mohanda Gandhi
Trong lịch sử Ấn Độ vào thập niên 1940 và 50, nhà cách mạng bất bạo động Mohanda Gandhi đã dành lại chủ quyền cho đất nước từ trong tay thực dân Anh Quốc. Ông đã từng vào tù ra khám và được nhân dân nước Ấn tôn thờ là bậc Thánh nhân, cũng là người đã ăn chay từ thuở nhỏ. Thân sinh của ngài vốn theo đạo Hindus nên gia đình của ngài là một gia đình đạo đức và tất cả đều ăn chay theo giáo lý tốt lành của tôn giáo đó. Song dưới sự cai trị của Anh Quốc, những tư tưởng tân tiến Tây phương đã ảnh hưởng mạnh mẽ và dần dần đánh bạt một số phong tục cổ truyền của nước Ấn. Một số thanh niên thời bấy giờ đã chê bai việc ăn chay trường và thờ đạo bản xứ là hủ lậu nên họ học đòi theo lối sống Tây phương trong đó có việc ăn thịt được họ hăm hở chấp nhận hơn cả. Số người này còn khuyến dụ ông Gandhi theo trào lưu mới như bọn họ, nhưng đã bị ông từ chối. Do đó ông đã trở thành nạn nhân của sự chê bai gièm xiễm. Họ bảo rằng ăn thịt sẽ tăng cường sức khỏe, nghị lực và lòng can đảm. Nhưng ông Gandhi vẫn khăng khăng giữ vững lập trường của mình không hề xao xuyến. Không những thế ông còn viết tất cả 5 quyển sách chuyên về đề tài ăn chay và khuyên mọi người trì giới. Ông bảo: "Đã đến lúc chúng ta cần phải sửa sai một số tư tưởng lầm lẫn cho rằng ăn chay sẽ làm cho tinh thần chúng ta bị bạc nhược, thụ động và nhụt chí phấn đấu. Dù trong tình huống nào, tôi vẫn không xem việc ăn thịt là cần thiết".
Hàng ngày ông Gandhi thường dùng giá lúa mạch, bột hạnh nhân, rau xanh, chanh và mật ong trong những bữa ăn thanh đạm. Chính ngài bảo đã tìm thấy những nguyên lý và giá trị đạo đức của sự ăn chay qua các tác phẩm của nhà văn Tolstoi. Trong quyển Moral Basis of Vegetarianism (Căn bản đạo đức của chủ thuyết ăn chay), ngài viết: "Tôi khẳng định rằng thịt không phải là thức ăn thích hợp với con người. Chúng ta không nên sai lầm chạy theo lối sống của các loài cầm thú, nếu chúng ta tự coi mình cao thượng hơn các loài cầm thú đó". Ngài cũng bảo chính lòng từ bi là nguyên động lực khiến người ta ăn chay và tránh sát sinh hơn là vì lý do sức khỏe Ngài bảo sự tiến bộ về tâm linh đến một mức nào đó, con người sẽ tự ý thức và thương hại mà không giết chóc những sinh vật bạn bè của chúng ta để thỏa mãn nhu cầu của khẩu vị.

12. Bernard Shaw Kịch tác gia nổi tiếng Bernard Shaw (1856 - 1950) đã được giải thưởng về văn học nghệ thuật Nobel năm 1925. Ông cũng ăn chay trường từ năm 25 tuổi. Ông bảo chính những thi phẩm của Shelley đã làm cho ông thức tĩnh và thấy được sự đạo đức trong vấn đề chay lạt. Ông bảo có lần ông bị bịnh. Bác sĩ khuyến cáo ông hãy bỏ "cái tật xấu ăn chay" đó đi. Nếu không ông sẽ toi mạng vì kiệt sức. Nhưng ông vẫn bất chấp. Ông cũng mặc kệ trước những mỉa mai của bàng dân thiên hạ, vô công rổi nghề. Ông bảo chúng ta không nên quan tâm về sự dèm pha của số người chuyên ăn các thây ma của thú vật ấy. Ông thường trước tác những kịch bản và những văn phẩm liên hệ tới hành vi đạo đức của con người, tới sự sát sanh và những bạo động trên thế giới.
13. Albert Einstein Albert Einstein (1879 - 1955), nhà bác học nổi danh của thế kỷ thứ 20. Người đã phát minh ra thuyết tương đối và được tặng giải Nobel về vật lý học năm 1921 cũng là một người ăn chay trường. Tuy ông chánh thức không theo tín ngưỡng nào nhưng là một người rất sùng đạo. Ông tin có Thượng Đế và vũ trụ này được điều khiển bởi một cơ Trời huyền diệu. Nếu không thì mọi sự vận hành trong vũ trụ sẽ loạn lên và không theo một quy luật nhất định. Ông là một người yêu chuộng hòa bình, tôn trọng sự sống của muôn loài và đã từng phát biểu: "Không gì ích lợi cho sức khỏe của con người để có cơ hội sống lâu trên quả địa cầu này bằng cách ăn chay".
14. Isaac Bashivis Văn hào Isaac Bashivis Singer (sinh năm 1904), từng đoạt giải thưởng văn học nghệ thuật Nobel năm 1978 đã thọ chay trường từ năm 1962. Lúc đó ông vừa đúng 58 tuổi. Ông bảo ông rất lấy làm hối tiếc vì đã kéo dài thời gian ăn mặn quá lâu. Nhưng thà muộn còn hơn chẳng bao giờ ăn chay cả. Ông nghĩ rằng thuyết ăn chay để tránh sát sanh cũng cũng cùng hòa hợp với sự uyển chuyển huyền vi của Do Thái giáo. Ông bảo: "Chúng ta đều là con cái của Thượng Đế. Trong khi chúng ta cầu xin Thượng Đế tha tội cho chúng ta, thì ngược lại chúng ta cứ tiếp tục phạm tội sát hại sinh mạng của những động vật khác".
Đề cập tới tình trạng sức khỏe có thể bị ảnh hưởng bởi sự ăn chay, ông bảo rằng dó là hoàn toàn dựa trên ý thức của loài người. Ông cương quyết bảo: "Ngay cả việc ăn mặn có tốt cho cơ thể như thế nào chăng nữa, tôi sẽ không bao giờ chấp nhận. Rất nhiều triết gia và các nhà truyền giáo trên thế giới đã rao giảng với tín đồ của họ rằng loài thú chẳng qua chỉ là những cái máy không linh hồn và không cảm giác. Những lời rao giảng như vậy là một sự nói láo, là sáng kiến và chủ trương của bọn ma vương và tà đạo mà thôi".

Nguồn: Đạo phật ngày nay

Thursday, October 28, 2010

PHẢI CHĂNG NGŨ LĨNH LÀ "BIÊN GIỚI CỔ CỦA TỘC VIỆT"?

Hà Văn Thùy    
 Để “Tìm lại biên giới cổ của Việt-nam*,” bác sĩ Trần Đại Sỹ bỏ ra khá nhiều tâm lực. Không phải chuyện ngồi nhắp chuột trước màn hình “search maps” mà là cuộc dấn thân trên hàng ngàn cây số, tiêu tốn nhiều thời gian, sức lực tuổi già cùng tiền bạc. Nhưng chính cái tâm lực ấy cống hiến cho bạn đọc nhiều điều thú vị. Từ những dòng truyền thuyết mờ mờ sương khói hiện lên ngôi chùa cổ trơ vữa lở lói được xây trên nền đất ngày xưa Lạc Long Quân tế trời. Một “cánh đồng Tương” mơ màng huyền thoại cũng hiện hình ngay trước mắt… Đặc biệt quý giá là, lần đầu tiên sau 5000 năm, chúng ta có vật chứng để tin vào truyền thuyết họ Hồng Bàng, tin rằng giang sơn xưa gấm vóc của tộc Việt là có thực! Riêng tôi, vô cùng cảm ơn nhà văn-bác sĩ, người hành hương tuyệt vời mang lại thêm cho mình sự hiểu biết cùng lòng thương yêu nòi giống.
 Tuy nhiên, có điều tôi phân vân: phải chăng « Quả có núi Ngũ-lĩnh phân chia Nam, Bắc Trung-quốc hiện thời, vậy có thể núi này đúng là nơi phân chia lãnh thổ Văn-Lang và Trung-Quốc khi xưa »? Và phải chăng  “Trong khoảng 5000 trước Tây-lịch, lãnh thổ tộc Việt nằm từ phía Nam sông Trường-giang tới vịnh Thái-lan.” ?
Tôi nghĩ rằng không phải vậy. Cả truyền thuyết họ Hồng Bàng, cả sách Toàn thư đều nghi nhận: “Biên giới Văn Lang phía Bắc tới Ngũ Lĩnh” mà không hề nói phía trên nó là Trung Quốc! Đọc truyền thuyết và chính sử, ai cũng hiểu, vào thời đó, phía Bắc Văn Lang là nước của Đế Lai, con Đế Nghi và cố nhiên đều là dòng giống Việt! Viết “núi này đúng là nơi phân chia lãnh thổ Văn-Lang và Trung-Quốc khi xưa”  vô hình trung tác giả đã tặng cho nước Trung Quốc (2400 năm sau mới ra đời) vùng đất mênh mông đang thuộc quyền tộc Việt. Một lầm lẫn đáng buồn!
Trong bài viết của mình, tác giả có nói đã sử dụng tài liệu của nhóm Y.Chu, Ly Yin… Khai thác triệt để những tài liệu này, cùng nhiều tư liệu hiện có, người ta sẽ thấy: khoảng 40.000 năm trước, người từ Việt Nam đã đi lên khai phá đất Trung Hoa để tới 4000 năm TCN người Bách Việt thuộc nhóm loại hình Australoid, do chủng Indonesien dẫn đạo về xã hội và ngôn ngữ, xây dựng tại Đông Á nền văn hóa nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Trong tình hình như vậy, trên đất Trung Hoa 5000 năm TCN làm gì có chỗ cho một nước gọi là Trung Quốc?
Từ nhiều nguồn tư liệu, trong đó có cả di truyền học, nay ta biết rằng, người Hoa Hạ, tổ tiên người Hán chỉ ra đời khoảng 2600 năm TCN, kết quả của sự lai giống giữa người du mục Mông Cổ và người Bách Việt sau cuộc xâm lăng của tộc Mông Cổ. Vài trăm năm, từ Hoàng đế tới nhà Hạ, do luôn bị người Việt chống trả và cũng do nước lũ Hoàng Hà đe dọa, các nhà nước Hoàng đế chỉ đặt thủ phủ ở phía Bắc Hoàng Hà. Thời đó, Trung Quốc còn là nước nhỏ nằm kẹp giữa Ba Thục phía Tây và khối dân cư Việt đông đảo ở phía Đông. Chỉ khi nước Tần thôn tính nước Sở năm 223 TCN, biên giới Trung Quốc mới tới bờ sông Dương Tử.

Từ thực trạng lịch sử đó, ta thấy ý tưởng nêu trên của bác sĩ Trần Đại Sỹ không có cơ sở. Rõ ràng là, 5000 năm TCN, phía trên Văn Lang vẫn là đất của tộc Việt. Mặc nhiên, lãnh thổ của tộc Việt không chỉ từ Ngũ Lĩnh tới vịnh Thái Lan là trải dài từ Nam Hoàng Hà tới tận Cà Mau.
 Có một điều đáng để suy nghĩ là, sự ngộ nhận này không chỉ của riêng bác sĩ Trần Đại Sỹ mà còn ở nhiều người khác. Họ lầm tưởng rằng, người Hoa Hạ có lịch sử lâu đời hơn Việt tộc, đã sớm chiếm miền Bắc Trung Hoa và sáng tạo nền nông nghiệp trồng khô là kê và mạch. Trong khi đó, tộc Việt xưa nay chỉ làm chủ từ Nam Ngũ Lĩnh và trồng lúa nước! Thực ra lịch sử đã đi theo con đường ngược lại: Người Việt từ Việt Nam đi lên khai phá Trung Hoa theo kiểu cuốn chiếu. Khu vực Bắc Dương Tử được khai thác muộn hơn. Thêm nữa, ở trên vĩ tuyến 35, phía Nam Hoàng Hà, khí hậu quá khô, lúa nước không sống được nên tổ tiên ta chuyển sang trồng kê, mạch, phương thức canh tác khô. Mặt khác, do vùng này bị xâm lăng sớm nên dấu vết văn hóa Việt mờ nhạt đi khiến cho sau này nhiều người nhìn nhận đó là đặc trưng văn hóa Hán. Trong khi đó vùng Nam Dương Tử, do được kinh doanh từ rất sớm nhưng bị xâm chiếm muộn nên dấu vết văn hóa Việt còn in đậm, làm cho người ta lầm tưởng là địa bàn của tộc Việt chỉ tới Ngũ Lĩnh.

Sự lầm lẫn của bác sĩ Trần Đại Sỹ cũng như nhiều người là kết quả của một thời gian dài người Việt không có cách nào khác để tìm lịch sử của mình ngoài việc nghe theo cổ thư Tàu. Nay đọc sách Toàn thư, thấy dòng đầu tiên viết: “Từ Hoàng đế dựng muôn nước” ta không trách mà cảm thấy thương cha ông! Biến dòng họ Hiên Viên ngoại tộc sinh sau đẻ muộn trở thành thủy tổ các dân tộc Đông Á là mưu đồ xuyên tạc, cướp đoạt lịch sử trắng trợn. Tổ tiên ta rồi cả chúng ta từng bị lừa bởi trò lừa đảo vĩ đại này. Nhưng tới nay, vẫn còn mang những ý tưởng như vậy là điều đáng phiền trách. 
Nguồn: An Việt Toàn Cầu                                                                                            

Wednesday, October 27, 2010

THỬ TÌM LẠI BIÊN GIỚI CỔ VIỆT NAM: BẰNG CỔ SỬ, BẰNG TRIẾT HỌC, BẰNG DI TÍCH VÀ HỆ THỐNG ADN

Bác-sĩ Trần Ðại-Sỹ
(tiếp theo)
IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.
Trong việc đi tìm nguồn gốc tộc Việt, tôi đã dùng phương pháp y-khoa nhiều nhất, và phương pháp khoa học mới đây. Tôi đã được giáo sư Tarentino về khoa Anatomie của Ý và giáo sư sinh vật Vareilla Pascale của Pháp tích cực giúp đỡ. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng trong khoảng 5000 trước Tây-lịch, lãnh thổ tộc Việt nằm từ phía Nam sông Trường-giang tới vịnh Thái-lan. Phía Tây tới tỉnh Tứ-xuyên Trung-quốc, phía Ðông tới biển Nam-hải. Nghĩa là bao gồm toàn bộ Hoa-Nam, và Ðông-dương.
1. Dùng biện chứng y-khoa vào khảo cổ.
Biện chứng căn bản của người nghiên cứu y-khoa là:
« Khi có chứng trạng, ắt có nguyên do »
Biện chứng này đã giúp tôi rất nhiều trong khi nghiên cứu về nguồn gốc tộc Việt. Khi nghiên cứu, những tài liệu cổ, dù là huyền thoại, dù là huyền sử, dù là triết học, tôi cũng coi là chất liệu quan trọng. Như tôi đã trình bày, nước tôi có một tôn giáo, mà toàn dân đều theo đó là thờ các anh hùng dân tộc. Tại những đền thờ chư vị anh hùng, thường có một cuốn phổ kể sự tích các ngài. Vì theo thời gian, tiểu sử các ngài bị dân chúng huyền thoại hóa đi, riết rồi thành hoang đường. Cho nên những học giả đi tiên phong, nghiên cứu về sử học Việt thường bỏ qua. Tôi lại suy nghĩ khác:
«  Không có nguyên do, sao có chứng trạng? »
Vì vậy tôi đã tìm ra rất nhiều điều lý thú. Tỷ dụ: Bất cứ một nhà nghiên cứu nào, khi khảo về thời vua An-Dương cũng cho rằng chuyện thần Kim-quy do vua móng làm nỏ bắn một lúc hàng nghìn mũi tên khiến Triệu-Đà bị bại là hoang đường, là ma trâu đầu rắn. Nhưng tôi lại tin và cuối cùng tôi tìm ra sự thật. Hồi ấy Cao Cảnh hầu Cao Nỗ đã chế ra nỏ liên châu, như súng liên thanh ngày nay. Tôi cũng tìm ra kích thước của ba mũi tên đồng của nỏ này.(4)
Trước tôi đã có các nhà khảo cổ căn cứ vào xương sọ tìm được tại Trung và Bắc-phần (70 cái). Trong đó có 38 cái do người Pháp sưu tầm thuộc thời đại Đồ-đá, thì 29/38 cái được kết luận là thuộc chủng loại Malanésien, Indonésien, Australoide hay Nam-á. Với 29 cái thì không thể kết luận rằng đó là toàn thể. Gần đây các học giả Việt-Nam lại tìm ra 32 xương sọ, thuộc thời đại Đồ-sắt (1000 năm trước Tây-lịch đến 300 sau Tây-lịch), thì 22/27 thuộc chủng loại Mongoide. Với 32 cái thì không thể kết luận rằng đó là toàn thể tộc Việt thuộc chủng loại Mongoide.

Những tác giả trên đã căn cứ vào chỉ số xương sọ để kết luận. Nhưng y học đã tiến bộ, căn cứ vào chỉ số xương sọ để định nguồn gốc đã bị đánh đổ. Nguyên do: Khi con người di cư đến vùng khác, bị khí hậu, bị nước uống, bị thực phẩm làm thay đổi xương sọ. Chúng tôi dùng hệ thống ADN, hệ thống sinh học mới nhất thử nghiệm ngay những người đang sống của 35 dòng họ tại Hoa Nam với Việt-Nam, rồi với những dòng họ khác tại Hoa Bắc. Lại cũng thử nghiệm những bộ xương của ba vùng trên, không phân biệt thời gian. Cuối cùng chúng tôi tìm ra sự khác biệt của những tộc Hoa Nam, Việt Nam với những tộc Hoa Bắc, và đi đến kết luận: lãnh thổ Văn-lang, tới hồ Ðộng-đình. (5)

Ghi chú của Tăng Hồng Minh:
Một quan khách, nữ giáo sư khoa Thiên-văn học tên Madeleine Chevalier hỏi: "ADN là gì? Tôi nghe nói, cũng như đọc trên báo hoài, mà không biết rõ chi tiết cái hệ thống này?"
Trần Ðại-Sỹ: "Tôi xin nhường lời cho Giáo-sư Vareilla Pascale chuyên khoa về vấn đề này trả lời."
Vareilla Pascale: "Cảm ơn Giáo-sư Trần Ðại-Sỹ đã cho tôi danh dự trả lời Giáo-sư Chevalier. ADN viết tắt của từ Acide désoxyribonucléique, tiếng Anh là Deoxyribosenucleic acide, viết tắt là DNA."
(Phần này khá dài, khoảng 20 trang A4, chúng tôi không dịch hết, vì quá chuyên môn, chỉ dành cho sinh viên y khoa. Vả phần này quí độc giả có thể tìm đọc trong bất cứ bộ tự điển Encyclopédie của Pháp hay Anh, Mỹ nào.)


2. Những vấn đề.
Ranh giới phía Nam của nước Văn-lang tới nước Hồ-tôn đã quá rõ ràng. Ranh giới phía Tây với Ba-thục, phía Đông với biển lại tùy thuộc vào ranh giới phía Bắc. Nếu như ranh giới phía Bắc qủa tới hồ Động-đình, thì ranh giới phía Tây chắc phải giáp Ba-thục và phía Đông phải giáp Đông-hải. Có thực như thế không?

Vì vậy tôi đi tìm ranh giới phía Bắc.
Dưới đây là huyền thoại, huyền sử mà tôi đã bấu víu vào để đi nghiên cứu. Tôi cần tra cứu cho ra:
Vấn đề thứ nhất,
Cổ sử Việt đều nói rằng ranh giới phía Bắc tới hồ Ðộng-đình. Có thực như vậy không?
  • Truyền thuyết nói Ðế-Minh lập đàn tế cáo trời đất, rồi chia thiên hạ làm hai. Từ Ngũ-lĩnh về Bắc cho Ðế-Nghi, sau thành Trung-quốc. Từ Ngũ-lĩnh về Nam truyền cho vua Kinh-Dương sau thành Văn-lang.
Núi Ngũ-lĩnh, hồ Ðộng-đình nay vẫn còn. Nhưng liệu có di tích gì chứng minh chăng? Tôi phải đi tìm Ngũ-lĩnh, hồ Ðộng-đình.
Vấn đề thứ nhì,
  • Truyền thuyết nói: Sau khi vua Kinh-Dương, vua Lạc-Long kết hôn, đều lên núi Tam-sơn trên hồ Ðộng-đình hưởng thanh phúc ba năm. Lúc ngài lên núi có chín vạn hoa tầm xuân nở. Tôi phải đi tìm núi Tam-sơn ở hồ Ðộng-đình. Liệu trên núi này có di tích gì về cuộc tình năm nghìn năm trước chăng?
Vấn đề thứ ba,
  • Truyền sử nói: Sau khi Quốc-tổ Lạc-Long, Quốc-mẫu Âu-Cơ cho các hoàng tử đi bốn phương qui dân lập ấp, dặn rằng: Mỗi năm về Tương-đài chầu Quốc-tổ, Quốc-mẫu một lần.
  • Cổ sử nói: Quốc-tổ dẫn năm mươi con xuống biển, Quốc-mẫu dẫn năm mươi con lên núi, hẹn mỗi năm một lần gặp nhau ở cánh đồng Tương.
Cánh đồng Tương ở đâu? Nếu có cánh đồng Tương thì cũng có thể kết luận rằng biên giới nước Văn-lang tới hồ Ðộng-đình. Tôi phải đi tìm.
Vấn đề thứ tư,
Chứng tích thứ nhất xác định:
  • Bộ Sử-ký của Tư-mã, Nam-Việt liệt truyện có thuật việc: vua nước Nam-Việt là Triệu-Ðà thường đem quân quấy nhiễu biên giới Việt-Hán là Nam-quận, Trường-sa (Mậu-Ngọ 183 trước Tây-lịch).
Như vậy biên giới Nam-Việt (Tức Việt-Nam) với Hán (Tức Trung-quốc) ở vùng này. Ngày nay Trường-sa là thủ phủ của tỉnh Hồ-nam, nằm ngay Nam ngạn sông Trường-giang.
Vấn đề thứ năm,
  • Huyền sử nói rằng: trong cuộc khởi nghĩa của vua Trưng:
     
    • Khi Trưng Nhị, Trần Năng, Phật Nguyệt, Lại Thế-Cường, Trần Thiếu-Lan đem quân đánh Trường-sa (39 sauTây-lịch), thì nữ tướng Trần Thiếu-Lan tử trận, mộ chôn ở ghềnh Thẩm-giang (sự thật đó là Tương-giang thông với hồ Ðộng-đình).
       
    • Sau đó ít năm có trận đánh giữa Lĩnh-Nam và Hán (42 sau Tây-lịch). Tướng Lĩnh-Nam tổng trấn hồ Ðộng-đình là Phật Nguyệt, tướng Hán là Mã Viện, Lưu Long (40 sau Tây-lịch).
Có thực thế không? Có hai trận Trường-sa, hồ Ðộng-đình không? Nếu có thì ranh giới thời Lĩnh-Nam (40-43 sau Tây-lịch) quả tới hồ Ðộng-đình.
Vấn đề thứ sáu,
Năm 42, sau Tây-lịch, ba tướng thống lĩnh Kỵ-binh thời vua Trưng là Đào Chiêu-Hiển, Đào Đô-Thống, Đào Tam-Lang, đánh nhau với quân Hán tại Bồ-lăng thuộc Tượng-quận, vì quân ít, thế cô, ba ông tự tử. Vậy Bồ-lăng ở đâu? Có trận này không? Nếu có trận này thì ranh giới Lĩnh-Nam phía Tây quả tới Ba-thục (Tứ-xuyên.)
 
Thưa Quý-vị,
Nhưng các sử gia gần  đây (1900-1975) đều đặt nghi vấn rằng: Làm gì biên giới thời Văn-Lang rộng như vậy? Nếu có chỉ ở vào phía Bắc biên giới Hoa-Việt hiện nay trăm cây số là cùng. Lại cũng có những người dốt nát (1975-1991), không đủ sách đọc, không theo kịp sự tiến triển của y học, họ chỉ đọc những tài liệu sai lầm, rồi họ như con ngựa kéo xe, chỉ biết có vậy, chúng tôi thấy họ ngu dốt quá, nên không trả lời, cũng như giải thích.
Tôi căn cứ vào những chứng trạng trên mà đi tìm nguồn gốc.
 
V. ÐI TÌM BIÊN GIỚI NƯỚC VĂN- LANG.
1. Núi Ngũ-lĩnh.
Cuối năm Canh-Thân (1980) tôi lấy máy bay đi Bắc-kinh, rồi đổi máy bay ở Bắc-kinh đi Trường-sa. Trường-sa là thủ phủ của tỉnh Hồ-nam. Tất cả di tích của tộc Việt như hồ Động-đình, núi Tam-sơn, núi Ngũ-lĩnh, sông Tương, Thiên-đài, Tương-đài, cánh đồng Tương đều nằm ở tỉnh này.
Tôi đi nghiên cứu với một thư giới thiệu của giới chức cao cấp y học Pháp-Hoa (CMFC). Có một sự hiểu lầm lớn, vì trong thư giới thiệu các giới chức y-khoa chỉ xin được giúp đỡ cho tôi, nên khi tôi muốn tiếp xúc với sở du-lịch, ty văn hóa địa phương, họ đều tưởng tôi tới Trường-sa để nghiên cứu sự cấu tạo hình thể cùng bệnh tật dân chúng tại đây. Thành ra tôi bị mất khá nhiều thì giờ nghe thuyết trình của các đồng nghiệp về vấn đề này. Tôi cư ngụ trong khách sạn Trường-sa tân điếm nằm trên đại lộ Nhân-dân. Tôi mua cuốn địa phương chí mới nhất của tỉnh, rồi mò vào thư viện ty văn hóa, sở bảo vệ cổ-tích, đại-học văn-khoa, lục lọi những tài liệu cổ, mà ngay những sinh viên văn khoa cũng ít ai ghé mắt tới.
Đầu tiên tôi đến tìm núi Ngũ-lĩnh. Không khó nhọc, tôi thấy ngay đó là năm dãy núi gần như ngăn đôi Nam, Bắc Trung-quốc
  • Một là Ðại-dữu lĩnh.
  • Hai là Quế-dương, Kỳ-điền lĩnh.
  • Ba là Cửu-chân, Ðô-lung lĩnh.
  • Bốn là Lâm gia, Minh-chữ lĩnh.
  • Năm là Thủy-an, Việt-thành lĩnh.
Về vị trí:
  • Ngọn Thủy-an, Việt-thành chạy từ tỉnh Phúc-kiến, đến huyện Tuần-mai tỉnh Quảng-đông.
  • Ngọn Ðại-dữu chạy từ huyện Ðại-dữu (Nam-an), tỉnh Giang-Tây đến huyện Nam-hùng tỉnh Quảng-đông.
  • Ngọn Cửu-chân, Ðô-lung chạy từ Ðạo-huyện tỉnh Hồ-nam tới Gia- huyện tỉnh Quảng-tây.
  • Ngọn Lâm-gia, Minh-chữ chạy từ Lâm-huyện tỉnh Hồ-Nam đến Liên-huyện tỉnh Quảng-Ðông.
  • Ngọn Quế-dương từ Toàn-huyện tỉnh Hồ-nam tới huyện Quế-lâm tỉnh Quảng-tây.
Lập tức tôi thuê xe đi một vòng thăm các núi này. Tôi đi mất mười ngày, trải gần 15.000 cây số.

Như vậy là Ngũ-lĩnh có thật, nay có núi đã đổi tên, có núi vẫn giữ tên cũ. Một câu hỏi đặt ra: Tại sao khi vua Minh phân chia từ Ngũ-lĩnh về Nam thuộc Lộc-Tục mà lĩnh địa Việt tới hồ Động-đình, mà hồ ở phía Bắc núi đến mấy trăm cây số. Tôi giải đoán như thế này:
  • Một là vua Minh tế trời ở trên núi Ngũ-lĩnh là nơi người gặp tiên rồi chia địa giớị Nhưng bấy giờ dân chưa đông, mà sông Trường-giang rộng mênh mông, sóng lớn quanh năm nên vua Nghi chỉ giữ từ Bắc ngạn mà thôi Còn vua Kinh-Dương thì sinh trưởng ở vùng này, lại nữa lấy con vua Ðộng-đình (một tiểu quốc), nên thừa kế luôn vùng đất của nhạc gia.
  • Hai là dân chúng Nam-ngạn Trường-giang với vùng Nam Ngũ-lĩnh vốn cùng một khí hậu, phong tục, nên họ theo về Nam không theo về Bắc, thành thử hồ Ðộng-đình mới thuộc lãnh địa Việt.
Kết luận:
« Quả có núi Ngũ-lĩnh phân chia Nam, Bắc Trung-quốc hiện thời, vậy có thể núi này đúng là nơi phân chia lãnh thổ Văn-Lang và Trung-Quốc khi xưa ».
Ánh sáng đã soi vào nghi vấn huyền thoại.
2. Thiên-đài nơi tế cáo của vua Minh.
Tương truyền vua Minh lập đàn tế cáo trời đất trên núi Quế-dương, phân chia lãnh thổ Lĩnh-Bắc tức Trung-Quốc, Lĩnh-Nam tức Đại-Việt. Đàn tế đó gọi là Thiên-đài. Nhưng dãy núi Quế-dương có mấy chục ngọn núi nhỏ không biết ngọn Thiên-đài là ngọn nào? Trên bản đồ không ghi. Sau tôi hỏi thăm dân chúng thì họ chỉ cho tôi thấy núi Thiên-đài nằm gần bên bờ Tương-giang. Điều này dễ hiểu, tỷ như ngày nay, du khách nhìn bản đồ sẽ không thấy địa điểm Sài-gòn. Nhưng trong dân chúng, họ vẫn nhớ tên cũ.
Tôi đi thăm Thiên-đài.
Thiên-đài là ngọn đồi nhỏ, cao 179m, đỉnh tròn có đường thoai thoải đi lên. Trên đỉnh có ngôi chùa nhỏ, nay để hoang. Tuy chùa được cấp huyện bảo tồn nhưng không có người trụ trì. Chùa xây bằng gạch nung, mái lợp ngói. Lâu ngày chùa không được tu bổ, nhiều chỗ ngói bị lở, bị khuyết. Tường mất hết vữa, gạch bị mòn nhiều chỗ gần như lún sâu. Duy nền với cổng bằng đá là còn nguyên, tuy nhiều chỗ đá bị bong ra. Bên trong cột kèo bằng gỗ đã nứt nẻ khá nhiều. Những câu đối, chữ còn, chữ mất.

Tại thư viện Hồ-nam tôi tìm được một tài liệu rất cũ, giấy hoen ố, nhưng chữ viết như phượng múa rồng bay, gồm 60 trang. Ðầu đề ghi:
Thiên-đài di sự lục
Trinh-quán tiến sĩ Chu Minh-Văn soạn.
Trinh-quán là niên hiệu của vua Đường Thái-Tông, từ năm Đinh-Hợi (627) đến Đinh-Mùi (647) nhưng không biết Chu đỗ tiến-sĩ năm nào?
Tuy sách do Chu Minh-Văn soạn, nhưng dường như bản nguyên thủy không còn. Bản này do người sau sao chép lại vào đời Thanh Khang-Hy. Nội dung sách có ba phần. Phần của Chu Minh-Văn soạn, phần chép tiếp theo Chu Minh-Văn, của một sư ni tên Đàm-Chi, không rõ chép vào bao giờ. Phần thứ ba chép pháp danh các vị trụ trì từ khi lập chùa tới thời Khang-Hy (1662-1772). Chu Minh-Văn là tiến sĩ đời Đường, nên văn của ông thuộc loại văn cổ rất súc tích, đầy những điển cố cùng thành ngữ lấy trong Tứ-thư, Ngũ-kinh cùng kinh Phật. Nhân viên quản thủ thư viện thấy tôi đọc dễ dàng, chỉ lướt qua là hiểu ngay, ông ta ngạc nhiên khâm phục vô cùng. Nhưng nếu ông ấy biết rằng, tôi chỉ được học loại văn đó vào hồi sáu, bảy tuổi thì ông sẽ hết phục. Tài liệu Chu Minh-Văn cũng nhắc lại việc vua Minh đi tuần thú phương Nam, kết hôn với nàng tiên sinh ra Lộc-Tục. Vua lập đàn tại núi này để tế cáo trời đất, vì vậy đài cũng mang tên Thiên-đài núi cũng mang tên Thiên-đài sơn, Minh-Văn còn kể thêm:
« Cổ thời trên đỉnh núi chỉ có Thiên-đài thờ vua Đế Minh, vua Kinh-Đương. Đến thời Đông-Hán, một tướng của vua Bà tên Đào Hiển-Hiệu được lệnh rút khỏi Trường-sa. Khi rút tới Quế-dương ông cùng nghìn quân lên Thiên-đài lễ, nghe người giữ đền kể sự tích xưa. Ông cùng quân sĩ nhất định tử chiến, khiến Lưu Long thiệt mấy vạn người mới chiếm được núi. Về đời Đường để xóa vết tích Việt-Hoa cùng Nam Bắc, các quan được sai sang đô hộ Lĩnh-Nam mới cho xây chùa tại đây ».
Tôi biết vua Bà là vua Trưng, còn tướng Ðào Hiển-Hiệu là em con chú của Bắc-bình vương Ðào Kỳ. Ngài Ðào Kỳ lĩnh chức Ðại Tư-mã thời vua Trưng. Còn tướng Ðào Hiển-Hiệu tước phong quốc công, giữ chức Hổ-nha đại tướng quân. Nữ tướng Hoàng Thiều-Hoa chỉ huy trận rút lui khỏi Trường-sa, hồ Ðộng-đình, đã sai Hiển-Hiệu đi cản hậu, đóng nút chặn ở Thiên-đài, đợi quân Lĩnh-Nam rút hết, sẽ rút sau. Nhưng Hiển-Hiệu cùng chư quân lên núi thấy di tích thời Quốc-tổ, Quốc-mẫu, đã không chịu lui quân, tử chiến, khiến quân Hán chết không biết bao nhiêu mà kể tại đây.

Ngoài cổng chùa có hai đôi câu đối:
Thoát thân Nam thành xưng sư tổ,
Thọ pháp Tây-thiên diễn Phật- kinh.
Hai câu này ngụ ý ca tụng Thái-tử Tất-Ðạt-Ða đang đêm ra khỏi thành đi tìm lẽ giải thoát sau đó đắc pháp ở Tây-thiên, đi giảng kinh.
Tam bảo linh ứng, phong điều vũ thuận,
Phật công hiển hách quốc thái an dân.
Hai câu này là ngụ ý nói: Tam bảo linh thiêng, khiến cho mưa thuận, gió hòa đó là công lao của nhà Phật khiến quốc thái dân an.

Nơi có dấu vết Thiên-đài, còn đôi câu đối khắc vào đá:
Thiên-đài đại đại phân Nam, Bắc.
Lĩnh địa niên niên dữ Việt-thường.
Nghĩa là: Từ sau vụ vua Minh tế cáo ở đây, đài thành Thiên-đài, biết bao đời phân ra Nam, Bắc. Núi Ngũ-lĩnh năm này qua năm khác với dòng giống Việt-thường.
Chỗ miếu thờ của Ðào Hiển-Hiệu có đôi câu đối:
Nhất kiếm Nam-hồ kinh Vũ-đế,
Thiên đao Bắc-lĩnh trấn Lưu Long.
Nghĩa là: Một kiếm đánh trận ở phía Nam hồ Ðộng-đình làm kinh tâm vua Quang-Vũ nhà Hán. Ý chỉ nữ tướng Phật-Nguyệt đánh bại Mã Viện ở phía Nam hồ Ðộng-đình. Một nghìn tay đao do Hiển-Hiệu thủ ở Bắc núi Ngũ-lĩnh trấn Lưu Long.
Kết luận:
« Như vậy việc vua Minh tế cáo trời đất là có thật. Vì có Thiên-đài nên thời Lĩnh-Nam mới có trận hồ Động-đình. Hai sự kiện đó chứng tỏ lãnh địa thời vua Trưng cũng như Văn-Lang xưa qủa tới Ngũ-lĩnh, hồ Động-đình ».

3. Cánh đồng Tương,
Nhắc lại: Có hai huyền sử nói về cánh đồng Tương:
  • Một là Quốc-tổ dẫn năm mươi con xuống biển, Quốc-mẫu dẫn năm mươi con lên núi, mỗi năm tái hội nhau trên cánh đồng Tương một lần.
  • Hai là Quốc-tổ, Quốc-mẫu truyền các hoàng tử đi khắp bốn phương quy dân lập ấp, mỗi năm hội tại cánh đồng Tương một lần.
Tôi đoán:
  • Cả hai vị Quốc-tổ Kinh-Dương, Lạc-Long sau khi kết hôn đều đem Quốc-mẫu lên núi Tam-sơn trên hồ Ðộng-đình hưởng thanh phúc ba năm. Vậy thì cánh đồng Tương sẽ gần đâu đó trên hồ Ðộng-đình.
  • Phía Nam hồ Ðộng-đình là sông Tương-giang, chảy theo hướng Nam-Bắc dài 811km, lưu vực tới 92.500km2, chẻ đôi tỉnh Hồ-nam với Quảng-tây. Vậy cánh đồng Tương sẽ nằm trong lưu vực Tương giang.
     
Tôi thuê thuyền đi từ cảng Dương-lâm nơi xuất phát ra Tương-giang là hồ Động-đình, xuống Nam, qua Tương-âm, tôi dừng lại, nghiên cứu địa thế cùng thăm chùa Bạch-mã. Đây là địa phận quận Ích-dương.Vô tình tôi tìm ra một nhánh sông Âu-giang và một cái hồ rất lớn, vào mùa nước lớn rộng tới 4-5 mẫu, vào mùa nước cạn chỉ còn 2-3 mẫu mà thôi. Suốt lộ trình từ hồ Động-đình trở xuống, trên cửa sông Tương cũng như hai bên bờ chim Âu bay lượn khắp nơi. Đặc biệt trên Âu-giang, Âu-hồ, giống chim này càng nhiều vô kể. Từ Âu-giang, tôi trở lại sông Tương, xuôi tới Trường-sa thủ phủ của Hồ-nam rồi tới các quận lỵ Tương-đàm, Chu-châu, Hành-dương, Quế-dương.
Không khó nhọc tôi tìm ra:
  • « Cánh đồng Tương, tức là vùng trũng phía Tây-ngạn, giới hạn phía Bắc là hồ Động-đình, Nguyên-giang. Phía Nam là Linh-lăng, Hành-giang. Phía Tây là vùng Chiêu-dương, Lãnh-thủy. Nhưng nay cánh đồng Tương chỉ còn khu vực tứ giác: Tương-giang, Nguyên-giang, Liên-thủy, Thạch-khê-thủy ».
     
Sau khi tìm ra cánh đồng Tương, Thiên-đài, cùng những đàn chim âu, tôi giải đoán như thế này:
  • « Quốc-tổ Lạc Long kết hôn với công chúa con Đế-Lai, hẳn công chúa cũng có tên. Nhưng vì lâu ngày người ta không nhớ được tên ngài, nên đã lấy con chim Âu, rất hiền hòa, xinh đẹp ở vùng hồ Động-đình, Tương-giang mà gọi là Âu-Cơ (Cơ là vợ vua). Vì người ta gọi Quốc-mẫu là Âu-Cơ, thì họ nghĩ ngay đến Quốc-mẫu sinh đẻ. Khi chim Âu đẻ thì phải đẻ ra trứng. Còn con số một trăm, là con số triết học Việt-Hoa dùng để chỉ tất cả. Như trăm bệnh là tất cả các bệnh, trăm họ là toàn dân. Trăm con có nghĩa là tất cả dân trong nước đều là con Quốc-mẫu »
Kết luận:
« Đã có cánh đồng Tương, thì chuyện Quốc-tổ, Quốc-mẫu hẹn mỗi năm hội tại đây một lần là có. Khi sự kiện có núi Ngũ-lĩnh, có Thiên-đài. Nay chứng cớ được kiểm điểm, thì lãnh địa của tộc Việt xưa quả tới hồ Động-đình ».

4. Hồ Ðộng-đình và Tam-sơn
Hồ Động-đình nằm ở phía Nam sông Trường-giang. Hồ được coi như nơi phát tích ra tộc Việt. Địa khu Bắc sông Trường-giang được gọi là tỉnh Hồ-bắc, tức đất Kinh-châu thuở xưa. Địa khu phía Nam sông Trường-giang được gọi là tỉnh Hồ-nam. Hồ Động-đình nằm trong tỉnh Hồ-nam. Hồ thông với sông Trường-giang bằng hai con sông. Cho nên người ta coi hồ như nơi chứa nước sông Trường-giang, rồi đổ vào Tương-giang. Trên Bắc-ngạn hồ có núi Tam-sơn. Tôi đã lên đây ba lần. Tương truyền các các nữ tướng thời vua Trưng như Trưng-Nhị, Trần Năng, Hồ Đề, Phật Nguyệt, Trần Thiếu-Lan đánh chiếm Trường-sa vào ngày đầu năm, vì vậy tôi cũng tới đây vào dịp này để thấy rõ phong cảnh, rồi tả trận đánh trong bộ Cẩm-khê-di-hận (6). Hồ rộng 3915 cây số vuông, độ sâu về mùa cạn là 38,5 mét, về mùa nước lớn là 39,20 mét. Tra trong chính sử thì quả hồ Động-đình thuộc lãnh địa Văn-Lang. Như trên đã nói, triều đại Thần-Nông Bắc đến đời vua Du-Võng thì mất vào năm 2696 trước Tây-lịch, chuyển sang thời đại Hoàng-Đế. Sử gia Trung-Quốc cho rằng Hoàng-Đế là tổ lập quốc. Nói theo triết học Tây phương thì vua Du-Võng gốc từ Thần-Nông thuộc nông nghiệp cư trú trong vùng đồng bằng ở phương Nam lấy hỏa làm biểu hiệu nên còn gọi là Viêm-đế. Còn vua Hoàng-đế gốc ở dân du mục, săn bắn, từ phương Bắc xuống. Dân du mục nghèo, nhưng giỏi chinh chiến. Dân nông nghiệp giàu nhưng không giỏi võ bị nên bị thua. Bộ Sử-ký của Tư-mã-Thiên, quyển 1, Ngũ-đế bản kỷ chép rằng:
«...Thời vua Hoàng-đế, họ Thần-Nông (Bắc) đã suy, chư hầu chém giết lẫn nhau, khiến trăm họ khốn khổ vô cùng. Triều Thần-Nông không đủ khả năng chinh phục. Vua Hiên-Viên Hoàng-Đế thao luyện can qua, chinh phục những chư hầu hung ác. Vì vậy các nơi theo về rất đông. Trong các chư hầu thì Suy-Vưu mạnh nhất.
Vua Du-Võng triều Thần-Nông định đem quân xâm lăng chư hầu, nhưng chư hầu chỉ tuân lệnh Hoàng-Đế. Vua Hoàng-Đế tu sửa đức độ, luyện tập binh mã, vỗ về trăm họ, giúp đỡ bốn phương, luyện tập thú dữ rồi đại chiến với vua Du-Võng ở Bản-tuyền, thành công.
Suy-Vưu làm loạn, không tuân đế hiệu. Hoàng-Đế triệu tập chư hầu cùng Suy-Vưu đại chiến ở Trác-lộc, bắt sống Suy Vưu. Chư hầu tôn ngài làm Thiên-tử thay họ Thần-Nông. Trong thiên hạ nơi nào không thuận vua Hoàng-Đế đem quân chinh phục.
Lãnh thổ của Hoàng-Đế, Đông tới biển, vùng núi Hoàn-sơn, Đại-tông. Phía Tây tới núi Không-động, Kê-đầu. Nam tới Giang, Hùng, Tương... »(7)
Sông Giang đây tức là sông Trường-giang, Hùng đây tức là Hùng-nhĩ-sơn, Tương là Tương-sơn. Bùi Nhân đời Tống lập giải Sử-ký nói rằng Tương-sơn thuộc Trường-sa.
Kết luận:
« Từ chính sử, huyền-sử đều cho biết lĩnh địa Văn-lang tới hồ Động-đình. Khi vua Hoàng-Đế dứt triều Thần-Nông Bắc, thì triều Thần-Nông Nam tức họ Hồng-bàng còn kéo dài đến 2439 năm nữa. Lãnh thổ Trung-quốc thời Hoàng-Đế cũng chỉ tới sông Trường-giang. Phía Nam bao gồm Trường-sa, hồ Động-đình vẫn thuộc Văn-lang.
Khi chính sử ghi chép như vậy thì việc Quốc-tổ, Quốc-mẫu với hồ Ðộng-đình, núi Tam-sơn không còn là huyền thoại nữa. Vậy chuyện các ngài lên núi hưởng thanh phúc nên ghi vào chính sử.
5. Biên giới lĩnh địa tộc Việt thế kỷ 2 trước Tây lịch.
Sử Hán là bộ Sử-ký của Tư-mã Thiên. Sử Việt như bộ Ðại-Việt sử ký toàn thư, Khâm-định Việt-sử thông giám cương mục, đều ghi rằng vào thế kỷ thứ nhì trước Tây-lịch, thời Triệu Ðà cai trị lĩnh địa tộc Việt, biên giới vẫn còn ở vùng Trường-sa, hồ Ðộng-đình.

Sử Hán, sử Việt đều chép chi tiết giống nhau về vụ Triệu Ðà lập quốc ở lãnh thổ Lĩnh-Nam. Tần Thủy- Hoàng sai Ðồ Thư mang quân sang đánh Âu-lạc, chiếm được vùng đất phía Bắc, lập làm ba quận:
  • Nam-hải (Quảng-đông và một phần Phúc-kiến),
  • Quế-lâm (Quảng-tây, Hồ-nam và một phần Quí châu),
  • Tượng-quận (Vân-nam và một phần Quý-châu).
Vua An-Dương sai Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung và Cao-cảnh hầu Cao Nỗ đem quân chống, giết được Ðồ Thư và tiêu diệt nữa triệu quân Tần. Tuy vậy vua An-Dương cũng không chiếm lại vùng đất đã mất.
Sau nhân thời thế loạn lạc, một viên quan Tần là Triệu Đà trấn vùng Nam-hải, đem quân chiếm vùng Tượng-quận, Quế-lâm, rồi dùng gián điệp trong vụ án Mỵ-Châu, Trọng-Thủy mà chiếm được Âu-lạc lập ra nước Nam-Việt. Lãnh thổ nước Nam-Việt bao gồm những vùng nào ? Không một sử gia nào chép rõ ràng. Nhưng cứ những sự kiện lẻ tẻ, ta cũng có thể biết rằng lãnh địa Nam-Việt là lãnh địa thời Văn-lang.
Trong khi Triệu Đà lập nghiệp ở phương Nam, thì cuộc nội chiến ở phương Bắc chấm dứt. Hạng Vũ, Lưu Bang diệt Tần, rồi Lưu Bang thắng Hạng Vũ lập ra nhà Hán. Lưu Bang lên ngôi vua sai Lục Giả sang phong chức tước cho Triệu Đà. Đúng ra Triệu Đà cũng không chịu thần phục nhà Hán, nhưng họ hàng thân thuộc, mồ mả của Triệu Đà đều ở vùng Chân-định. Đà sợ nhà Hán tru diệt họ hàng, cùng đào mồ cuốc mả tổ tiên lên mà phải lùi bước.
Năm 183 trước Tây-lịch, Cao-tổ nhà hán là Lưu Bang chết, Lã-hậu chuyên quyền cấm bán hạt giống, thú vật cái, kim khí sang Nam-Việt. Triệu Đà không thần phục nhà Hán, rồi đem quân đánh Trường-sa, Nam-quận.
Kết luận:
« Trường-sa là quận biên cương của Hán. Vậy ít nhất lãnh thổ Nam-Việt, Bắc tới Trường-sa. Nam quận là quận ở phía Bắc sông Trường-giang. Mà Nam-quận là quận biên cương Hán, thì biên giới Nam-Việt ít nhất tới Nam-ngạn sông Trường-giang ».

Popular Posts