Wednesday, September 9, 2009

Nhật biết chứng trầm cảm khi mang thai

Chứng trầm cảm ở thai phụ Niềm vui biết mình có thai chưa được bao lâu, bỗng dưng bạn cảm thấy buồn. Tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Thai phụ cảm thấy mình có lỗi về tâm trạng của bản thân và càng khiến sự chán nản tăng lên. Liệu có vấn đề gì chăng?

Dấu hiệu của trầm cảm

Mang thai luôn là một giai đoạn thú vị nhưng không phải luôn là như vậy và không phải phụ nữ nào cũng thấy thế. Ít nhất 10% thai phụ bị bệnh trầm cảm.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng tỉ lệ thai phụ bị trầm cảm thực tế cao hơn nhiều. Bởi phần lớn cố gắng che đậy cảm giác thực của mình, luôn tự nhận là giai đoạn thú vị, đáng nhớ và cho rằng sự buồn chán chỉ là một trạng thái bình thường.

Nhưng trầm cảm có thể là một vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều chị em. Dưới đây là một số biểu hiện cho thấy dấu hiệu của bệnh trầm cảm :

- Khả năng tập trung kém

- Lo lắng

- Rất dễ cáu kỉnh

- Rối loạn giấc ngủ

- Mệt mỏi quá mức hoặc không dứt

- Lúc nào cũng thèm ăn hoặc chẳng muốn ăn gì

- Không cảm thấy thích thú, hào hứng hay vui vẻ với bất cứ thứ gì

- Buồn bã không dứt

Nguyên nhân từ đâu?

Nhiều chuyên gia tin rằng hormone thai kỳ chính là thủ phạm. Sự tăng giảm của hormone ảnh hưởng đến tất cả phụ nữ có thai nhưng một số sẽ nhạy cảm hơn.

Một nguyên nhân khác có thể dẫn tới trầm cảm là sự phức tạp trong các mối quan hệ, đặc biệt nếu hai vợ chồng đang trục trặc hoặc thai phụ đang mâu thuẫn với gia đình nhà chồng.

Mang thai ngoài ý muốn, đặc biệt là ngay sau khi kết hôn hoặc mới sinh con được 1 thời gian cũng có thể gây ra trầm cảm cho mẹ hoặc cho cả bé. Tài chính khó khăn cũng có thể góp phần làm giảm niềm vui sắp được làm mẹ.

Một số nguyên nhân khác :

- Bản thân hay gia đình có tiền sử trầm cảm : Nếu trầm cảm từng xảy ra ở người thân trong gia đình, hoặc nếu bản thân có bệnh thì cũng rất dễ trầm cảm khi mang thai.

- Gặp sự cố : Bất kỳ một biến động nào trong cuộc sống như sự ra đi của một người thân yêu, ly dị hay mất việc đều có thể gây ra trầm cảm.

- Cô độc : Bạn hay chồng phải đi xa dài ngày trong giai đoạn có thai? Bạn đang sống và làm việc trong một thành phố không thân thuộc? Bạn sống xa người thân và thấy nhớ họ? Cảm thấy cô đơn khi không có ai để chia sẻ... đều có thể dẫn tới trầm cảm.

- Có vấn đề về thai sản : Từng gặp vấn đề về thai sản như nghén lên nghén xuống hoặc cảm thấy mình không được nghỉ ngơi đúng như khuyến nghị của bác sĩ.

- Khó thụ thai hay đã từng sẩy thai : Nếu đã từng bị sẩy thai trong quá khứ, thai phụ sẽ tự nhận thấy mình đang lo lắng cho sự an toàn của lần mang thai này như thế nào. Những lời khuyên giữ gìn, cẩn thận… của chồng, người thân và bạn bè cũng góp phần làm thai phụ thêm lo lắng.

- Từng bị lạm dụng : Mang thai có thể gợi nhớ lại những kỷ niệm không vui mà người phụ nữ đã từng trải qua liên quan tới tình dục. Cơ thể đang thay đổi vượt tầm kiểm soát và nó có thể “xới tung” mọi thứ tưởng đã được “chôn sâu, giữ chặt”.

Ứng phó như thế nào?

- Đơn giản hóa vấn đề : Đừng nghĩ rằng mình vẫn sẽ tiếp tục làm được mọi việc bình thường như trước khi mang thai. Hãy luôn ưu tiên bản thân trong danh sách những thứ cần làm. Thay vì lau nhà, dọn cửa, hãy đọc sách, ăn sáng trên giường và đi dạo trong công viên. Hãy chăm sóc bản thân nhiều hơn.

- Nói ra : Hãy tâm sự những điều làm bạn sợ hãi và lo lắng với cô bạn thân. Luôn trò chuyện với chồng một cách cởi mở và bạn sẽ nhận được sự chân thành từ chồng.

- Thiết lập sự ủng hộ : Những cảm xúc tiêu cực dù nói ra hay không đều có ảnh hưởng đối với đứa trẻ trong bụng. Vậy nên điều quan trọng là tìm được người thân hay cô bạn đồng cảm, giúp mình thoát ra khỏi những suy nghĩ không vui.

- Thư giãn : Các thai phụ thường được khuyên là nên nghe đọc xem những thứ trong sáng để em bé sinh ra cũng sẽ có những suy nghĩ, tư tưởng như thế. Để lấy lại bình tĩnh, hãy nghe một bản nhạc cổ điển hằng ngày. Ngoài ra, có thể dành 30 phút để nghĩ tới những điều tốt đẹp. Nghỉ ngơi và ngủ đủ cũng giúp tâm trạng tốt lên, tươi mới hơn.

- Thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh : Duy trì lối sống khoa học và chia nhiều bữa nhỏ, ăn thường xuyên để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và con, đồng thời cũng giúp thai phụ cảm thấy mình khỏe khoắn, đầy sức sống.

- Ăn sô-cô-la đen : Nghiên cứu cho thấy ăn một lượng nhỏ sô cô la sẽ giúp xua tan sự phiền muộn khi mang thai. Sô cô la có chứa chất theobromine, có tác dụng giãn cơ và nở mạch máu. Ăn các miếng sô cô la nhỏ được cho là giúp giảm hội chứng tiền sản giật.

- Thường xuyên tập luyện : Tập luyện đều đặn và tập yoga vừa giúp giữ dáng vừa giúp tinh thần phát triển theo hướng tích cực. Nếu được hướng dẫn bởi một người tập yoga chuyên nghiệp, thai phụ sẽ chuẩn bị tốt hơn cho quá trình chuyển dạ và giảm bớt căng thẳng.

Thu Trang
Theo Dân Trí

Ý nghĩa của mã lực

Mã lực Quảng cáo xe hơi trên TV nói về mã lực, nhân viên bán xe hơi ba hoa về mã lực; các thử nghiệm xe của các tạp chí chuyên ngành cũng thường nhắc đến mã lực. Vậy mã lực là gì và làm thế nào để đo?

Định nghĩa về mã lực phổ biến nhất là một mã lực - hay dân dã hơn thì gọi sức ngựa - chính xác bằng 745,69987158227022 watt điện. Áp dụng định nghĩa này, khi bạn muốn thắp sáng một bóng điện 60 watt thì sẽ phải cấp cho nó khoảng 0,08 mã lực. Mã lực trong cơ khí lần đầu được James Watt sử dụng để so sánh sức mạnh động cơ hơi nước của ông với sức mạnh một chú ngựa. Một con ngựa có thể nâng được 33 ngàn pound (cân Anh = 454 gram) lên cao 1 foot (đơn vị đo chiều dài của Anh = 30,48 cm) trong 1 phút.

Và cuộc chiến leo thang mã lực đã bắt đầu từ đây

Đơn vi đo công suất là mã lực và thường được viết là hp (viết tắt của horse power), nhưng trước đây người ta còn dùng ký hiệu bhp (brake horsepower) để chỉ công suất động cơ. Thuật ngữ bhp xuất phát từ tên gọi của loại lực kế sử dụng lực hãm (phanh) để đo công suất động cơ. Loại lực kế này được gắn vào đầu trục cơ sau đó sẽ hãm vòng quay của trục cơ để đo lực xoắn của trục cơ trong một khoảng thời gian nhất định.

Thuật ngữ bhp vẫn còn được dùng rộng rãi tại Anh, nhưng tại Bắc Mỹ thì cách tính tổng công suất động cơ bằng mã lực (hp) của SAE (Hiệp hội Kỹ sư ô tô Hoa Kỳ) lại là cách tính tiêu chuẩn. Trước năm 1972, phần lớn các nhà sản xuất đều tính công suất động cơ theo cách của SAE - động cơ sẽ được vận hành và đo bằng lực kế mà không có hệ thống xả, hệ thống kiểm soát khí thải và thậm chí cả bơm nước.

Cách tính này lấy sức mạnh cực đại của động cơ trên lý thuyết, không có các chi tiết phụ trợ để cấu thành lên một chiếc xe, chính vì vậy công suất thực tế của một chiếc xe thông thường thường khác xa với số liệu được công bố. Cách tính tổng công suất động cơ thường được các nhà sản xuất thiên biến vạn hóa nhằm phục vụ mục đích của riêng họ. Một số nhà sản xuất quảng cáo những chiếc xe công suất lớn để kích thích người mua. Số khác lại hạ thấp công suất để tránh tỷ lệ bảo hiểm cao cho xe công suất lớn, như các mẫu xe trang bị động cơ V8 Chrysler 426 HEMI và Chevy 302 tại Mỹ là những ví dụ điển hình.

Đến năm 1972, công suất xe trong quảng cáo thấp hẳn so với các năm trước. Nguyên do là ngành công nghiệp ô tô đã áp dụng cách tính của SAE, đo công suất động cơ với tất cả các chi tiết, phụ kiện, hệ thống xả và các trang thiết bị tiêu chuẩn theo xe. Cách tính này phản ánh trung thực hơn sức mạnh của một chiếc xe bán ra trên thị trường. Và các thiết bị kiểm soát khí thải ra đời vào thời điểm này cũng góp phần làm suy giảm công suất động cơ đáng kể.

Nhưng tác động lớn nhất làm giảm công suất là do thay đổi cách đo tổng công suất sang đo công suất thực tế của xe. Có thể thấy rõ điều này qua ví dụ về động cơ Chrysler 426 HEMI có công suất theo cách tính cũ là 425 mã lực nhưng khi đo theo cách mới thì chỉ còn có 375 mã lực! Mặc dù phương pháp tính của SAE được sử dụng rộng rãi, nhưng vẫn còn có nhiều phương pháp khác được các nhà sản xuất áp dụng. Tuy nhiên, điều này sẽ sớm thay đổi.

SAE vào cuối năm 2004 đã giới thiệu phương pháp đo công suất và mô men xoắn mới có tên J1349. Tiêu chuẩn J1349 không những đưa ra cách thức tính mới cho công suất động cơ mà còn đòi hỏi phải có người của SAE giám sát đo đạc thực tế. Nếu như xe đạt chuẩn J1349, nhà sản xuất có thể dùng số liệu này để quảng cáo. Khách hàng được lợi khi có thể đem kết quả so sánh công suất động cơ của những xe đạt chuẩn J1349 với nhau thay vì phải "bơi" trong một biển số liệu tính toán theo các chuẩn khác nhau.

Nhà sản xuất đầu tiên giành được chứng chỉ SAE J1349 là GM với động cơ LS7 dung tích 7.0 của chiếc Chevrolet Corvette 2006 có công suất 505 mã lực. Mặc dù mới chỉ có một động cơ có công suất tính theo chuẩn J1349 nhưng trong tương lai GM sẽ sử dụng chuẩn J1349 cho tất cả các mẫu động cơ. Trong khi đó các nhà sản xuất khác cũng đã áp dụng tiêu chuẩn mới của SAE, ví như chiếc Dodge Viper 2006 đã được SAE công nhận có công suất 510 mã lực theo chuẩn mới.

Và cuộc chiến mã lực vẫn còn tiếp diễn!

Chuẩn SAE J1349 sẽ giúp khách hàng dễ dàng so sánh các mác xe, tuy nhiên khả năng vận hành thực tế của xe mới là điều quan trọng. Ví dụ, một số động cơ được thiết kế với số vòng tua động cơ rất thấp số khác lại có số vòng tua rất cao, do đó khả năng vận hành thực tế sẽ có sự khác biệt. Chính vì vậy cách tốt nhất để đánh giá sức mạnh cũng như khả năng vận hành của một chiếc xe là trực tiếp lái và cảm nhận, không nhất thiết phải xem thông số công suất của xe là bao nhiêu.

Kar
Theo AutoPro

Tuesday, September 8, 2009

Bếp tốt trong phong thủy

Bếp theo phong thủy Hiện nay trong phong thủy có nhiều quan niệm khác nhau về bếp kể từ khi bếp dầu, bếp ga ra đời thay thế cho bếp bằng đất nung cổ điển.

Nhưng nói chung, đều thừa nhận tầm quan trọng của bếp trong phong thủy nhà ở và thống nhất bếp phải quay về hướng tốt của gia chủ.

Có người cho rằng, bếp phải đặt ở vị trí xấu so với gia chủ, lưng bếp đốt về một hướng xấu. Có người cho rằng lưng bếp phải quay ở hướng tốt…

Bài viết này trình bày với bạn đọc những kinh nghiệm và sự tổng hợp các văn bản cổ kim liên quan đến phong thủy, cụ thể :

1. Trong phong thủy, phân nền nhà tính từ tâm thành 8 hướng khác nhau. Trong đó có 4 hướng và phương vị tốt, xấu của gia chủ. Trên cơ sở này, bếp phải được đặt ở phương vị tốt, quay về hướng tốt và lưng bếp – phong thủy gọi là tọa – phải là một hướng tốt. Đây là trường hợp tối ưu của vị trí bếp. Trong trường hợp tối thiểu thì phải đảm bảo được hướng bếp tốt.

2. Hướng bếp ngày xưa được quan niệm là hướng của cửa lò nấu. Khi bếp dầu, bếp ga ra đời… thì hướng bếp được coi là hướng của tay vặn. Nhưng bài viết này, người viết đưa ra một định nghĩa về hướng bếp căn cứ theo vị trí người nấu và hướng bếp cổ truyền là : Lưng người nấu bếp khi đối diện với bếp quay về hướng nào thì hướng đó gọi là hướng bếp.

Trên cơ sở này, dù là bếp điện đặt trong một hộp vuông kín, hướng bếp vẫn được xác định bởi định nghĩa trên.

Những yếu tố cần tránh khi đặt bếp :
  • Xà nhà (đà) không được đè lên mặt bếp.
  • Không được đặt đối diện với vòi nước, bồn rửa, thùng nước, tủ lạnh, máy giặt, cửa nhà vệ sinh.
  • Các phương tiện nấu như : bếp ga, bếp điện, lò viba… phải cùng một hướng.
  • Lưng bếp không được quay ra cửa chính.
  • Bàn bếp hình chữ nhật hoặc chữ L thì một đầu không được đâm vào cửa toilet hoặc hành lang.
  • Bếp không được đặt dưới gầm cầu thang.
  • Bếp không được đặt dưới nhà vệ sinh, hoặc phòng tắm ở tầng trên.
  • Cầu thang không được đâm thẳng vào bếp.
  • Bếp không được đốt vào phòng ngủ.
Phong thủy quan niệm bếp là một trong ba yếu tố rất quan trọng.

Màu sắc trong bếp ưa chuộng hiện nay là màu gỗ (mộc), màu đỏ sậm (hỏa) hoặc màu vàng (thổ) vừa tránh nóng vừa tăng sự ấm cúng cho nơi quây quần của các thành viên trong gia đình.

Không gian nhà bếp

Do đó, dù hướng nhà không được như ý thì việc đặt bếp và hướng bếp sẽ là một yếu tố cân đối lại việc tốt, xấu trong phong thủy của ngôi nhà.

Nguyễn Vũ Tuấn Anh
Theo Thanh Niên Online

Bố trí hợp lý phòng ngủ diện tích nhỏ

Bố trí phòng ngủ Với những phòng ngủ bé chỉ khoảng 10-12 m2, để thông thoáng và gọn gàng, bạn cần tạo sự đơn giản về màu sắc và đường nét. Càng đơn giản, cảm giác ngột ngạt, chật chội càng bị xua đi.

Tường và trần phòng nên sơn bằng màu sáng nhạt. Đây là cách thông thường nhất tạo cảm giác rộng rãi, trẻ trung. Bạn cũng có thể sử dụng gam màu trắng chủ đạo với vài mảng lớn trang trí hoặc ít màu nóng (đỏ trên tranh hoặc đen trên đồ nội thất) cũng tạo những điểm nhấn thú vị.

Những kệ nhỏ và những chiếc giá treo đồ trên tường là một lựa chọn tối ưu. Cũng có thể treo TV, dàn âm thanh lên giá trên trần hay tường nhà để mở rộng khoảng không gian trong phòng. Làm tủ âm tường hoặc tận dụng những góc cạnh để đựng đồ hoặc có thể tạo một góc làm việc thú vị.

Bạn không nên tham lam sử dụng những vật dụng cồng kềnh, rườm rà mà thay vào đó là đồ nội thất có tính chất liên hoàn, như bàn ghế, giường tủ đồng bộ về chất liệu, màu sắc. Một chiếc giường ngủ với ngăn kéo là lựa chọn thông minh cho căn phòng diện tích nhỏ nhưng nhiều vật dụng linh tinh. Nếu phòng bạn có quá nhiều đồ thì nên dùng loại giường có ngăn kéo phía dưới, dùng tủ đứng để chứa góc học tập, bàn trang điểm có thể kết hợp làm bàn làm việc, giường tầng cho phòng trẻ.

Đối với phòng ngủ nhỏ có chiều cao tường khiêm tốn nên chọn đồ nội thất có màu sắc, tỷ lệ phù hợp. Giường thấp, đồ nội thất gắn với sàn nhà theo kiểu Nhật là một lựa chọn cho loại phòng này.

Theo Kiến trúc

Bệnh nhân H1N1 thứ tư tại VN tử vong

Cúm H1N1 Sau ba ngày mệt, khó thở, sốt, ho khạc đàm vàng, 20h30 ngày 7/9, nam bệnh nhân 51 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TP HCM đã tử vong. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy, người này dương tính với H1N1.

Đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết, bệnh nhân nhập viện Nguyễn Tri Phương trong tình trạng thở nhanh, phù chân, phổi ran. Ngoài kết quả dính H1N1, người bệnh còn bị cao huyết áp, tiểu đường, bệnh cơ tim, suy thận mãn và viêm phổi.

Bệnh viện đã điều trị cấp cứu bằng hỗ trợ ôxy, cho uống Tamiflu, trợ tim, truyền hồng cầu lắng nhưng tình hình không cải thiện. Bệnh nhân yếu dần, khó thở do suy hô hấp và tử vong.

Nguồn lây bệnh đang được Trung tâm y tế dự phòng thành phố xác định, tuy nhiên trước mắt, những người tiếp xúc với bệnh nhân đã được giám sát cách ly.

Đây là ca tử vong thứ ba tại TP HCM và là ca thứ tư tại VN chết có liên quan đến cúm H1N1.

Ông Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế, cho biết, tất cả trường hợp tử vong dương tính với cúm tại TP HCM đều là người mắc bệnh mãn tính như: hội chứng Down, bệnh tâm thần và suy thận mãn.

Từ ngày 31/5 đến nay, VN phát hiện gần 3.800 trường hợp nhiễm H1N1. Riêng ngày 8/9, TP HCM có thêm 93 ca dương tính.

Thiên Chương
Theo VnExpress

Bằng Lăng

Bằng Lăng đứng dưới hiên bưu điện chờ cơn mưa tạnh. Sài Gòn vào mùa này thường có những cơn mưa bất chợt, mưa hối hả, đột ngột nhưng tạnh cũng rất mau.

- Ê, nhỏ!

Bằng Lăng quay lại thì cũng vừa vặn lãnh một cái “cốc” vào đầu. Quỳnh Anh cười hích hích.

- Hết đường chối rồi nghe nhỏ! Chờ ai? Khai thiệt ta sẽ “khoan hồng”.

Bằng Lăng đưa tay xoa xoa lên chỗ bị đau.

- Tao chờ... mưa tạnh.

- Ðừng có xạo!

- Xạo mày làm quái gì.

- Không lẽ ở nhà ra đây để đụt mưa?

- Tao đi bỏ thư.

- Bỏ thư? Bộ mày hồi âm cho cái anh chàng khỉ gió đó à?

- Mày nói ai vậy?

- Ðừng có giả vờ, không phải cái anh chàng “lôm côm” đó thì còn ai nữa?

Bằng Lăng đổ quạu:

- Trông mặt mũi mày cũng... sáng sủa mà sao hay đặt điều chi vậy?

Quỳnh Anh cười hích hích.

- Biết ngay mà!

- Biết cái gì?

- Nhìn “điệu bộ” của mày là tao biết ngay, quả thật y chang. Chờ thì cứ bảo là chờ, còn bày đặt lòng vòng. Tao đi guốc trong bụng mày đó nhỏ.

Bằng Lăng nghe tức cành hông nhưng cô bé chỉ biết tức để mà... tức. Quỳnh Anh được trớn.

- Ðụt mưa mà đứng khép nép, e lệ. Xí...!

Bằng Lăng không muốn đôi chối một chuyện lãng nhách như vậy nên lẳng lặng đứng nhìn mưa. Mưa rơi trắng xóa trên những cành me, mưa lanh canh trên mái ngói, mưa rửa sạch bụi bặm trên lá hoa.

- Nè, nhỏ.

Vẫn cái giọng đáng ghét của Quỳnh Anh, Bằng Lăng quyết không thèm nhìn cái bản mặt của nó.

- Mày đi bỏ thư thực à?

- Ừ.

- Thư đâu?

- Bỏ rồi, ở trong thùng.

- Xạo, thư của mày kìa!

Trời đất! Cái anh chàng khỉ gió đó lại lù lù xuất hiện không biết anh ta ở dưới đất chun lên hay từ trên trời rơi xuống. Bằng Lăng nghe điếng người. Lại cái giọng “chết tiệt” của Quỳnh Anh.

- Thôi tao về, chúc mày đi “bỏ thư” vui vẻ.

Quỳnh Anh vừa đi vừa cười hích hích, làm như được đi dưới mưa là một điều sung sướng lắm. Bằng Lăng cố kềm chế để bớt run, mặc dầu trong lòng cô bé như có một tảng đá ập vào. Bằng Lăng tự nhủ, can cớ gì mà sợ, mình phải tỏ ra “bản lãnh” để coi thử anh chàng giở trò gì cho biết. Bằng Lăng giả vờ như chẳng hề hay biết có anh chàng đang đi về phía mình, mắt cô bé mở tròn nhìn những hạt mưa đan chéo trên tàn me.

- Chào nhỏ.

- Dạ.

Bằng Lăng nghe giọng mình lí nhí trong cổ, anh chàng nhướng đôi mắt vốn đã cận thị:

- Trời đất! Làm sao Bằng Lăng ướt hết thế này.

Bằng Lăng nghe lòng tưng tức:

- Mưa ở ngoài kia, tui đứng trong này làm sao mà ướt? Anh không thấy thì thôi...

- Thấy nhỏ run anh tưởng là bị ướt. Cho anh xin lỗi.

- Ai bảo với anh là tôi run?

- Có ai bảo đâu, điều này thì anh... thấy.

- Mưa gió dĩ nhiên phải lạnh, lạnh thì người ta run, có gì lạ đâu mà nói.

Anh chàng đưa tay vuốt tóc.

- Thì chẳng qua anh thấy sao nói vậy, nhỏ tức làm gì cho mệt.

Bằng Lăng nghĩ bụng, ngày này đúng là cái ngày xúi quấy, gặp toàn những chuyện đâu đâu chưa hết bực vì nhỏ Quỳnh Anh thì đụng phải cái anh chàng khỉ gió này. Bằng Lăng nổi cáu:

- Tui tức rồi sao? Sao anh nói chuyện toàn là tưởng tượng không vậy?

- Nhỏ không tức thì thôi, có chuyện gì đâu mà “ầm ĩ”.

Bằng Lăng thấy mình cũng hơi... vô lý, nhưng dù sao thì cũng tại sự xuất hiện không đúng lúc của anh chàng để Quỳnh Anh bỏ đi với lòng đầy nghi vấn. Bằng Lăng biết rồi thế nào Quỳnh Anh cũng sẽ gây lắm chuyện phiền phức cho mình.

Giọng cô bé đầy ấm ức:

- Anh có biết anh vừa gây rắc rối cho tui hay không?

Anh chàng chưng hửng.

- Làm gì có cái chuyện kỳ cục vậy?

Bằng Lăng ôm chiếc cặp vào ngực, mắt nhìn lên cành me.

- Anh đấy! Anh gieo gió tất có ngày gặp bão.

- Eo ơi! Bằng Lăng nói cái gì ngộ vậy?

Rồi anh chàng phân bua.

- Nói thiệt, nếu anh mà đi gieo... gieo cái gì Bằng Lăng nói đó thì cho Thiên lôi đánh anh gãy cổ, u đầu.

- Gãy cổ chết queo rồi còn thêm u đầu làm chi cho rắc rối?

- Nhưng...

- Anh đúng là người lẻo mép.

Anh chàng nở nụ cười tươi rói.

- Cám ơn nhỏ.

Bằng Lăng nghe trong ruột nhồn nhột như có kiến bò.

- Tự dưng lại đi cám ơn người ta, sao anh vô duyên vậy?

Anh chàng gãi đầu.

- Tại Bằng Lăng không biết, ai cũng chê anh là đứa lù đù, chỉ có Bằng Lăng là khen anh lẻo mép.

Bằng Lăng không nhịn cười được nữa.

- Lẻo mép mà anh bảo là khen, anh đúng là đứa... lù đù.

- Ðối với anh những điều đó đâu có gì quan trọng.

Anh chàng đứng thừ ra trông thật tội nghiệp. Mưa nhỏ dần, Bằng Lăng dợm bước đi, anh chàng đưa mắt nhìn mung lung vào bầu trời đầy gió.

- Nhỏ biết không? Bằng Lăng là một loài hoa màu tím, khi ngắt xuống nó mau héo vô cùng.

- Ðiều anh nói thì có liên quan gì đến tui?

Bằng Lăng hấp tấp bước đi như chạy. Người con trai đứng lại ngơ ngác nhìn theo.


*
* *


Bằng Lăng nghe tiếng ai gọi mình trong quán nước, vừa dừng xe lại Bằng Lăng thoáng thấy Quỳnh Anh, cô bé định đạp xe chạy thẳng nhưng không kịp.

- Vào đây, nhỏ.

Bằng Lăng dựng xe, nghĩ bụng, quái thật sao đi đâu cũng gặp “nhỏ chằn” này. Quỳnh Anh giục:

- Vào đây uống nước.

- Tao không khát.

- Không uống thì ngồi nhìn... tao uống.

Quỳnh Anh cầm chiếc muỗng khuấy khuấy ly nước mía.

- Mày sao vậy, bịnh à?

- Ai bảo mày tao bịnh?

- Nhìn qua thì biết, cần gì ai nói. Trông mặt mũi lờ đờ như gà nuốt dây thun.

- Mày định nói gì vậy? Tánh tao chúa ghét ba cái chuyện “lôm côm”.

Quỳnh Anh lại cười hích hích, cái giọng cười chẳng có chút gì con gái.

- Biết đâu có những chuyện “lôm côm” mà suốt một đời không quên nổi.

- Với tao thì mấy cái chuyện đó tao quên dễ ợt.

Quỳnh Anh nhìn Bằng Lăng chằm chặp.

- Bây giờ tao hỏi “nghiêm túc”, mối tình của mày đã đến đâu rồi?

- “Mối tình!” Mày nói cái gì mà ghê gớm thế?

- Nếu không gọi vậy thì kêu bằng cái quái gì?

- Theo mày, tình yêu là thế nào? Chẳng lẽ gặp nhau, nói năm ba câu thì gọi là tình yêu sao?

- Có thể lắm chứ, nếu mày bị “tiếng sét tình yêu” đánh vào đầu.

- Mày đúng là đứa... lù đù không hiểu chi cả.

Bằng Lăng dí dí ngón tay xuống mặt bàn.

- Mày đã bị “tiếng sét tình yêu” chưa mà coi bộ kinh nghiệm vậy?

Quỳnh Anh đáp gọn lỏn.

- Chưa!

Bằng Lăng cười nắc nẻ. Quỳnh Anh hỏi.

- Mày cười cái gì?

- Tao tưởng... Thế mà cũng bày đặt lên giọng thầy đời, mày đúng là...

- Là gì?

- Là đứa... lù đù.


*
* *


Trên đường đi học về, Bằng Lăng đạp xe chầm chậm dưới hàng me. Sau những cơn mưa cây lá như khoác lên mình màu áo mới. Bầu trời cao hơn và ánh nắng cũng đã bắt đầu dịu lại. Khi ngang qua bưu điện, Bằng Lăng nhìn vào mái hiên, chỗ ngày nào mình đứng trú mưa. Phố xá vẫn đông, thiên hạ vẫn tấp nập như mọi buổi chiều, Bằng Lăng cảm thấy nhơ nhớ một cái gì không rõ lắm. Một cái gì gần gũi nhưng đã xa. Mong manh như một nỗi buồn.


Phạm Thanh Chương

Bí quyết nấu ăn ngon

Có những công việc bạn đều làm mỗi ngày nhưng chưa chắc đã đạt hiệu quả cao nếu không nắm được các bí quyết của công việc đó. Nấu ăn là một ví dụ, nhất là trong những dịp lễ, Tết, ai cũng muốn tự tay mình chuẩn bị một bữa cơm ngon cho cả nhà hoặc đãi khách. Xin mách bạn một vài bí quyết làm bếp mà có thể bạn chưa biết.

1. Nấu cháo : Muốn cháo không bị trào ra ngoài nồi khi sôi, cho vào cháo một ít dầu ăn, mùi vị càng thơm ngon hơn.

2. Nấu cơm : Nên đun sôi nước trước khi cho gạo vào vì trong nước máy có chất làm cho hao tổn vitamin B1 trong gạo.

3. Luộc mì sợi : Không nên để nước sôi sùng sục mới cho mì vào vì như vậy mì chín không đều. Nên cho mì vào lúc nước bắt đầu nổi bọt lăn tăn, đảo qua vài lần, đậy vung cho tới khi sôi rồi đổ thêm ít nước lạnh, sau khi nước sôi lại thì nhắc xuống.

4. Xào thịt, cá : Nên dùng dầu thực vật, vì trong dầu có chất khử mùi tanh, còn xào rau thì nên dùng mỡ heo, rau xào sẽ thơm, ngon và đẹp mắt hơn.

5. Nêm muối : Nếu là các loại củ thì nên nêm muối sớm hơn để muối thấm vào, còn nếu là rau thì nêm trước khi nhắc xuống để giữ được các chất dinh dưỡng và rau không bị nhũn.

6. Nêm xì dầu : Nếu nêm sớm món xào sẽ có vị chua vì lượng đường trong xì dầu bị phân giải khi gặp nhiệt độ cao, nên nêm xì dầu trư ớc khi nhắc xuống.

7. Nêm bột ngọt hợp lý : Sau khi đã múc đồ ăn ra tô hoặc đĩa (còn nóng) thì mới nêm bột ngọt, nêm sớm sẽ gây ra chất độc hại cho sức khoẻ. Không nên cho trực tiếp bột ngọt vào thức ăn mà nên hòa tan vào một ít nước xào hoặc nước canh rồi mới trộn chung vào.

8. Cách nêm các gia vị : Theo nguyên tắc loại nào lâu thấm thì nêm trư ớc. Ví dụ như phải nêm muối và đường thì đường nêm trước rồi mới tới muối, sau đó là giấm, xì dầu, nước mắm, cuối cùng là bột ngọt. Các gia vị có mùi hư ơng đặc trưng như xì dầu, nước mắm thời gian nấu càng ngắn càng tốt.

9. Dùng nước khi chiên, xào : Khi xào thịt, phải đảo nhanh tay và chế thêm chút nước, thịt sẽ mềm và ngon hơn. Còn khi chiên có thể pha nước vào dầu theo cách: đun sôi 3 phần nước rồi đổ một phần dầu từ từ vào, chờ khi dầu đã nổi hoàn toàn trên mặt nước thì bỏ đồ cần chiên vào.

10. Cách chưng, hấp cá : Ðập một quả trứng và thoa đều lên cá, cá sẽ hấp thụ các chất trong trứng và thức ăn trở nên ngon, bổ hơn.

(sưu tầm)

Phỏng vấn xin việc nơi công cộng

Phỏng vấn xin việc nơi công cộng Khi tuyển nhân viên mới, một số nhà tuyển dụng thích sắp xếp cuộc phỏng vấn ở một nơi công cộng như quán cà phê hoặc nhà hàng.

Nguyên nhân có thể do công ty họ không có văn phòng đại diện tại địa phương, cũng có thể do họ cảm thấy thoải mái hơn khi phỏng vấn các ứng viên ở ngoài công sở.

Phỏng vấn xin việc ở nơi công cộng có một số điểm khác với phỏng vấn tại công ty. Do đó, bạn cần có những điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh. Dưới đây là một số lưu ý dành cho bạn :

Xác nhận lại cuộc phỏng vấn : Hãy xác nhận lại thời gian cũng như địa điểm chính xác của cuộc phỏng vấn, đồng thời bạn phải chắc chắn mình có thể nhận ra người phỏng vấn.

Ăn mặc một cách chuyên nghiệp : Hãy ăn mặc một cách chuyên nghiệp cho dù bạn tham gia một cuộc phỏng vấn nơi công cộng. Bạn nên mang theo hồ sơ, giấy tờ, bút để có thể ghi lại những điểm cần lưu ý. Bạn cũng nên mang theo một bản photo sơ yếu lý lịch của mình.

Chuẩn bị thật kỹ : Hãy nghiên cứu về công ty, chuẩn bị sẵn câu trả lời cho những câu hỏi phỏng vấn thường gặp cũng như một số câu hỏi cho nhà tuyển dụng.

Tập trung vào người phỏng vấn : Địa điểm công cộng là nơi rất ồn ào và dễ gây xao nhãng, vì vậy bạn phải cố gắng tập trung vào người phỏng vấn và làm cho người phỏng vấn cũng tập trung bằng cách hướng vào cuộc phỏng vấn.

Cẩn thận với giấy tờ : Ở nơi công cộng, bạn nên chú ý tới giấy tờ bởi chúng rất dễ bị thất lạc.

Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý gọi những món đơn giản, dễ ăn và đừng bao giờ chọn những món đắt tiền trong thực đơn.

Vũ Huyền
Theo Tuổi Trẻ Online

Đau lưng : Điều trị như thế nào?

Chứng đau lưng Bạn bị đau lưng? Tiêm và phẫu thuật là điều trị bên ngoài còn tập luyện và làm theo lời khuyên là điều trị từ bên trong. Nhưng chúng có tốt cho bạn?

Chỉ một số người suốt đời không bao giờ phải chịu tình trạng đau thắc lưng. Mỗi năm cứ 3 người thì có 1 người gặp phải tình trạng rắc rối này và khoảng 5 triệu ngày công lao động không được tính là do chứng đau lưng.

Nhiều người bị chứng đau lưng dai dẳng kéo dài hàng tuần, hàng tháng, thậm chí là hàng năm. Với những người này, họ thường không thể đi làm, tan vỡ hôn nhân, trở nên trầm cảm và lãnh đạm.

Vấn đề là tất cả các bác sĩ đều nhận thấy là khó có thể chỉ ra đích xác nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, nó được cho là do tình trạng căng cơ và dây chằng liên quan với cột sống. Tư thế sinh hoạt sai, thiếu luyện tập và phải mang vác nhiều vật nặng cũng có thể làm tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

Vậy phải làm gì? Tháng trước, Viện NICE Vương quốc Anh (National Institute for Clinical Excellence) đã công bố hướng dẫn mới trong việc điều trị đau lưnng mãn. Những khuyến nghị này xuất phát từ các phương pháp đang lưu hành. Ví như với những trường hợp đau lưng mãn không rõ lý do thì sẽ áp dụng các phương pháp thay thế chẳng hạn như châm cứu, bấm huyệt và liệu pháp tâm lý chứ không phải là tiêm steriod, một trong những cách điều trị đau lưng phổ biến.

Và chỉ trong trường hợp bệnh đặc biệt nghiêm trọng mới chỉ định phẫu thuật cột sống.

Bất kỳ ai bị đau lưng cũng đều chỉ có một câu hỏi: cách điều trị nào hiệu quả nhất, liệu họ có nên điều trị theo hướng dẫn hay theo kinh nghiệm?

Dưới đây là ý kiến và quan điểm của họ về vấn đề này :

Luyện tập

Trong nhiều năm, nghỉ ngơi trên giường được coi là cách tốt nhất để giảm đau lưng nhưng ngày nay, người ta nhận thấy càng vận động nhiều, các cơ bắp và dây chằng liên quan với cột sống sẽ càng khỏe mạnh.

Trong một cuộc khảo sát lớn tại Anh, nghiên cứu về Lưng và sự tập luyện cho thấy những người thường xuyên tập luyện (tập luyện hằng ngày từ 1 tháng trở lên) sẽ giảm đau lưng hơn những người chỉ nghỉ ngơi.

“Đối với những người bị đau lưng không rõ nguyên nhân, luyện tập là việc tốt nhất họ có thể làm lúc này”, TS Dries hettinga, trưởng nhóm nghiên cứu và công tác tại tổ chức Back Care (chăm sóc lưng) cho biết.

Đại diện của Hiệp hội Vật lý trị liệu cũng đồng ý với quan điểm trên: “Luyện tập làm tăng sự dẻo dai của các múi cơ, có tác dụng nâng phần trên của cơ thể và thường bị suy yếu do lối sống tĩnh tại. Cơ bắp dẻo dai sẽ nâng đỡ được cột sống, giảm đau. Điều quan trọng nhất là cần vận động càng nhiều càng tốt, từ đi bộ, đi bơi đến tập Pilate”.

Tuy nhiên, hãy cẩn thận với các môn tập có thể gây tổn thương thêm như aerobic.

Theo khuyến nghị của NICE, luyện tập là một trong những liệu pháp điều trị đầu tiên nhưng cần tập luyện đúng để đảm bảo hiệu quả đề ra.

Chỉnh tư thế

Việc hiệu chỉnh lại các tư thế ngồi, đứng, mang vác… chưa đúng sẽ giúp giảm đau lưng hiệu quả.

Xoa bóp, bấm huyệt

Liệu pháp dùng tay để nắn bóp và điều chỉnh các vị trí trên cột sống sẽ giúp giảm đau và mềm lưng. Bấm huyệt được xem là một trong những liệu pháp cơ bản giúp giảm đau lưng.

Biện pháp này chỉ hiệu quả khi người thực hiện bấm huyệt hiểu rõ về các huyệt đạo và có kỹ thuật bấm huyệt bài bàn.

Ngoài ra, cần kết hợp thêm với luyện tập (treo người thẳng lưng - tập xà).

Châm cứu

Đây là một liệu pháp y học cổ truyền phương Đông dùng các cây kim để châm vào các huyệt đạo trên cơ thể mà được cho là tác động tới các dây thần kinh và làm giảm đau.

Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy 60% những người châm cứu (liên tục trong vòng 2 - 3 tuần và rồi giảm xuống 1 lần/tuần trong 1 tháng) đã giảm đau và phục hồi chức năng so với 39% những người được chăm sóc y tế theo Tây y.

Mát-xa

Được cho là một trong những liệu pháp thư giãn tinh thần và trí tuệ (phần tác động chủ yếu là da, mỡ dưới da và các cơ).

Một số nghiên cứu cho thấy mát xa giúp giảm đau và các nhà khoa học trường ĐH Miami đã phát hiện ra rằng mát xa còn giúp cải thiện giấc ngủ và nhiều vận động khác của cơ thể.

Mát-xa được cho là làm tăng tiết endorphin, một chất giảm đau tự nhiên và có tác dụng “đánh lạc hướng” sự truyền các tín hiệu của các dây thần kinh lên não.

13 cuộc khảo sát cho thấy mát-xa mang lại hiệu quả cao và hoàn toàn không gây tác dụng phụ và tác động của nó kéo dài tới 3 tháng sau điều trị.

Nhân Hà
Theo Dân Trí

Hiện tượng lóe sáng

Đây là hiện tượng ánh sáng phản xạ trong lòng ống kính gây ra các hiệu ứng thừa trên ảnh. Lóe sáng sẽ làm giảm độ tương phản và gây mất chi tiết trên ảnh.

Lóe sáng hay chóe sáng (lens flare) là hiện tượng ánh sáng phản xạ trong lòng ống kính gây ra các hiệu ứng thừa trên ảnh, chẳng hạn những mảng tím đỏ hình vòng cung hay đa giác bao quanh nguồn phát sáng. Hiện tượng này xảy ra khi những tia sáng mạnh như ánh đèn hay ánh mặt trời chiếu xiên vào lòng ống kính. Lóe sáng có thể làm giảm độ tương phản và gây mất chi tiết trên ảnh. Trong một số trường hợp, lóe sáng lại giúp tăng tính nghệ thuật nhờ vào những đường tròn mờ ảo nhiều màu sắc kéo dọc đường truyền tia sáng.

Đối với những người ưa du lịch hoặc những nhiếp ảnh gia hay làm việc ngoài trời, lóe sáng gây nhiều phiền toái do hiệu ứng này rất khó loại bỏ bằng phần mềm chỉnh sửa ảnh. Hiểu rõ cơ chế hình thành và cách loại bỏ lóe sáng không cần thiết sẽ giúp bạn có được những bức ảnh ưng ý.

Cơ chế hình thành

Lens flare

Trong hình phóng to, khu vực này có dạng lục giác nhiều màu sắc đi kèm với những tia sáng dài gây rối hình và giảm đáng kể tương phản. Hình dạng của lóe sáng phụ thuộc vào cách sắp xếp các lá thép khẩu độ, chẳng hạn ống kính có 8 lá khẩu sẽ gây ra flare bát giác hay flare trên ống kính CCTV có dạng tròn hoàn hảo. Kích cỡ của lóe sáng phụ thuộc nhiều vào cấu tạo ống kính và hướng chiếu sáng, đôi khi chúng có thể lớn tới mức làm hỏng hoàn toàn bức ảnh.

Những ống kính dù là đơn giản nhất cũng chứa vài thành phần thấu kính. Lens flare được tạo thành khi ánh sáng không khúc xạ hoàn toàn qua các thành phần này để tới thẳng chip cảm quang mà phản xạ ngược trở lại nhiều lần trong lòng ống kính sau đó mới tới bộ phận nhận sáng của máy ảnh.

Thấu kính ngày nay hầu hết được phủ lớp vật liệu chống phản xạ nhằm hạn chế tối đa lóe sáng và hấp thụ được nhiều ánh sáng hơn. Tuy nhiên, không một ống kính nào có khả năng triệt tiêu hoàn toàn hiện tượng này. Các ống kính càng phức tạp thì flare càng nghiêm trọng. Điều này cũng giải thích vì sao ống zoom (đa tiêu cự) lại gây nhiều phiền toái hơn ống fix (một tiêu cự) khi chụp ngoài trời nắng.

Ánh sáng nhẹ cũng gây lóe sáng, tuy nhiên, rất khó nhận ra khi quan sát trên màn hình LCD máy ảnh. Hiệu ứng đáng kể nhất mà nó gây ra là làm giảm sự sắc nét và khiến ảnh không được trong. Những nguồn ánh sáng mạnh như mặt trời, đèn cao áp hay thậm chí cả mặt trăng có thể gây ra lóe sáng mạnh tới mức có thể nhận ra. Ngay cả khi những nguồn sáng này không xuất hiện trong ảnh thì các tia sáng chỉ chạm nhẹ vào mép thấu kính ngoài cùng cũng sẽ gây ra flare.

Sử dụng loa che ống kính

Loa che dạng cánh hoa

Loa che dạng tròn

Loa che nắng (lens hood) là bộ phận lắp ngoài cùng ống kính có tác dụng cản bớt ánh sáng thừa không thuộc trường nhìn tạo bởi ống kính. Tuy nhiên, một loa che dù được thiết kế tốt đến mấy cũng không thể khử hoàn toàn hiện tượng lóe sáng. Những máy ảnh SLR tiêu chuẩn thường gây nhiều lens flare hơn các máy crop vì kích cỡ cảm quang lớn dẫn đến việc trường nhìn phải mở rộng, kéo theo nhiều tia sáng thừa đi vào ống kính hơn. Ngoài ra, loa che cho ống zoom chỉ được thiết kế để khử lóe sáng khi đặt tiêu cự ngắn nhất (góc rộng nhất).

Các loa dạng bông hoa (xẻ cánh sen) có tác dụng bảo vệ tốt hơn so với dạng tròn. Điều này có thể lý giải do kích thước các chiều của chip cảm quang khác nhau (thường theo tỉ lệ 3/2) nên trường nhìn theo các chiều này cũng khác nhau. Khi lắp vào ống kính, các loa dạng bông hoa, do độ dài các "cánh" khác nhau, nên khử được lens flare theo các chiều tương đối như nhau. Các loa dạng tròn chỉ khử lens flare tốt nhất theo bề rộng trường nhìn. Ngoài ra, nhiều người cũng ưa dùng loa dạng bông hoa vì trông chuyên nghiệp mặc dù giá cả cũng đắt hơn đa số loa dạng tròn.

Việc chọn loa che thường tương đối phức tạp vì hầu hết người dùng không có khả năng tính toán khả năng loại bỏ ánh sáng thừa với các ống kính. Nếu lắp một loa che bất kỳ lên mà không xét đến các thông số có thể làm đen 4 góc ảnh do che mất quá nhiều ánh sáng hoặc chẳng có tác dụng giảm lóe sáng gì hết. Do đó, bạn nên mua theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc tốt nhất là dùng loa bán kèm ống kính (nếu có). Lưu ý, loa che cho ống zoom dù đắt cũng chỉ có tác dụng tốt đối với một tiêu cự nhất định mà không thể bao quát toàn bộ dải tiêu cự của ống. Nói chung, không có biện pháp nào giúp giảm lens flare hoàn toàn.

Chọn ống kính phù hợp

Hiện tượng lóe sáng

Ống một tiêu cự thường ít bị lóe sáng hơn các ống đa tiêu cự do có ít thành phần thấu kính hơn. Bạn có thể loại bỏ flare trên các ống zoom bằng cách chuyển sang một tiêu cự khác trong quá trình chụp. Các ống trường rộng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do thường được sử dụng chụp phong cảnh với nhiều nguồn ánh sáng mạnh và phức tạp. Rất may, các nhà sản xuất đã tính đến trường hợp này trong quá trình nghiên cứu nên đã thiết kế các ống góc rộng với khả năng khử flare tương đối ổn. Các ống mắt cá (fish eye) cho ra rất ít các mảng lóe sáng hoặc nếu có, hiệu ứng này trông cũng rất bắt mắt!

Ống kính hiện nay đa phần đều được phủ lớp chống phản xạ, nên bạn cũng không phải lo lắng nhiều nếu chụp trong bóng râm. Những ống kính đời cũ do Leica và Hasselblad sản xuất thường gây lóe sáng nghiêm trọng cả trong ánh sáng yếu do không có lớp phủ bề mặt.

Tái bố cục hình ảnh

Dùng tán lá che nguồn sáng mạnh

Cách tốt nhất để loại bỏ lóe sáng mà không làm mất nhiều thời gian là tái bố cục hình ảnh. Bạn sẽ không bao giờ thu được một bức ảnh hoàn hảo nếu cứ chăm chú đặt mặt trời vào khung hình với một mớ lens flare xấu xí. Hãy cố gắng di chuyển để thay đổi hướng nguồn sáng trong ảnh. Luôn luôn kiểm tra hiệu ứng ánh sáng gây ra bằng chức năng Live view hoặc qua ống ngắm của máy kết hợp với phím xem trước độ sâu trường ảnh.

Bạn cũng có thể sử dụng các yếu tố có sẵn trong cảnh để khử lóe sáng một cách tương đối hiệu quả. Chẳng hạn, nên đặt một thân cây, một tán lá, một tòa nhà... vào giữa nguồn sáng mạnh và ống kính.

Một vài chú ý

Hiệu ứng lóe sáng

Kính lọc là nguyên nhân gây ra những mảng lóe sáng rất xấu trong đa số trường hợp. Do đó, bạn nên chọn kính có phủ lớp chống phản xạ để loại bỏ lens flare khi cần chụp nhiều ngoài trời.

Có thể sử dụng chính bàn tay của mình để làm loa che tạm thời cho ống kính trong trường hợp bất đắc dĩ nhất.

Nếu lóe sáng là điều không thể tránh được, hãy cố gắng làm việc với nó. Có thể phải chụp nhiều kiểu để chọn ra bức có độ tương phản và sắc nét tốt nhất. Thậm chí nếu chọn đúng vị trí và thời điểm, lóe sáng sẽ đem lại tác dụng nghệ thuật rất tốt cho tác phẩm của bạn.

Trần Hạ
Theo Số hóa

Monday, September 7, 2009

Tính khí động học trên xe hơi

Hiệu suất khí động học của xe được xác định bởi hệ số cản Cd (một số sách ở Việt Nam ký hiệu là K). Hệ số cản là một thông số phụ thuộc vào diện tích cản chính diện, nó cho thấy sự ảnh hưởng của hình dạng vật thể tới lực cản khí động.

Trên lý thuyết, một đĩa tròn phẳng có hệ số cản không khí Cd bằng 1, nhưng sau khi thay đổi hình dạng mép viền của đĩa, hệ số cản sẽ tăng lên vào khoản 1,2. Hình dạng có hiệu suất khí động tốt nhất là hình dạng của một giọt nước đang rơi, hệ số cản Cd của nó là 0,05. Tuy nhiên, người ta không thể thiết kế một chiếc xe có hình dạng như thế. Một kiểu xe thông thường có hệ số cản vào khoản 0,3.

Ferrari Testarossa

Lamborghini Diablo

Lực cản gió của xe tỷ lệ với hệ số cản không khí, diện tích cản chính diện và bình phương vận tốc của xe. Bạn có thể nhận thấy rằng, một chiếc xe chạy với vận tốc 200 km/h phải chịu lực cản gấp 4 lần một chiếc xe như thế chạy với vận tốc 100 km/h. Bạn cũng có thể thấy rõ sự ảnh hưởng của lực cản đến tốc độ tối đa của xe. Nếu chúng ta muốn nâng tốc độ tối đa của chiếc Ferrari Testarossa từ 290 km/h lên 320 km/h như chiếc Lamborghini Diablo mà không thay đổi hình dáng của nó, chúng ta cần phải nâng công suất của động cơ từ 390 mã lực lên 535 mã lực! Nhưng tốc độ cực đại cao như vậy hoàn toàn có thể đạt được mà không cần nâng cao công suất động cơ nếu chúng ta chi thêm nhiều tiền bạc và thời gian vào việc nghiên cứu khí động học, giảm hệ số Cd từ 0.36 xuống còn 0,29 cũng mang lại kết quả tương tự như nâng công suất từ 390 mã lực lên 535 mã lực.

Thông thường, trong các phòng thí nghiệm, để nghiên cứu tính khí động học của ô tô, người ta tạo ra một mô hình xe giống với chiếc xe ngoài thực tế, đặt mô hình này vào một hầm có dạng ống (hầm gió), rồi thổi một luồng khí vào trong hầm; luồng khí chuyển động qua mô hình tĩnh, tương tự với một chiếc xe chuyển động trong không khí ở bên ngoài. Trên mô hình có gắn các thiết bị, cảm biến thu nhận tín hiệu, nhờ vào lý thuyết tương tự, người ta tính được các thông số khí động học của chiếc xe trên thực tế.

Kiểu thiết kế đuôi trơn

Vào những năm 60, các kỹ sư của các đội đua bắt đầu nắm được những điểm đáng lưu ý của khí động học. Họ nhận thấy rằng, nếu giảm độ nghiêng của phần đuôi xe xuống còn 20 độ hoặc ít hơn, thì dòng không khí sẽ lượn theo lưng mui một cách rất suôn sẻ và lực cản được giảm đi nhiều. Họ đã gọi kiểu thiết kế này là “Fastback” (đuôi trơn). Và kết quả, rất nhiều xe đua, chẳng hạn Porsche 935/78 đã tạo nên một cái đuôi dài, thấp rất thái quá ở phía sau.

Porche 935/78

Với kiểu xe thiết kế theo dạng 3 hộp, dòng khí thoát khỏi xe ở phía cuối mui theo một đường thẳng suốt. Trong khi đó, góc cắt gấp đột ngột của kính chắn hậu tạo nên một vùng áp suất thấp, vùng này cuốn những dòng khí quay ngược về để bù đắp lại, vì thế, nó tạo nên dòng chảy rối của khí. Dòng chảy rối của khí luôn tác động tiêu cực đến (tăng) hệ số cản không khí của xe.

Tuy nhiên, kiểu thiết kế này vẫn còn khả dĩ hơn một số kiểu thiết kế khác ở thời kỳ này. Nếu góc nghiêng của kính chắn hậu trong khoản từ 30 đến 35 độ, dòng khí chuyển động sẽ rất hỗn độn, nó dễ dàng phá vỡ tính ổn định của xe khi chạy ở tốc độ cao. Trước đây, các hãng sản xuất không có nhiều hiểu biết về vấn đề này và họ đã tạo ra những chiếc xe như vậy.

Một nhân tố quan trọng khác của khí động học chính là lực nâng. Vì dòng khí phía trên xe di chuyển trong một đoạn đường dài hơn dòng khí bên dưới xe, dòng trên chảy với vận tốc lớn hơn dòng dưới.

Lực nâng

Theo nguyên lý Bernoulli, sự chênh lệch về vận tốc sẽ làm phát sinh một lưới áp lực ngược tác dụng lên bề mặt trên của xe và người ta gọi nó là lực nâng.

Nguyên lý Bernoulli

Cũng giống như lực cản, lực nâng tỷ lệ với diện tích (nhưng nay không phải là diện tích cản chính diện mà là diện tích bề mặt), dạng hình học của xe, tốc độ và hệ số lực nâng (được xác định tuỳ thuộc vào dạng hình học của ô tô). Ở tốc độ cao, lực nâng có thể đủ lớn làm cho xe của bạn mất ổn định. Lực nâng đặc biệt quan trọng ở đuôi xe, bạn dễ dàng nhận thấy được điều này, do tồn tại một vùng áp suất thấp phía sau kính chắn hậu, nếu lực nâng phía sau không được khử một cách hiệu quả, hai bánh sau sẽ dễ dàng bị trượt, và điều này là cực kì nguy hiểm nếu xe chạy ở tốc độ khoảng 250 km/h.

Ở mặt này, kiểu thiết kế đuôi trơn lại có tác dụng xấu vì nó có một diện tích bề mặt lớn tiếp xúc với không khí. Có thể nói một lực cản lý tưởng cùng với một lực nâng lý tưởng thì không thể dung hoà với nhau. Chúng ta không thể có cả hai cùng một lúc. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu nhiều hơn về khí động học, chúng ta có thể tìm ra một lời giải để đạt được cả hai.

Cánh gió (cánh hậu)

Cánh gió hậu Ferrari

Vào đầu những năm 60, các kỹ sư của Ferrari khám phá ra rằng, việc gắn thêm một cánh gió ở cuối xe có thể làm cho lực nâng giảm mạnh, thậm chí còn phát sinh thêm lực ép xuống, trong khi đó lực cản lại tăng không đáng kể.

Cánh gió có tác dụng hướng phần lớn dòng khí sau khi rời khỏi mui đi thẳng mà không quay trở lại nhằm giảm lực nâng. Nếu chúng ta tăng thêm góc nghiêng của cánh, chúng ta có thể tạo nên một lực ép xuống có giá trị đến hàng trăm kg (cánh gió cũng tuân theo nguyên lý Bernoulli về lực nâng, trong trường hợp của cánh gió, lực nâng là lực ép xuống, do mặt cong của cánh gió nằm ở phía dưới, lực ép xuống sinh ra tác dụng lên cánh, lực ép xuống này ngược lại với lực nâng mà không khí tác dụng vào mặt trên của thân xe như đã nói ở trên). vẫn có lượng không khí nhỏ theo đuôi xe và thoát ra sau ở bên dưới cánh. Điều này tránh được sự xuất hiện của vùng khí xoáy trong các loại xe thiết kế không ở dạng đuôi trơn, như vậy, hiệu suất cản vẫn được đảm bảo. Vì có rất ít lượng không khí đi theo lộ trình này, nên phần tạo ra lực nâng của nó thì dễ dàng bị cánh gió triệt tiêu.

Ferrari 246 SP

Ferrari 250 GTO

Vào năm 1962, Ferrari 246SP là loại xe đua đầu tiên được gắn cánh gió. Chỉ một năm sau đó, mẫu xe thương mại 250GTO cũng được gắn thêm một cánh dạng đuôi vịt phía sau. Tuy nhiên, cánh gió vẫn không được phổ biến cho đến khi Porche tung ra chiếc 911 RS 2.7 của họ vào năm 1972, cái đuôi vịt to tướng của nó khắc phục được 75% lực nâng ở tốc độ cao. Và cũng chỉ một năm sau đó, 911 RS 3.0 đã triệt tiêu hoàn toàn lực nâng khi sử dụng cánh gió kiểu “đuôi cá mập”. Từ đó, nó trở thành hình tượng cho các đời Porsche 911 sau này.

Porsche 911

Thiết bị cản (spoiler)

Spoiler

Spoiler là một thiết bị động lực học làm thay đổi dòng khí chuyển động bên dưới xe. Người ta gắn quanh viền gầm xe những tấm cản, ở viền trước gọi là “chắn cằm” (chin spoiler), ở phía sau là “vạt áo” hoặc “váy” (skirt). Để hiểu được nguyên lý, trước hết chúng ta phải bàn thêm về dòng khí chuyển động phía dưới xe.

Dòng khí chuyển động bên dưới xe là điều mà các nhà thiết kế không hề mong muốn. Có nhiều bộ phận, ví như động cơ, hộp số, trục lái, vi sai v.v...để lộ ra bên dưới gầm xe, đó không chỉ là nguyên nhân làm tăng lực cản do tạo nên những vùng xoáy của dòng khí mà còn làm chậm dòng khí bên dưới, khiến lực nâng tăng lên (nguyên lý Bernoulli).

Thiết bị cản được sử dụng để làm giảm lượng khí chuyển động xuống dưới xe bằng cách hướng chúng rẽ sang hai bên hông xe. Kết quả là lực cản và lực nâng do chúng tao ra được giảm bớt. Nói chung, những tấm cản được lắp càng thấp thì hiệu quả càng cao.

Với những kỹ sư chuyên về xe đua, cánh gió có thể là một giải pháp tốt về vấn đề lực nâng, nhưng vẫn chưa đủ so với những gì họ mong muốn.

Tấm bọc gầm

Chúng ta cũng có thể giảm bớt sự ảnh hưởng của luồng khí bên dưới gầm xe bằng cách bao gầm xe bằng một tấm phẳng, giống như Ferrari F355 ở hình dưới.

Ferrari F355


Hiệu ứng mặt đất

Ferrari F1

Một chiếc F1 tiêu biểu khi vào cua, lực trượt ngang của nó có thể tương đương 2400 kg. Điều này đòi hỏi phải có một lực ép xuống đủ mạnh để giữ bánh xe bám được trên mặt đường. Việc lắp cho xe một cánh gió thật lớn, có thể thoả mãn được sự đòi hỏi này, nhưng cũng có thể làm tăng hệ số cản.

Để giải quyết vấn đề, vào những năm 70, Colin Chapman lại nảy ra một ý tưởng hoàn toàn mới để làm tăng lực ép xuống mà không làm tăng thêm lực cản. Ông gắn thêm một cái máng dẫn vào gầm của chiếc xe đua Lotus 72. Máng dẫn thu hẹp ở phía trước và mở rộng ở phía cuối gầm. Sự kết hợp của máng dẫn và mặt đất tạo thành một cái ống ảo. Khi xe chạy, dòng khí đi vào ống ở phía trước. Rõ ràng, áp suất không khí ở cuối gầm giảm đã làm xuất hiện thêm lực ép xuống.

Lotus 72

Tác dụng của hiệu ứng mặt đất hiệu quả hơn rất nhiều so với cánh gió, vì vậy, ngay sau đó nó bị cấm sử dụng ở F1. Năm 1978 Brabham’s Gordon Murray đã làm lại lần nữa theo cách khác, thay vì mở rộng máng dẫn ở cuối gầm, ông sử dụng một chiếc quạt công suất lớn để tạo áp suất thấp ở phía sau. Và đương nhiên nó lại bị FIA cấm một lần nữa.

McLaren F1

Tận dụng hiệu ứng mặt đất là điều không thích hợp đối với các loại xe thông thường. Nó yêu cầu gầm trước của xe phải sát với mặt đất, để tạo nên một cái miệng ống hẹp, điều này lại không thành vấn đề đối với xe đua. Nhưng độ cao gầm xe (sách kỹ thuật Việt Nam dịch là “khoảng sáng gầm xe”. BTV) của các loại xe thông thường phải thích hợp để có thể leo đồi, xuống dốc, do vậy nó đã hạn chế ưu điểm của hiệu ứng mặt đất. McLaren F1 đã từng sử dụng cách của Brabham khi lắp 2 quạt điện để tạo hiệu ứng mặt đất. Nhưng công bằng mà nói, chẳng ai công nhận ưu điểm về lực ép xuống của thiết kế này. Dauer 962 được xem là một chiếc xe thông dụng nhưng sử dụng máng dẫn khí như một chiếc xe đua đích thực. Dauer 962 có thể điều chỉnh độ cao gầm xe để chạy trên đường gồ ghề và cũng có thể tận dụng được hiệu ứng mặt đất khi chạy trên đường cao tốc.

Dauer 962


Những xe có hệ số cản gió thấp nhất thế giới :
0.137 1986 Ford Probe V Concept
0.19 1996 GM EV1 Electric car
0.25 1999 Honda Insight Hybrid
0.25 2000 Lexus LS430
0.25 2000 Audi A2 "3-litre"
0.26 1989 Opel Calibra 2.0i
0.26 2000 Mercedes C180
0.27 1996 Mercedes E230
0.27 1997 VW Passat
0.27 1997 Lexus LS400
0.27 1998 BMW 318i
0.27 2000 Mercedes C-class C200 cho đến C320


Lý Quốc Vũ
Theo AutoPro

10 Cây tốt cho phong thủy

Cây tre Trồng cây xanh trong nhà vừa có tác dụng trang trí, vừa loại bỏ khí độc làm sạch không khí và bổ sung oxy, mang lại năng lượng thiết yếu cho ngôi nhà của bạn. Sau đây là 10 loại cây trồng rất tốt cho phong thủy nhà bạn.

1. Cây cau có khả năng loại bỏ được tất cả các độc tố không khí trong nhà. Đây là loại cây đẹp, dễ trồng, dễ chăm sóc và phù hợp với mọi không gian kiến trúc trong nhà. Lá cây rủ xuống làm dịu môi trường xung quanh.

2. Cây cọ là một trong những loại cây có tác dụng cải thiện chất lượng không khí trong nhà tốt nhất. Bên cạch đó dễ trồng và dễ chăm sóc.

3. Cây tre loại bỏ được các chất benzene, trichloroethylene, formaldehyde, tạo cảm giác yên bình, ấm áp cho bất cứ môi trường nào, có sức chịu đựng tốt nhất trước sự tấn công của côn trùng.

4. Cây lá xanh sống tốt trong điều kiện ánh sáng yếu và chịu được nhiệt độ thấp, loại bỏ được phần lớn các chất gây ô nhiễm, đặc biệt là formaldehyde.

5. Cây huyết dụ dễ trồng trong điều kiện ít ánh sáng, sống tốt kể cả khi thiếu sự chăm sóc thường xuyên, loại bỏ các độc tố hoá học trong môi trường sống.

6. Cây thường xuân sống khoẻ, dễ trồng, thường được trồng ở những nơi công cộng, và có khả năng thích ứng cao, trừ mô trường có nhiệt độ cao.

7. Cây chà là có thể chịu đựng mức độ ánh sáng thấp nhưng cần khoảng không gian rộng, loại bỏ được phần lớn các chất gây ô nhiễm, đặc biệt là xylene.

8. Cây sung cảnh là một cây trồng lớn, đẹp có thể dùng trang trí trong nhà, dễ chăm sóc và khả năng khử không khí độc.

9. Dương xỉ đẹp, tươi tốt và trồng trong mọi môi trường nhưng cần được chăm sóc thường xuyên.

10. Cây huệ hoà bình với hoa trắng, dễ chăm sóc và mang lại nhiều năng lượng. Bạn nên trồng loại cây này ở nhà và nó sẽ là một người gác cửa tuyệt vời.

Hà Nam
Theo Đô thị

Bông hồng không cánh

Ðêm mênh mông. Chúng tôi ngồi bên nhau trên thành hồ trước Hội trường Rùa. Ngọn gió từ xa đến se se lạnh, dường như Thủy nép sát vào tôi hơn. Tôi ngoái đầu nhìn về phía sau. Mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Những đám rêu xanh lơ lửng trong nước. Thỉnh thoảng một vài chú cua con lại nổi lên chuyền từ lá súng này sang lá súng khác. Chúng quơ quơ đôi càng bé xíu và thở ra những bong bóng li ti.

Tôi quay lại nói với Thủy trong tiếc nuối :

- Anh định tối nay sẽ hái tặng em một bông súng thật đẹp, không ngờ trong hồ chẳng có bông nào.

Thủy bật cười khúch khích :

- Anh còn nhớ hồi trong tết không? Lúc tụi mình học bài thi đó. Anh đã hái cho em tất cả những bông súng trong hồ để rồi...

Thủy ngập ngừng rồi cười. Tôi tiếp lời em :

- Ðể rồi bị bà Tư bảo vệ bắt gặp chứ gì?

- Ờ, bữa đó em run hết biết. Nhìn thấy anh năn nỉ bác Tư mà tội nghiệp ghê!

- Công nhận bác Tư già rồi tâm lý dễ sợ. Em biết bữa đó bác Tư nói với anh sao không?

- Hổng biết!

- Bác Tư nói: “Tôi thông cảm cho cậu vì nghĩ rằng cậu không có tiền mua bông hồng nên mới hái bông súng tặng bạn gái...”

Thủy lắc đầu quầy quậy :

- Em không tin, em không tin!

- Thiệt đó.

Thủy không thèm tranh cãi với tôi nữa. Em cúi người di di ngón tay trỏ trên nền gạch rồi đột ngột hỏi tôi:

- Anh biết ăn cọng súng không?

- Biết chứ. Hồi nhỏ chính vì mê ăn bông súng mà trong một lần đi bứt anh đã hụt chân uống nước muốn chết. May ba ra kịp, chứ không thì hết gặp em rồi.

Thủy đấm lưng tôi thùm thụp:

- Anh xạo. Ghét anh ghê!

Em im lặng nhìn vào khoảng không rồi chớp đôi mắt buồn buồn :

- Hồi em chưa lên đây học, ngoại thường bứt cọng súng làm gỏi cho em ăn. Gỏi súng ăn với mắm kho ngon dễ sợ. Em đi rồi chỉ còn một mình ngoại đơn độc ở nhà. Ngoại buồn bã và nhớ em lắm. Kỳ rồi em về ngoại không nói được lời nào, chỉ ôm chầm lấy em nước mắt giàn giụa, rồi ngoại mếu máo: “Mày đi rồi ngoại nhớ mày quá ‘chời’, nhưng ngoại không biết chữ làm sao biên thơ cho mày được...” Mấy ngày ở quê, ngoại làm đủ thứ bánh cho em ăn. Ngày em đi ngoại run run nắm lấy tay em: “Ði ‘gáng’ học cho hay nghe con”. Nhiều lúc em muốn nghỉ học về với ngoại luôn.

- Bộ tính nghỉ làm cô giáo hả?

- Hổng thèm làm luôn.

Tôi không nhìn Thủy, giả vờ nhăn mặt suy nghĩ như cố nhớ lại một chuyện gì đó rồi nói:

- Vậy mà trước kia đã có một cô nhóc đã nói với anh: “Em thích làm cô giáo lắm. Em sẽ lên bục giảng và giảng thật hay cho những đứa học trò của em mở tròn mắt ra mà nghe”.

- Anh chọc quê em đó hả? Người ta buồn người ta nói vậy chớ bộ. Nghỉ chơi với anh luôn.

Thủy phụng phịu quay mặt đi nơi khác.

Tôi mỉm cười vu vơ rồi ngước mắt... đếm sao đêm. Một, hai, ba... Chà, em giận thiệt rồi. Không có gì dai hơn con gái giận. Phải tìm cách thôi. Tôi nhè nhẹ khều em:

- Nè, giận xong chưa?

- Còn! - Thủy đáp gọn lỏn.

Tôi tiếp tục dụ khị :

- Bây giờ anh đố em cái này nhé. Nếu em trả lời không được thì tụi mình... huề?

Tôi nín thở chờ đợi sự đồng tình của em. Ðợi gần hết hơi em mới đủng đỉnh nói:

- Còn nếu em trả lời được thì sao?

Tôi nhanh nhảu :

- Thì anh sẽ thua em hai hủ da ua ở quán cô Nại. Chung liền, chịu hôn?

- Chịu!

- Vậy đố em tìm được bông không cánh?

Em im lặng một lúc rồi nói :

- Bông gì lại không có cánh lạ quá. Chắc không có. Anh xí gạt em rồi.

Tôi mỉm cười trong chiến thắng:

- Có.

- Ở đâu?

- Nhưng em chịu thua đi?

- Rồi, người ta chịu thua đó!

- Vậy là hết giận?

Thủy gật đầu. Tôi giơ tay chỉ :

- Ðó thấy hông?

- Hổng thấy.

- Ðó.

- Bông còng mà?

- Ừa, nhưng đó là bông không cánh.

Thủy không tin lời tôi nói. Ðêm đó tôi đã dẫn em quanh quẩn với hàng còng để chứng minh cho phát hiện của mình. Những bông còng trong gió nhẹ rơi rơi – loài bông không cánh chỉ có những cọng nhụy mong manh như sợi chỉ, phớt hồng...


oOo


Nắng. Nắng gay gắt. Ký túc xa buổi trưa rộn lên tiếng cười nói, tiếng soong, nồi va chạm. Người hâm hấp mồ hôi. Mặc kệ! Tôi vẫn nằm yên trên giường sắt và trùm chăn kín mít. Ðầu óc quay cuồng. Bao hình ảnh chập chờn hiện lên, tôi nhớ... nhớ...

... Lớp học buổi sáng!

Ðầu giờ chơi, Thuận bước lên trước lớp :

- Tôi xin thông báo với các bạn: Phòng Ðào tạo vừa gởi công văn yêu cầu các bạn còn nợ tiền học phí phải thanh toán gấp. Nếu không sẽ bị đình chỉ học tập và không được thi giai đoạn.

Lớp học nhao nhao :

- Tiền đâu đóng?

- Ðói thấy mồ!

- Thư thả một thời gian nữa được không lớp trưởng?

Thuận lắc đầu :

- Tôi không rõ! Ðây là yêu cầu của Phòng Ðào tạo. Trường hợp các bạn gặp khó khăn hãy lên gặp trực tiếp Phòng Ðào tạo để giải quyết.

... Buổi chiều em gặp tôi, nét mặt thật buồn :

- Chắc em phải nghỉ học quá!

Tôi sửng sốt :

- Sao vậy?

- Em còn nợ học phí năm thứ nhất nhưng em không biết kiếm đâu ra tiền để đóng.

- Vậy mình lên Phòng Ðào tạo xin hoãn một thời gian nữa.

Thủy lắc đầu :

- Không được, em đã lên gặp rồi. Họ không tin em...

- Hay là em gởi thư về xin tiền ngoại?

- Ngoại già rồi lại bệnh hoạn hoài. Thế mà ngày nào cũng gồng gánh, báng bưng dành dụm tiền gởi lên nuôi em học. Ngoại đã cực khổ nhiều, em không muốn ngoại vất vả mãi.

Thủy nói mà mắt rưng rưng. Tôi im lặng thất vọng.

- Chiều mai em về quê. Anh đưa em ra bến xe nhé!

Tiếng Thủy kề bên mà tôi nghĩ dường như xa, xa lắm. Như một cái máy tôi chỉ biết lẳng lặng gật đầu.

Vậy là Thủy sắp xa tôi ư? Sẽ không còn những ngày hai đứa học bài chung trước Hội trường Rùa, cùng nhau trao đổi những mơ ước...

- Bộ em thích làm cô giáo lắm hả?

- Em thích làm cô giáo lắm. Em sẽ lên bục và giảng thật hay cho những đứa học trò của em tròn mắt ra mà nghe.

Bây giờ ước mơ của cô giáo tương lai đó sắp lụi tàn chỉ vì một lẽ đơn giản nhưng khắc nghiệt: không có tiền để đóng học phí. Không! Tôi không muốn Thủy phải về quê, tôi không muốn em phải nghỉ học. Tôi không muốn...

Tôi vùng dậy dắt xe đạp ra khỏi phòng. Thằng Sơn rửa chân ngoài bồn nước vừa tới gặp tôi nó sửng người:

- Trưa không ăn cơm, không ngủ, đi đâu thằng điên?

- Thủy có qua bảo Thủy đợi tao một chút.

Tôi không trả lời câu hỏi của nó mà chỉ ngoái cổ dặn một câu rồi nhảy lên xe đạp. Chiếc xe đạp lướt đi trên con đường ký túc xa buổi trưa đầy nắng.


oOo


Bây giờ đã vào đầu hạ. Trời Cần Thơ mưa nắng bất thường. Ve kêu râm ran và phượng đã nở đầy trên những lối đi. Thủy về quê gần một tháng rồi. Buổi chiều hôm đó tôi trở về phòng người mệt nhoài. Thằng Sơn đứng ở cửa lạnh lùng chia cho tôi lá thư em để lại: “Thủy chờ mày không được đã về quê rồi!” Tôi run run đọc thư em ròi gieo phịch xuống giường, úp mặt vào gối tôi nằm như chết. Cọc tiền trong túi cộm lên. Thủy ơi, tại sao em lại biết hết những điều anh định làm vậy? Nhưng anh đã trễ, trễ rồi phải không Thủy?

Bây giờ đã vào mùa mưa. Những cơn mưa chợt đến chợt đi cũng như em không hẹn ngày trở lại. Mùa thi đã gần kề. Ðêm đêm tôi ngồi học bài đơn độc trên thành hồ trước Hội trường Rùa. Từng cơn gió se lạnh. Những bông súng trong hồ vươn mình khỏi mặt nước rung rinh, và xa xa loài bông không cánh lặng lẽ rơi. “... Anh Phong ơi, em biết anh thương và lo cho em nhiều lắm. Em biết chiều nay anh đang làm những gì... nhưng em không thể ở lại. Hãy thông cảm cho em, đừng giận em. Anh hãy lấy tiền chuộc lại chiếc xe đạp và chiếc nhẫn nghe anh! Chiếc nhẫn là vật ký niệm của mẹ anh mà.. Còn em dường như số phận đã sắp đặt như thế rồi. Em cũng giống như bông còng trên đường ta đi học vậy, loài bông mà anh gọi là không cánh chẳng thể nào gượng dậy nổi giữa phong ba...” Biết bao lần tôi ngồi đọc lại lá thư em để nhớ, để thương, để ngậm ngùi nuối tiếc...

Vâng, em là loài bông không cánh; anh là loài bông không cánh, chúng ta là loài bông không cánh – loài bông không cánh lẻ loi, trơ trọi giữa cuộc đời nhưng chúng ta không thể yếu đuối như loài bông còng kia - cứ cam chịu buông trôi mình cho gió mưa vùi dập. Thủy ơi, giữa cuộc sống khắc nghiệt đầy phong ba, bảo tố, hãy chắp thêm cho mình những đôi cánh để vươn lên. Anh tin rằng em cũng như loài bông súng nọ, không để mình chìm sâu dưới nước, phải không Thủy. Hãy trở lại trường đi Thủy, anh đang chờ em!

Nguyễn Tấn Phong

Bí quyết nấu món canh chua ngon

Nêm me hay bột chua?

Nhiều người thường có thói quen nêm vị chua bằng me khi nấu món canh chua. Cũng có người cho chanh vào nấu và thấy ngon hơn, một số người khác lại bảo cho bột me làm sẵn đóng gói ngon hơn... Thực sự thì sao?

Dùng vị chua của trái cây tươi bao giờ thức ăn cũng ngon hơn dùng các loại bột pha chế. Các nhà hàng dùng bột me để tiện khi nấu và tiết kiệm chi phí đi chợ do lượng khách ngày ít ngày nhiều khác nhau, bột trữ được lâu hơn me tươi. Nấu canh chua có thể phối hợp cả hai vị chua của me và chanh. Khi nấu nước bắt đầu sôi, lấy nước lọc với me tươi bỏ hết hột và bã trái. Nêm vị hơi chua, sau đó nấu hoàn thành món canh, lúc chuẩn bị ăn, vắt thêm miếng chanh vào sẽ làm nước canh trong hơn và canh chua có vị chua thanh ăn ngon miệng hơn.

Nấu lẩu canh chua thế nào cho ngon?

Canh chua là món chín rất nhanh, nên dù nấu theo kiểu nấu canh trong bếp hay nấu kiểu lẩu thì chỉ cần đổ nước sôi vào các thứ rau giá, bạc hà, thơm... đã sắp sẵn, sau 5 phút là có thể ăn.

Nấu lẩu canh chua ngon nên mua cá tươi cắt thành từng khứa với độ dày trung bình 1-1,5cm. Nếu cắt khứa lớn quá, cá lâu chín và sẽ làm rau bị nhừ và giảm bớt độ ngọt tự nhiên của cá tươi.

Cá nấu lẩu chỉ cần nước sôi 5-10 phút là chín, ăn vừa ngon. Nấu lẩu canh chua cũng như các món lẩu khác phải nấu nước dùng cho thật ngon. Nước canh chua nấu với đầu cá, xương cá cho vị ngọt và mùi vị cá. Do đó cần có nhiều ớt tươi để át bớt mùi cá và làm canh chua thêm ngon. Sau đó nêm với me tươi, một chút đường cho đằm vị chua, một chút muối và đổ nước này vào trong lẩu đã sắp sẵn các thứ rau nấu canh cùng với cá tươi, trên mặt để một vài lát ớt. Ðó là cách truyền thống; nhiều người hiện nay chuộng kiểu lẩu chua cay như khẩu vị Thái Lan cũng có thể nấu nước dùng với gừng nướng cắt lát, củ sả đập dập và cho một chút ớt satế cho có mùi thơm.

Nêm đường hay bột ngọt?

Xu hướng chung hiện nay rất ít dùng bột ngọt trong nấu ăn mà tận dụng kỹ thuật nấu để giữ cho các loại rau củ thịt cá giữ được vị ngọt tự nhiên. Riêng với canh chua, nấu theo vị Bắc ít dùng đường; nấu theo vị người miền Nam có thể thêm một chút xíu đường cho đằm vị chua.

(sưu tầm)

Giúp chàng lấy lại phong độ 'yêu'

Quan hệ tình dục Áp lực công việc nặng nề khiến nhiều ông chồng mệt mỏi thú nhận ngày càng không thiết tha với “chuyện ấy”.

Để giúp chồng lấy lại phong độ “yêu”, các bà nội trợ hãy trổ tài với các món ăn dưới đây :

- Đỗ trọng hầm đuôi lợn : Đỗ trọng, tục đoạn đều 20g, đuôi lợn 50g. Đuôi lợn rửa sạch, chặt khúc. Hai vị thuốc trên rửa sạch. Cho cả 3 thứ vào nồi, đổ nước, hầm tới khi đuôi lợn mềm nhừ, nêm gia vị là dùng được. Ăn liên tục trong vòng một tuần. Món ăn có tác dụng bổ thận tráng dương, tăng cường sức khỏe. Những người bị suy thận, di tinh, cơ thể suy nhược nên sử dụng.

- Lòng non lợn, ba kích hầm cách thủy : Ba kích 40g, lòng non 50g, gia vị đủ dùng. Ba kích rửa sạch, cắt mỏng hoặc băm. Lòng non rửa sạch. Nhồi ba kích vào trong lòng non, để vào bát đem hầm cách thủy, ăn liên tục trong vòng 7 ngày. Món ăn có tác dụng bổ thận tráng dương, ích khí huyết. Rất thích hợp với những người dương suy, di tinh, đau lưng, mỏi gối.

- Trứng gà chưng đông trùng hạ thảo : Đông trùng hạ thảo 5g, trứng gà tươi một quả, đường phèn đủ dùng. Đông trùng hạ thảo nghiền nhỏ, đem đánh với trứng gà và đường phèn, cho vào bát, chưng cách thủy. Ăn liên tục trong vòng 7 ngày. Những người cơ thể suy nhược, hay bị ra mồ hôi, đau lưng, di tinh, ngại “chuyện ấy” nên dùng.

- Gà nấu thận chó, thỏ ty tử : Gà giò 1kg, thận chó một đôi; thỏ ty tử, ba kích, câu kỷ tử đều 20g, rượu, gia vị đủ dùng. Gà làm sạch, bỏ nội tạng, thận chó làm sạch. Ướp gà và thận chó với gia vị, rượu, gừng trong vòng 30 phút. Cho các vị thuốc trên vào túi vải buộc kín. Cho tất cả vào nồi, đổ nước, hầm tới khi gà chín nhừ là dùng được. Ăn cả nước lẫn cái. Món ăn có tác dụng tráng dương bổ thận, ích tinh tủy. Những người bị di tinh, đau lưng, cơ thể suy nhược, lao tổn nên dùng.

BS Đào Minh Sơn
Theo Sức khỏe và Đời sống

Ý nghĩa của mô-men xoắn

Bên cạnh công suất, mô-men xoắn là thông số không thể thiếu khi mô tả động cơ. Mô-men xoắn đặc trưng cho khả năng chịu tải tức thời của động cơ.

BMW Engine

Mô-men xoắn càng cao thì gia tốc của xe càng nhanh hay nói một cách nôm na là xe càng “bốc”. Đại lượng vật lý này có đơn vị là Nm, và đôi khi sử dụng đơn vị lb/ft. Tại Việt Nam thì đơn vị Nm vẫn được chuộng hơn, đây có lẽ là do trong các hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học hay sử dụng đơn vị này. Tỉ lệ đổi giữa 2 đơn vị là: 1 lb/ft = 1,356 Nm.

Về lịch sử ra đời của đơn vị mô-men thì phải kể đến thí nghiệm đòn bẩy của nhà bác học Ác xi mét, “lợi bao nhiêu lần về lực thì thiệt bấy nhiêu lần về quãng đường”. Thí nghiệm này đã được ứng dụng một cách linh hoạt vào thực tế, đặc biệt là trong hộp số của ô tô: có nhiều cấp số nhằm phân tải tỉ số truyền. Khi xe muốn gia tốc nhanh thì người lái thường chuyển về cấp số thấp-tăng mô-men xoắn, lúc này sẽ là lợi về lực, nhưng ở cấp số thấp xe không thể đạt tốc độ cao - thiệt về đường đi.

Khi bắt đầu thiết kế một động cơ thì nhà thiết kế luôn phải cân đối giữa công suất và mô-men xoắn tùy theo mục đích. Với 2 động cơ cùng dung tích xilanh, động cơ sử dụng nhiên liệu xăng sẽ có công suất cực đại lớn hơn động cơ diesel, nhưng về giá trị mô-men xoắn cực đại thì ngược lại. Bởi vậy xe tải thường được gắn động cơ diesel, còn xe du lịch thường gắn động cơ xăng.

Động cơ sử dụng nhiên liệu xăng, giá trị mô-men xoắn cực đại chỉ ở 1 vị trí tốc độ vòng quay, ví dụ như động cơ của BMW 530i đạt mô-men xoắn cực đại là 320Nm tại tốc độ vòng quay 2750 vòng/phút. Động cơ sử dụng nhiên liệu diesel thì mô-men xoắn cực đại lại được nằm ở một dải tốc độ vòng quay; như động cơ trên chiếc Hyundai Veracruz 3.0, mô-men xoắn cực đại đạt 450Nm tại dải tốc độ từ 1750-3500 vòng/phút. Đây cũng là một ưu thế của động cơ diesel.

Theo AutoPro

Lịch sử các loại chữ viết Việt Nam

Chữ Hán

Chữ Hán vào Việt Nam theo con đường giao lưu văn hóa bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên. Hiện nay, ở Việt Nam còn lưu giữ được số hiện vật như đỉnh cổ có khắc chữ tượng hình (chữ Hán cổ). Điều này là một phần chứng minh được rằng chữ Hán cổ xuất hiện ở Việt Nam khá sớm và thực sự trở thành phương tiện ghi chép và truyền thông trong người Việt kể từ những thế kỷ đầu Công nguyên trở đi. Đến thế ký VII - XI chữ Hán và tiếng Hán được sử dụng ngày càng rộng rãi ở Việt Nam. Thời kỳ này tiếng Hán được sử dụng như một phương tiện giao tiếp, giao lưu kinh tế thương mại với Trung Quốc. Do Việt Nam bị ách đô hộ của phong kiến phương Bắc trong khoảng thời gian hơn một ngàn năm, vì vậy hầu hết các bài văn khắc trên tấm bia đều bằng chữ Hán. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng chữ Hán có ảnh hưởng to lớn như thế nào đối với nền văn hóa của nước Việt Nam xưa. Từ sau thế kỷ thứ X, tuy Việt Nam giành được độc lập tự chủ, thoát khỏi ách thống trị của phong kiến phương Bắc, nhưng chữ Hán và tiếng Hán vẫn tiếp tục là một phương tiện quan trọng để phát triển văn hóa dân tộc.



Chữ Nôm

Dù chữ Hán có sức sống mạnh mẽ đến đâu chăng nữa, một văn tự ngoại lai không thể nào đáp ứng, thậm chí bất lực trước đòi hỏi, yêu cầu của việc trực tiếp ghi chép hoặc diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của bản thân người Việt. Chính vì vậy chữ Nôm đã ra đời để bù đắp vào chỗ mà chữ Hán không đáp ứng nổi.

Chữ Nôm là một loại văn tự xây dựng trên cơ sở đường nét, thành tố và phương thức cấu tạo của chữ Hán để ghi chép từ Việt và tiếng Việt. Quá trình hình thành chữ Nôm có thể chia thành hai giai đoạn:

Giai đoạn đầu, tạm gọi là giai đoạn "đồng hóa chữ Hán", tức là dùng chữ Hán để phiên âm các từ Việt thường là tên người, tên vật, tên đất, cây cỏ chim muông, đồ vật... xuất hiện lẻ tẻ trong văn bản Hán. Những từ chữ Nôm này xuất hiện vào thế kỷ đầu sau Công nguyên (đặc biệt rõ nét nhất vào thế kỷ thứ VI).

Giai đoạn sau: Ở giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục dùng chữ Hán để phiên âm từ tiếng Việt, đã xuất hiện những chữ Nôm tự tạo theo một số nguyên tắc nhất định. Loại chữ Nôm tự tạo này, sau phát triển theo hướng ghi âm, nhằm ghi chép ngày một sát hơn, đúng hơn với tiếng Việt. Từ thời Lý thế kỷ thứ XI đến đời Trần thế kỷ XIV thì hệ thống chữ Nôm mới thực sự hoàn chỉnh. Theo sử sách đến nay còn ghi lại được một số tác phẩm đã được viết bằng chữ Nôm như đời Trần có cuốn "Thiền Tông Bản Hạnh". Đến thế kỷ XVIII - XIX chữ Nôm đã phát triển tới mức cao, át cả địa vị chữ Hán. Các tác phẩm như hịch Tây Sơn, Khoa thi hương dưới thời Quang Trung (1789) đã có bài thi làm bằng chữ Nôm. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng được viết bằng chữ Nôm là những ví dụ.

Như vậy, có thể thấy chữ Hán và chữ Nôm có những khác nhau cơ bản về lịch sử ra đời, mục đích sử dụng và mỗi chữ có bản sắc riêng về văn hóa.



Chữ Quốc Ngữ hiện nay

Việc chế tác chữ Quốc Ngữ là một công việc tập thể của nhiều linh mục dòng tên người châu Âu, trong đó nổi bật lên vai trò của Francesco de Pina, Gaspar d'Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre De Rhodes. Trong công việc này có sự hợp tác tích cực và hiệu quả của nhiều người Việt Nam, trước hết là các thầy giảng Việt Nam (giúp việc cho các linh mục người Âu). Alexandre De Rhodes đã có công lớn trong việc góp phần sửa sang và hoàn chỉnh bộ chữ Quốc Ngữ. Đặc biệt là ông đã dùng bộ chữ ấy để biên soạn và tổ chức in ấn lần đầu tiên cuốn từ điển Việt - Bồ - La (trong đó có phần về ngữ pháp tiếng Việt) và cuốn Phép giảng tám ngày. Xét về góc độ ngôn ngữ thì cuốn diễn giảng vắn tắt về tiếng An Nam hay tiếng đàng ngoài (in chung trong từ điển) có thể được xem như công trình đầu tiên khảo cứu về ngữ pháp. Còn cuốn Phép giảng tám ngày có thể được coi như tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ Quốc Ngữ, sử dụng lời văn tiếng nói bình dân hàng ngày của người Việt Nam thế kỷ XVII.

Tuy chữ Quốc ngữ của Alexandre De Rhodes năm 1651 trong cuốn từ điển Việt - Bồ - La đã khá hoàn chỉnh nhưng cũng phải chờ đến từ điển Việt - Bồ - La (1772), tức là 121 năm sau, với những cải cách quan trọng của Pigneau de Behaine thì chữ Quốc ngữ mới có diện mạo giống như hệ thống chữ Việt mà chúng ta đang dùng hiện nay.

Theo Ca dao và Tục ngữ

Sunday, September 6, 2009

Cách xem hướng nhà theo phong thủy

Hướng nhà theo phong thủy Phong thủy có câu “nhất vị, nhị hướng“, tức là vị trí, cách xếp đặt quan trọng hơn cả, nếu gặp hướng không tốt thì có thể xoay trở vị trí để khắc phục. Mặt khác, hướng nhà phải được hiểu một cách toàn diện và duy vật, chứ không phải chỉ một chuyện hướng hợp tuổi như nhiều người lầm tưởng.

Bốn tiêu chí tốt xấu về hướng :

Trong môi trường thiên nhiên, các hướng vốn không đổi. Sở dĩ có lẫn lộn về hướng tốt xấu là vì có nhiều quan điểm khác nhau và thiếu giải thích rõ ràng. Thực ra, bốn phương tám hướng mà chúng ta biết đều có các đặc tính riêng tùy theo cách xem xét. Có bốn tiêu chí sau để đánh giá tốt xấu về hướng khi làm nhà :

1. Tốt xấu theo hướng khí hậu :

Ví dụ như hướng nam và lân cận nam (đông nam và tây nam) là những hướng tốt đối với điều kiện khí hậu Việt Nam, bởi đón được gió mát và nguồn ánh sáng ổn định, không khí ấm áp. Trong khi đó, các hướng tây, tây bắc thì gặp nắng gắt vào buổi chiều; hướng đông thì chói vào buổi sáng và chịu thêm gió lạnh từ hướng đông bắc. Hướng bắc nằm giữa hai hướng tây bắc (nắng chiều) và đông bắc (gió lạnh) nên cũng không tốt lắm.

Bởi thế, “làm nhà hướng nam” là một trong những kinh nghiệm xây dựng dân gian để đón được gió mát, tránh được gió lạnh.

2. Tốt xấu theo hướng mệnh trạch :

Có thể tham khảo các sách về Dịch học và văn hóa truyền thống phương Đông để dễ dàng tìm ta cung mệnh của mỗi người tương ứng với các phương hướng cát hung. Dịch học phương Đông quy định có 8 mệnh cung tương ứng với 8 hướng trong tự nhiên theo 8 quẻ của bát quái, phân thành hai nhóm là nhóm đông tứ mệnh và tây tứ mệnh.

Nguyên tắc chung là người theo nhóm đông tứ mệnh thì ở nhà đông tứ trạch, người theo nhóm tây tứ mệnh ở nhà tây tứ trạch. Khi đi sâu vào từng hướng cụ thể, sẽ có thêm các phân tích ngũ hành sinh khắc để xác định hướng hợp và không hợp.

3. Tốt xấu theo hướng phương vị :

Là hướng của một vùng, một vật (hay người) ta xét so với một điểm gốc nào đó. Ví dụ nói “trước mặt thoáng đãng, sau lưng có chỗ dựa, tả long hữu hổ“ là ý nói đến hướng xung quanh của một chủ thể ta xét. Khi chủ thể di chuyển, thay đổi, quay về đâu thì trước sau phải trái thay đổi theo. Cùng một dãy nhà (tức là nhìn ra cùng một hướng) và cùng buôn bán giống nhau, nhưng có nhà thuận lợi có nhà khó khăn là vì mỗi nhà bên trong và bên ngoài, trước sau phải trái có phương vị khác nhau.

4. Tốt xấu theo hướng giao tiếp :

Ngoài việc ứng phó với môi trường thiên nhiên, con người cũng phải ứng xử với môi trường xã hội. Vì thế, nhà cần quay mặt (hoặc cửa, lối vào một không gian nào đó) ra những vị trí thuận lợi cho việc giao tiếp. Cha ông ta dạy nhất cận thị - nhị cận giang - tam cận lộ là nói lên những lợi điểm khi mua đất cất nhà, từ xưa đến nay vẫn không khác nhau bao nhiêu khi xét giá trị một bất động sản.

Như vậy, khi xem xét một ngôi nhà có hợp hướng hay không, ta phải xem xét trên cơ sở phân tích và tổng hợp cả bốn loại hướng, chứ không đơn giản là “nghe thầy nói hợp hướng đông bắc“ thì cố tìm bằng được nhà hướng đông bắc, xem nhẹ các yếu tố khí hậu, giao tiếp và phương vị. Cần phân tích trước tiên xem bốn loại hướng trên tốt xấu bao nhiêu phần, khả năng khắc phục nhiều hay ít, có ảnh hưởng gì đến môi trường, con người, kết cấu xây dựng hay không.

Phân tích và tổng hợp để chọn hướng cho nhà

Phân tích theo hướng mệnh trạch, mỗi người đều có đến 4 hướng cát và 4 hướng hung nên dễ dàng linh hoạt điều chỉnh để hướng mệnh trạch phối hợp tốt với hướng giao tiếp và hướng khí hậu. Thậm chí gia chủ (thường là người cha, người chồng) gặp hướng không hợp tuổi, nhưng các thành viên khác trong gia đình lại hợp thì ngôi nhà vẫn tốt cho đa số, chỉ cần thay đổi vị trí, phương hướng tại không gian của riêng gia chủ.

Phân tích theo hướng phương vị, nếu hoàn cảnh chung quanh trước sau không thuận tiện thì có thể xoay hướng nhìn (chỉnh cửa, đổi vị trí chức năng phòng, đảo bếp…) sao cho phương vị thuận tiện hơn mà vẫn tuân thủ các hướng kia. Cần lưu ý nguyên tắc đa cát thắng thiểu hung để chọn giải pháp nào đạt nhiều điều tốt hơn chứ không nhất thiết phải đạt tốt tối đa!

Hướng khí hậu vốn không thay đổi, nên khi chọn nhà hợp mệnh mà gặp hướng nắng gắt (tây) thì vẫn có thể dùng kết cấu, hình khối lồi thụt để bao che, ngăn bớt bức xạ, mở cửa đón gió ở các hướng tốt hơn. Thậm chí nhà phố hướng tây chưa chắc đã nóng vì mặt tiếp xúc hướng tây chỉ khoảng 4 đến 6m có thể dùng lam, trồng cây che chắn. Trong khi đó, mặt bên hông dài được hướng nam nếu khéo mở giếng trời hoặc cửa sổ trên cao thì vẫn lấy gió rất mát.

Phân tích theo hướng giao tiếp, khi một nhà nhìn ra hướng tốt so với tuổi gia chủ nhưng vị trí trong hẻm quá nhỏ, hoặc nằm bên đường xa lộ cao tốc khó rẽ vào được thì hướng giao tiếp của nhà đó cũng xấu đi. Hoặc có nhà ở bên cạnh xưởng máy ồn ào thì dù dễ đi ra đi vào, nhưng giao tiếp vẫn không thoải mái.

Tổng hợp các yếu tố về bản thân con người và môi trường người đó cư ngụ, ta sẽ có được giải pháp chọn lựa hướng nhà sao cho phù hợp nhất.

Bốn loại hướng nêu trên phải được quan tâm và xử lý cụ thể từ xa đến gần chứ không đơn giản chỉ là hướng hợp tuổi (mệnh trạch). Rõ ràng vai trò của người làm quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị rất quan trọng trong việc bảo đảm môi trường sống thuận tiện, an lành cho khu dân cư.

Khi đi vào từng ngôi nhà cụ thể, người kiến trúc sư sẽ quyết định cách xử lý về khí hậu, giao tiếp và phương vị (tức chiếm 3/4 loại hướng nêu trên) thông qua bố trí mặt bằng, phân khu chức năng, mở cửa, xử lý nội ngoại thất… mà chắc chắn không “thầy” địa lý nào có thể làm thay được. Cứ cho là kiến trúc sư chưa rành về Dịch học hoặc không thích bấm tay xem tuổi giáp ất càn khôn thì anh ta vẫn có thể dùng bảng tính tuổi mà gia chủ cung cấp (đi xem thầy, coi sách…) như một cơ sở thông tin góp phần xử lý hoàn thiện phương án thiết kế.

KTS Hà Anh Tuấn
Theo Kiến trúc & Đời sống

Popular Posts