Sunday, January 2, 2011

Đảo Phú Quý: Hấp dẫn nhưng vẫn còn xa

Đảo Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu hay cù lao Khoai Xứ) là một đảo có diện tích 16 km², cách thành phố Phan Thiết hơn 110 km về hướng đông nam. Là một đảo nhỏ giữa biển khơi nhưng Phú Quý có nhiều di tích văn hóa, tín ngưỡng của cư dân duyên hải miền Trung và nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên.
 Dao Phu Quy Hap dan nhung van con xa
 Những bãi biển còn hoang sơ trên đảo Phú Quý thường tạo cảm giác mạnh với du khách lần đầu đến đây. Ảnh: Lê Bá Lư

Rời cảng Phan Thiết lúc 7 giờ sáng và sau hơn 8 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển khơi, vật vã với những con sóng mạnh hơn cấp 6, đến 15 giờ 30 chiều, con tàu Phú Quý 07 cập bờ lên đảo Phú Quý.
Dù đang mệt nhoài, ngất ngư trong cơn say sóng, nhưng khi nghe tiếng còi hụ báo hiệu tàu sắp cập bến, tôi cố gắng ngồi dậy bước lên bong tàu. Từ biển nhìn vào, quần đảo Phú Quý nổi lên với những hình dáng kỳ thú. Nhìn về phía bên phải, đảo có dáng con rồng vờn mây; phía bên trái giống như con cá voi khổng lồ đang vượt sóng.

Cảng Phú Quý tấp nập ghe thuyền neo đậu và nhộn nhịp người. Thoạt nhìn, đảo có vẻ sầm uất với những dãy nhà kiên cố, mới mẻ và những rặng dừa, phi lao xanh ngan ngát nối dài. Đảo không có suối, nhưng mạch nước ngầm dồi dào nên nguồn nước ngọt không khan hiếm. Những cư dân lao động biển ở đây đặc biệt có giọng nói khá nặng, khó nghe, nhưng rất hiền lành, thân thiện.
Đảo có nhiều đồi, gò, cồn cát kéo dài. Phần nhiều các cơ quan hành chính, nhà văn hóa, sân vận động, trường học, khu vui chơi giải trí, đường sá tráng nhựa… trên đảo đều còn mới và một số công trình đang thi công dở dang. Nhiều khu vực trên đảo đã có dáng dấp đô thị, nhưng tất cả vẫn còn là “nhà không số, phố không tên”.
Trong bốn ngày ở đảo, tôi đã đi thăm nhiều nơi và gặp nhiều nhóm du khách Tây ba lô tắm biển, lướt ván và đạp xe lang thang các con đường quanh đảo. Tôi đã đến thăm chùa Linh Quang - di tích lịch sử quốc gia tọa lạc trên một đồi cao tại thôn Mỹ Khê xã Tam Thanh. Chùa được xây dựng vào thời Cảnh Hưng thứ 8 đến nay đã có hơn 250 tuổi; hiện còn lưu giữ các sắc phong của triều Nguyễn ban. Đình vạn An Thạnh ở xã Tam Thanh là một trong những vạn chài trên đảo thờ cúng Ông Nam Hải và ở đây cũng có một số sắc phong mà các vua triều Nguyễn ban tặng. Dinh mộ Thầy Nại, miếu bà chúa Bàng Tranh ở xã Long Hải; ngôi chùa cỗ Linh Sơn trên núi Cao Cát…
Dao Phu Quy Hap dan nhung van con xa
Ngôi mộ cổ trong khu dinh mộ Thầy Nại trên núi Cao Cát. Ảnh: Lê Bá Lư

Dinh mộ Thầy Nại xây dựng từ thế kỷ 17, là nơi được cư dân biển sùng bái, xem như là chỗ dựa tinh thần. Lễ cúng Thầy được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 4 tháng Tư (âm lịch), đây là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của người dân trên đảo với những nghi thức cổ truyền nguyện cầu trời yên biển lặng, đất thái dân an. Đây cũng là lễ hội lớn nhất hàng năm trên đảo, có rất nhiều người từ đất liền ra tham dự.
Miếu bà chúa Bàng Tranh, một di tích văn hóa cũng là nơi tín ngưỡng của ngư dân. Theo truyền thuyết, bà chúa Bàng Tranh tên là Bàng Thị Vương Tranh là một công chúa của vương quốc Chiêm Thành, vì trái lệnh vua cha nên bị thả xuống thuyền lưu đày biệt xứ. Thuyền công chúa trôi dạt vào đảo và bà đã ở lại cùng cư dân khẩn hoang lập nghiệp. Bà là người tài đức, đạo hạnh được nhân dân tôn sùng. Sau khi mất, bà được dân lập miếu thờ, cúng giỗ hàng năm. Hiện nay, miếu bà chúa Bà Tranh đang được trùng tu, tôn tạo.
Ngôi chùa cổ Linh Sơn tọa lạc trên núi Cao Cát, ở độ cao hơn 120 mét so với mực nước biển. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo. Đứng nơi đây, tâm hồn con người cảm thấy lâng lâng, hòa quyện với đất trời, chúng ta có thể nghe tiếng gió hú lồng lộng với những âm thanh kỳ bí như tiếng nói tâm linh; đồng thời có thể nhìn ngắm toàn cảnh bức tranh sống động của đảo Phú Quý: từng rặng cây, bãi biển, cồn cát, làng chài, khu dân cư, con đường vòng quanh đảo, những con thuyền nhấp nhô lướt sóng và cầu cảng nhộn nhịp ghe thuyền…
Dao Phu Quy Hap dan nhung van con xa
Tam quan chùa Linh Sơn trên sườn núi Cao Cát. Ảnh: Lê Bá Lư

Ngoài ra, Phú Quý còn có đền thờ Bà Chúa Ngọc và vạn Thương Hải là hai di tích lịch sử cấp tỉnh vừa mới được công nhận có 5 sắc phong thần cho Bà Chúa Ngọc và còn một số hiện vật tế tự quý như chiếc đỉnh đồng, chân đèn và chuông đồng. Ba sắc phong cho Thần Nam Hải và hai sắc phong thần cho Bắc Trấn đô đốc Bùi Quận Công.
Đến Phú Quý, du khách được thưởng thức nhiều món hải sản tươi sống. Thật thú vị khi đến nhà hàng Long Vĩ, nằm dưới chân dinh mộ Thầy Nại. Tại đây, gió biển lồng lộng, du khách vừa được nhìn ngắm biển trời, vừa tận hưởng hương vị các món tôm hùm nướng, cá mú đỏ chấm mù tạt, rùa hấp muối và nhiều loại hải sản tươi rói… Anh Dương Đăng Vỹ, 43 tuổi, chủ nhà hàng cũng là một tay tài tử, đàn giỏi hát hay và vui tính.
Khách đến đảo cũng đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món "bò nóng” ở một quán nhỏ giữa khu rừng trong khu vực núi Cấm. Tại đây, bò làm thịt để nguyên con, khách mua bao nhiêu xẻ bấy nhiêu. Khách được quán cung cấp lò than, dao thớt, chén đũa, gia vị… và khách sẽ tự chế biến nóng theo ý thích. Thị bò tươi ngon và cách ăn độc đáo này càng làm tăng cái cảm giác ngon miệng và hứng thú của thực khách. Cuối cùng, khách còn được "tặng" món cháo xương bò ngọt lịm cho chắc bụng trước khi từ giã.
 Dao Phu Quy Hap dan nhung van con xa
Một góc khu dân cư trên đảo Phú Quý, nhìn từ sườn núi Cao Cát. Ảnh: Lê Bá Lư
Dao Phu Quy Hap dan nhung van con xa
Những khối đá lớn có hình thù lạ mắt trên núi Cao Cát cũng hấp dẫn nhiều du khách khám phá. Ảnh: Lê Bá Lư

Trên đảo có 6 khách sạn và nhà nghỉ, tập trung ở khu vực xã Tam Thanh. Tuy chưa nơi nào được gắn “sao”, nhưng các khách sạn, nhà nghỉ ở đây cũng có đủ tiện nghi. Ở đảo, điện chỉ có từ 7 giờ 30 đến 23 giờ 30 mỗi ngày, nhưng khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành, khí trời ban đêm se lạnh nên chẳng cần đến máy lạnh.
Huyện đảo Phú Quý là một quần thể gồm 10 hòn đảo lớn, nhỏ; trong đó, chỉ đảo lớn Phú Quý là có dân cư. Huyện có 3 xã, 10 thôn, 5.466 hộ với số dân gần 27.000 người, đa số sống bằng nghề đánh bắt và các dịch vụ hậu cần nghề biển.
Hy vọng, trong một ngày không xa, huyện đảo xa xôi này sẽ "gần" hơn với đất liền khi phương tiện giao thông thuận tiện hơn và sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách và các nhà đầu tư. Khi ấy, đảo Phú Quý sẽ thực sự là vùng đất phú quý trên biển khơi. 
Theo TBKTSG

No comments:

Post a Comment

Popular Posts