Saturday, October 30, 2010

Hà Nội xưa và nay theo góc nhìn của phong thuỷ

Ngày 23. 10. Nhân dịp kỷ niệm Đại Lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Trung Tâm nghiên cứu văn hóa cổ Đông phương do giáo sư tiến sĩ Hoàng Tuấn đã tổ chức buổi họp mặt thảo luận với chuyên đề: "Kinh đô ngàn năm địa linh nhân kiết". Nhiều học giả, nhà nghiên cứu tham gia đọc tham luận và phát biểu. Tham gia cuộc gặp mặt này về phía Trung Tâm nghiên cứu Lý Học Đông phương có Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Trung Tâm và Hoàng Triều Hải - Trưởng VPDD TT tại Hanoi.
 Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương.
Kính thưa ban tổ chức.
Kính thưa các vị khách quý.
Trước hết tôi xin bày tỏ long cảm ơn với ban tổ chức đã tạo điều kiện để tôi có dịp trình bày với quí vị có mặt nơi đây về nhận xét của tôi với những vấn đề có tính thời sự đang được đặt ra với Hà Nội trong tương lai với cái nhìn của khoa phong thủy theo sự hiểu biết của tôi.
Kính thưa quí vị.
Tôi nghĩ, chúng ta có thể nói rằng ngay khi xác định dời đô về vùng hữu ngạn sông Hồng , lập nên kinh đô Thăng Long thì Đức vua Lý Thái tổ đã nói đến địa thế Hà Nội theo cái nhìn của khoa Phong thủy.
Chiếu dời đô viết:
Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.
Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?
Qua nội dung của Chiếu Dời Đô thì có thể nhận thấy ngay rằng: Cái nhìn của khoa phong thủy về thế đất Hà Nội chính là một trong những nguyên nhân quan yếu của sự dời đô và thành lập kinh đô Thăng Long. Sự đồng thuận của quân dân Đại Việt dưới thời Lý Thái Tổ đã chứng tỏ rằng những tri thức về phong thủy đã rất phổ biến trong văn hóa Việt Nam từ hàng ngàn năm trước.
Hình minh họa dưới đây trên bản đồ Bắc Việt Nam cho chúng ta thấy rõ tính chất của “Rồng chầu , hổ phục” hay còn có cách diễn đạt khác là “Núi chầu sông tụ”:
Hình ảnh này, tất cả các phong thủy gia đều biết.
Nếu xét về đại cục thì khí mạch của vùng núi này bắt nguồn từ dãy núi Hy Mã Lạp sơn ở cao nguyên Tây Tạng, còn gọi là Tổ long. Và đây là Kim Long, con rồng trắng. Sở dĩ tôi nhận xét như vậy vì theo dãy núi Hi Mã Lạp sơn nằm ở phía Tây đồng bằng Nam Dương tử. Phương Tây thuộc Kim, nên xác định là rồng trắng. Ở vịnh Bắc bộ của chúng ta còn có đảo Bạch Long Vĩ – Đuôi rồng trắng – chứng tỏ điều này.



Nhưng tôi cũng xác định rằng: Mặc dù nguyên khí xuất phát từ địa mạch tổ long ở Tây Tạng, nhưng cấu trúc phần núi sông tạo nên linh khí của đất Thăng Long hoàn toàn độc lập khí mạch của địa mạch Tổ Long này. Có thể ví Khí mạch sông núi Việt Nam như một con rồng con và có một sự tương tác một cách độc lập với môi trường thiên nhiên nơi đây. Thế núi của vùng miền Bắc Việt Nam hoàn toàn không liền mạch với khí mạch của dãy Hi mã lạp sơn. Vịnh Bái Tử Long với truyền thuyết về một con rồng con bay đi đã gợi cảm hứng cho tôi về cách nhìn này.
Núi sông bờ cõi đã chia. Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Như cũng nhắc nhở điều này.
TỔNG QUAN VỀ VỊ TRÍ HÀ NỘI TRONG ĐỊA THẾ ĐỒNG BẮNG BẮC BỘ
Nếu ta xét một cách tổng quan toàn bộ vùng Bắc bộ Việt Nam theo cái nhìn của khoa phong thủy thì có thể xác định rằng: Chính đồng bằng Bắc Bộ là nơi tụ khí của cà Bắc Bộ Việt Nam.
Cổ thư viết: “Ở nơi cao thì chỗ trũng thấp chính là nơi tụ khí”. Xét những dải núi non trùng điệp bao quanh đồng bằng Bắc Bộ thì vùng đồng bằng Bắc Bộ chính là nơi tụ khí của long mạch núi sông đất Việt
Sông Hồng – tức sông Cả - là con sông lớn nhất chảy qua đồng bằng Bắc bộ. Nếu như dòng sông chảy xuôi và thẳng ra biển thì có lẽ chúng ta – với cái nhìn của khoa phong thủy – sẽ khó có thể định được nơi tụ khí để tạo ra kinh đô ngàn năm tuổi đầy tự hào của người Việt. Nhưng thiên nhiên như khéo tạo ra những giá trị của nó để đem lại phồn vinh cho con người. Đúng vị trí của Hà Nộ – Thăng Long xưa, sông Cả gấp khúc hơi xuôi về Nam. Khí đã tụ lại nơi đây.
Đây chính là chỗ lắng đọng của khí đất trời hội tụ. Có thể diễn tả điều này qua hình tượng của một câu trong bài hát “Người Hà Nội” – “Đây! Lắng hồn núi sông ngàn năm”.
Cổ thư đã nói: “Khí tụ thì thành hình”. Tất nhiên, khi khí đã bắt đầu tụ nơi đây thì cuộc sống cũng bắt đầu nơi đây. Khí càng mạnh mẽ thì cuộc sống càng hưng vượng. Và nơi đây đã hình thành nên kinh đô Thăng Long của Đại Việt
XÉT KHÍ MẠCH HÀ NỘI.
Cổ thư viết: “Khí theo nước mà đi” . Khí mạch Hà Nội theo cái nhìn của tôi theo hướng Tây Bắc Đông Nam. Lý do là dòng sông Hồng chảy theo hướng này. Đây là hướng Phúc Đức trạch theo cái nhìn từ Phong Thủy Lạc Việt với quan điểm đổi chỗ Khôn về vị trí Đông Nam và Tốn về vị trí Tây Nam. Càn Tây Bắc phối Khôn là Phúc Đức trạch. Như vậy, minh đường của Hà nội chính là toàn bộ vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả biển Đông của Việt Nam nhìn theo hướng này. Tọa sơn chính là dãy Hoàng Liên Sơn với đinh cao nhất là Phăng si phăng.
Dãy Ba Vì là Bạch Hổ và sông Hồng chính là Thanh Long của Hà Nội. Đây chính là thế sơn tọa nhô cao, minh đường rộng rãi sáng sủa với sự tụ thủy của cả biến Đông bao la. Thanh Long – tức sông Hồng Hà, uốn khúc mềm mại và hùng vĩ, Bạch hổ vững chắc , mạnh mẽ và hiên ngang. Đây chính là điều mà chiếu dời đô của Đức Lý Thái tổ nói tới:
trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hướng bối chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải.
Bản dịch là:
ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa,
Vào thế kỷ thứ VIII AC, Cao Biền - một danh sư phong thủy xây thành Đại La ở nơi đây với mục đích làm thủ phủ của chế độ cai tri Hán tộc. Vào thời điểm này, hình tuy đã hiện, nhưng khí lực chưa đủ. Xét về Âm khí do dãy núi Ba Vì là Bạch Hổ và dãy Hoàng Liên Sơn đưa lại thời gian này khá mạnh mẽ, thể hiện ở chỗ rừng núi hoang sơ vẫn bao phủ khắp nơi, ngòi đầm chi chít. Vùng Đại La cũng vậy.
Đây là nguyên nhân Cao Biền phải dùng biện pháp trấn yểm để tụ khí. Nhưng độ số chưa đủ, nên đã thất bại trong sự nghiệp của chính ông ta. Trong văn hóa dân gian Việt còn lưu truyền câu thành ngữ “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” chính là để nói đến điều này. Nhưng thành tựu của ông ta là đã xây dựng được Thành Đại La, nơi tập trung dân cư đông nhất vùng đồng bằng Bắc bộ với tư cách là thủ phủ của chế độ cai trị của Hán tộc trong thời Bắc thuộc.

Chính những hoạt động của con người trải nhiều thế kỷ đã mạng lại sinh khí cho vùng đất này, để 200 năm sau, sự phát triển đầy đủ về khí lực dẫn đến hình thành một kinh đô muôn đời của đất Việt.
Từ đó đến nay trải 1000 năm đã trôi qua. Vật đổi sao dời, hình thế cũng có nhiều đổi thay. Dương khí khu vực Hà Nội ngày càng mạnh mẽ, sinh khí tụ ngày càng nhiều, khiến nhu cầu quy hoạch lại và phát triển Hà Nội nảy sinh.
Chúng ta thấy ngay rằng: Vào năm 1954, khi giải phóng thủ đô, dân số Hà Nội chỉ có khoảng 200.000 người. Sự phát triển sau đó lên đến 2 triệu vào khoảng cuối những năm 60. Bây giờ dân số gần gấp bốn chưa tính người vãng lai. Sư tương tác của hàng triệu người như vậy theo cái nhìn của khoa Phong Thủy thì sẽ tạo ra Dương khí rất mạnh.



Càng về sau, Dương khí ngày càng vượng, cộng hưởng với sự phát triển của xã hội, nên Dương khí lan tỏa ra các vùng xung quanh (thể hiện bằng các mũi tên màu đỏ).
Cùng với sự phát triển của xã hội, khi những cây cầu xuất hiện, sự tương tác giữa hai bờ càng trở nên mạnh hơn. Một phần Dương khí được chuyển sang phía bờ tả sông Hồng, do sự tương tác trong sinh hoạt của cộng đồng dân cư, khiến Dương khí vùng bờ tả cũng vượng lên. Dương khí càng có điều kiện lan tỏa hơn sang khu vực bờ tả sông Hồng (thể hiện bằng các mũi tên màu cam).
Cân bằng Âm Dương - theo quan niệm của Lý học Đông phương ứng dụng trong khoa Phong thủy - là yếu tố quyết định quan trọng đến sự phát triển của xã hội. Khi vùng trung tâm (thể hiên bằng vòng tròn đỏ) Dương khí quá vượng, Âm khí suy thoái. Theo cái nhìn Lý học thì “Dương thịnh, Âm suy tắc bế”. Trên cơ sở này, chúng ta thấy xuất hiện các hiện tượng kẹt xe, suy kiệt nguồn nước, ô nhiễm môi trường…gây tác động tiêu cực lên cuộc sống.

Bởi vậy, sự phát triển và nhu cầu quy hoạch lại Thủ Đô là điều tất yếu.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Lý học Đông phương, một sự phát triển hài hòa, quen gọi là cân bằng Âm Dương, phù hợp với tư nhiên và làm nền tảng vững chắc cho xu hướng phát triển trong tương lai là điều cần phải suy xét.
Trên cơ sở lấy Âm nhô cao thì phía Tây Bắc, Tây Nam nên đặt trọng tâm phát triển các cơ sở sản xuất, kinh tế. Vì sự phát triển kinh tế thuộc phạm trù Âm trong Lý học Đông Phương. Các cơ quan chính phủ theo tôi nên duy trì ở vùng Hà Nội cũ, nơi Dương khí cực vượng. Bởi vì theo Lý học “Dương trước , Âm sau”; “Âm thuận tùng Dương” thì các cơ quan chính phủ cần đặt ở nơi Dương vượng và không cần thiết phải di chuyển. Mà chỉ cần quy hoạch lại khu vực Hà Nội cũ, như là một khu vực hành chính , văn hóa làm chủ đạo. Bất đắc dĩ thì có thể mở rộng thêm ở vùng Quốc Oai.
Khu Mỹ Đình không phải nơi đắc địa theo cái nhìn của khoa Phong Thủy. Nến nếu cơ quan chính phủ đặt ở đây thì tôi e rằng sẽ không phát huy được tác dụng quyền lực.
Cũng trên cơ sở này, tôi cho rằng việc xây dựng trục đường lộ Thăng Long là một sai lầm ít nhất theo cái nhìn của khoa phong thủy. Trên báo mạng chính thống, đã có nhà khoa học phân tích thấy rằng con đường theo trục Đông Tây sẽ bị ánh sáng mặt trời chiếu thẳng gây loá mắt và rất dễ gây tai nạn. Khoa Phong thủy cho rằng đây chính là trục Tuyệt Mạng. Vì Tây và Đông là hai điểm đối đầu thuộc Đông Tây trạch. Còn những ý kiến khác từ cái nhìn của khoa phong thủy về tướng địa, hình lý khí - đã được nhiều phong thủy gia góp ý rất xác đáng: Nên bỏ quy hoạch trục Đại lộ Đông Tây. Hoặc tìm một giải pháp khác có thể thay thế.
Các khu vực phía Nam, Đông Nam nên phát triển quy hoạch các cơ quan nghiên cứu, kinh tế và văn hóa.
Kính thưa quí vị.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi lạm bàn về Phong Thủy liên quan đến quy hoạch Hà Nội, như là một tham vọng đóng góp về một khía cạnh của một cái nhìn riêng vào Hà Nội trong tương lai. Ngõ hầu góp phần thêm nhiều chiều ý kiến cho các nhà qui hoạch tham khảo và có quyết định cuối cùng, để cuộc sống và thủ đô Hà Nội ngày một phát triển tốt đẹp.
Xin cảm ơn sự quan tâm của quý vị.
 
Nguồn: Lý học đông phương

No comments:

Post a Comment

Popular Posts