Tuesday, September 1, 2009

Phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi

Viêm gan siêu vi Hầu hết các trường hợp viêm gan siêu vi đều do một trong năm nguyên nhân sau đây : siêu vi A (HAV), siêu vi B (HBV), siêu vi C (HCV), siêu vi D (HDV), siêu vi E (HEV).

Trong đó người bị nhiễm siêu vi viêm gan B và siêu vi viêm gan C có nguy cơ cao bị nhiễm cấp hoặc sẽ chuyển sang nhiễm trùng mãn tính không có biểu hiện; nguy hiểm nhất là có thể dẫn đến suy gan, xơ gan và ung thư gan.

Viêm gan do siêu vi A và siêu vi E chỉ gây viêm gan cấp sau đó bệnh tự khỏi, mặc dù có 1-2% trường hợp có biểu hiện suy gan tối cấp. Bệnh nhân có bệnh xơ gan hay suy gan do nguyên nhân khác sẽ gặp bất lợi hơn về sức khỏe nếu bị nhiễm thêm 2 siêu vi này.

Biểu hiện bệnh

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Cẩm Hường, bộ môn nhiễm (đại học Y dược TP.HCM), thể không triệu chứng của bệnh viêm gan siêu vi nhiều hơn thể có triệu chứng từ 10-30 lần. Triệu chứng có thể là chán ăn, mệt mỏi, đau cơ đau khớp, vàng da, vàng mắt…

Tuy nhiên, thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ dễ dàng phát hiện ra bệnh nhân có nhiễm siêu vi viêm gan hay không thông qua nồng độ men gan hay lượng kháng thể trong máu.

Đặc điểm các bệnh viêm gan siêu vi :

1. Viêm gan siêu vi A : bệnh lây qua đường tiêu hóa hay lây do tiếp xúc với người nhiễm siêu vi A trong gia đình. Bệnh này có thể tự khỏi.

Những đối tượng như: những người chích ma túy, người có bệnh lý gan mãn tính, đồng tính… nên chủng ngừa đề phòng nhiễm siêu vi A. Thuốc chủng ngừa có thể bảo vệ sau 6 tuần và kéo dài 20 năm.

2. Viêm gan siêu vi B : Siêu vi B lây truyền qua truyền máu, tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con, tức là lây truyền thông qua máu và dịch tiết của người bệnh.

Theo bác sĩ Hường, tỷ lệ chuyển từ viêm gan siêu vi B mãn tính sang xơ gan là 2-9% một năm, nguy cơ tiến triển thành ung thư gan là 0,5-1% nếu người mang siêu vi không có biểu hiện xơ gan và 2,5-3% nếu bệnh nhân bị xơ gan.

Bác sĩ Hường cũng khẳng định, bệnh viêm gan siêu vi B mãn tính hiện nay có thể chữa được nếu phát hiện kịp thời. Hiện nay, bệnh viêm gan siêu vi B có thể phòng ngừa hiệu quả bằng chủng ngừa vắc-xin, hiệu quả bảo vệ của thuốc chủng ngừa 80-90% kéo dài ít nhất là 5 năm.

3. Viêm gan siêu vi C : Lây qua đường máu, từ mẹ sang con. Viêm gan siêu vi C thường không có triệu chứng và 80-90% sẽ chuyển thành mãn tính, sau 10-30 năm diễn tiến thành xơ gan, ung thư gan.

Hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa viêm gan siêu vi C nhưng bệnh này có thể điều trị khỏi nếu phát hiện kịp thời.

4. Viêm gan siêu vi E : Bệnh này lây qua đường tiêu hóa, có thể tự khỏi tuy nhiên gây tử vong 10-20% trường hợp nhiễm ở phụ nữ có thai, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Cho đến nay vẫn chưa có thuốc chủng ngừa siêu vi E, biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất là cải thiện nguồn nước và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguyễn Lý
Theo Thanh Niên Online

No comments:

Post a Comment

Popular Posts