Saturday, November 13, 2010

Chữ "ba" trong văn minh miệt vườn hay là "triết lý bà ba".

Nguyễn Sơn Hà

Miệt vườn
Nhân đọc bài phiếm luận về chữ "Ba" dưới đây của một tác giả vô danh, hiện đang được phổ biến trên mạng qua "email" mà tôi đã nhận được, tôi thấy vui vui hay hay. Và vì tác giả muốn có ai giải thích được nguồn gốc hay tại sao người mình lại cứ nói cái gì cũng có "Ba" trong đó như "ăn ba hột cơm" hay "ăn ba miếng"…, nên tôi mạo muội thử trả lời cho tác giả bài này, cũng như để cho những ai chưa được biết cái triết lý của chữ "Ba" này. Nên trước khi tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của chữ "Ba" mà tôi chọn làm chủ đề cho bài viết với tựa là "Triết lý Bà Ba", mời bạn hãy đọc qua bài phiếm luận sau đây :

"Thiệt tình mà nói, cái chữ văn minh nó bao quát lắm. Cô nào mà bị ba cái bà má chồng, hay má ruột khen là “lóng rầy mầy văn minh quá rồi nha” thì đừng có tưởng là được khen. Mà nếu nói là bị trách thì cũng chưa hẳn đúng, vì có nhiều khi cô này văn minh thiệt thì sao. Ba cái bà má quê đâu có học hành đỗ đạt gì cao nên có thiếu văn minh như mấy cô cậu trên thành trên tỉnh về thì có khen ai văn minh quá, nhiều khi lại là khen thiệt. Khen hay chê nó còn tùy thuộc vào cái giọng điệu lên xuống nữa. Bả mà nhấn mạnh rồi kéo dài ở chữ “Quá” là chết rồi.
Mà văn minh là gì ? Thôi để ý làm chi ba cái chữ rắc rối đó, nó ngoài tầm để tâm của người dân thường rồi. Nói ba lơn chơi thì được chứ bầy đặt nói văn hoa chậu kiểng thì bị người ta phê bình rồi nếu có cãi cọ qua lại thì biết đâu lại bị đá cho lọi giò hay gẫy ba sườn. Gẫy ba sườn là gẫy ba cái sườn hay là ba sườn bị gẫy, mà tại sao sườn người ta lại bị gọi là ba sườn. Khó hiểu quá.
Nói vậy chứ ăn nói ba lơn, ba chớp ba nhoáng còn đỡ hại hơn là ăn nói ba xạo. Đi tìm hiểu chữ ba trong nền văn minh miệt vườn mà cứ ba hoa, xạo tới xạo lui thì thiên hạ ai mà tin rồi đọc tiếp nữa. Xạo riết nhưng cứ tiếp tục thì đúng là đồ ba gai , ba trợn rồi, hay vì xỉn xỉn ba xị rượu đế nên coi trời bằng vung, nói tới nói lui người ta cũng không biết mình nói gì, lúc thì nói này lúc thì nói nọ, đúng là cái thứ ba phải.
Đúng ổ rồi ! Bây giờ người ta biết chữ ba từ đâu ra rồi ! Thứ nhứt là Đúng, thứ hai là Sai, còn không sai không đúng, làng nhàng thì chắc chắn phải là thứ Ba cho nên người ta mới nói người không có lập trường đàng hoàng là đồ ba phải.
Có lẽ vậy chăng vì người mình hay gọi mấy chú chệt trong khu xóm là mấy anh ba tầu. Mà mấy anh này thì dễ tính lắm, buôn bán dễ chịu số một, ai có than vãn gì cũng “ngộ biết, ngộ biết”, ai có phê bình đúng sai, ngon dở gì cũng “nị nói đúng rồi”. Nếu sai cũng là đúng và đúng cũng là đúng mặc dù sai không phải là đúng mà chú chệt này đều dạ dạ thì không phải ba phải thì là gì, cho nên gọi chú chệt là ba tầu thì có gì là phản lại ba cái nhận định này đâu. Không đồng ý hả ? không đồng ý thì ra ba tòa quan lớn mà kiện. Ba búa, ba đá thiệt.
Nhưng không được rồi ! Vậy chữ ba trong ba chớp ba nhoáng từ đâu mà ra, nó là những con số chứ không có liên quan gì đến đúng sai. Cũng kỳ, thịt ba rọi, ba chỉ thì người ta đếm được ba cái lằn thịt mỡ hay thịt nạc rõ ràng, còn chớp và nhoáng thì đâu có dừng lại ở ba cái đâu mà người ta lại nói là ba này ba nọ, sao không nói là năm chớp sáu nhoáng cho nó nhiều nhiều.
Nói đến số nhiều, người mình cũng tiếu lâm thiệt ! Cái gì mà sợ đến nỗi phải dùng tới ba chân bốn cẳng để chạy. Chạy như vậy nhanh hơn hay sao, rồi đào đâu ra cái chân thứ ba, thứ tư để ráp vô mà chạy. Ba xạo vừa vừa thôi chứ. Chạy ba chân chắc chỉ nhanh bằng xe ba gác hay con ba ba là cùng. Lỡ xạo rồi, dân mình còn gồng mình nói rằng con người ta có ba hồn chín vía nữa mới là khó chứng minh cho rõ chín cái vía để khoe ông bà.
Nói cho cùng, có một chữ ba mà khó giải thích mặc dù nói đến hàng ngày đó là chiếc áo bà ba. Chắc không phải là ba tà đâu, trước hai sau một, nhưng có lẽ vì nhiều anh ba có tới ba bà nên tới bà thứ ba thì hết khả năng may áo dài cho bả rồi nên để mặc đại áo cánh để làm việc cho gọn.
Anh Ba
Người ta nghiệm ra một điều tình cờ nhưng đắc ý, đó là chữ anh ba. Chữ anh ba khi dùng nó có điềm chỉ cái gì tình cảm, khác hẳn chữ anh hai có vẻ quyền uy lý trí và anh tám thì lại là người nói dai nói nhiều. Bởi vậy người ta mới có bài ca có câu cậu ba (không phải cậu tư, cậu năm đâu nha) và chị hai, hai chị em ở nhà quê có mái tóc bạc trắng như nhau. Rồi chị hai ngồi nhổ ba cái sợi tóc sâu cho em, nghe mủi lòng người bôn ba hải ngoại. Nghe tình cảm quá, nước mắt dầm dề. Nữa ! Cái chữ ba ở chữ bôn ba mới độc. Có phải "ba" là sóng, là ra khơi như những con thuyền vượt sóng gọi là ba đào để rời xứ mà lang thang đất khách quê người không, rồi lê cái thân ba chìm bẩy nổi cho đến ngày tàn, chôn thân dưới ba tấc đất không. Chôn mà sâu có ba tấc đất thì là chôn nông rồi, tội cho anh ba quá. Mà đợi chi đến ngày tàn, lúc bệnh hoạn đau yếu rồi mới bôn ba. Nên đi chữa ngay thầy Ba cầu Bông hay ghé chị Ba Hàng Sanh nghe chỉ dậy chửi lúc đau bịnh thì kéo dài thêm cuộc sống. Nói đến ba đào, người ta lại nghĩ đến thơ tầu có chữ yên ba, rồi phong ba (bão táp). Mà thôi, đang nói về văn minh người mình, nên quên mấy cái chữ nửa nạc nửa mỡ đó đi.
Trở về chữ ba chìm bẩy nổi, người mình chắc không giỏi về khoa học, nên nói lộn, chắc phải là ba nổi bẩy chìm mới đúng sách vở chớ. Tưởng tượng người ta có ba khúc, xuống nước mà nổi tới hai khúc từ đầu gối trở lên thì giống Tề Thiên Đại Thánh đang đi trên nước quá vì nếu không phải là ổng mà là người thường thì hai phần nổi nặng hơn một phần chìm, té liền.
Nói về người mà còn lộn như vậy, nói về thức ăn còn lạ hơn nữa. Hình như người mình dùng chữ ba cho nó dễ đọc, chứ không có chủ ý tả hình tả cảnh gì hết. Thí dụ như cái con giống con còng mà ta hay làm mắm mặn ăn với cơm nguội hay cơm nóng là con Ba Khía. Đố ai mà tìm được ba cái khía ở con còng giống con cua này.
Nói cho ngay, chắc người mình dùng chữ cho vần hay theo thói quen nói dễ dãi thôi, chứ cái gì cũng chắc đúng, ba bó một giạ thì hết cái bóng bẩy của ngôn ngữ rồi. Còn tình cảm cũng vậy, nếu hết thẩy các câu chuyện tình mà lúc nào người nào cũng ba mặt một lòng thì đâu có người phải buồn rầu ba cái chuyện yêu đương rồi ghen bóng ghen gió, buồn tới buồn lui, rồi làm thơ đăng trên ba cái báo lá cải như ..cho bà con đọc.
Cái câu ba mặt một lòng này, đọc qua thì không thấy có gì nhưng nếu nghĩ kỹ thì nó mang nhiều cái ý nghĩa của văn minh miệt vườn thiệt.
Qua mấy đoạn trên ai dám nói người miền Nam giản dị hơn hay không sâu sắc như người … ngoại quốc (!!! ai vậy?). Nói thế là chưa được dịp biết đến cái cửa ngõ của văn minh miệt vườn qua cái chữ Ba đáng yêu. Người nào mà giải thích được tại sao chữ Ba lại được dùng một cách nhiều dạng nhiều nghĩa thay vì chữ hai, tư, năm hay sáu..., hay tại sao được dùng, hay đôi khi chỉ là chữ đệm trong ngôn ngữ miệt vườn, thì người đó đúng là dân văn minh thứ thiệt, tóc chắc chắn phải là để dài búi tó rồi. Tui xin ngả nón chào. (nguồn email)

Cảm ơn tác giả vô danh nào đó đã viết bài phiếm luận về ba cái chữ Ba này để gợi ý cho tôi có dịp trả lời với tác giả và với phần đông để đừng nói là hầu hết người Việt mình mà tôi nghĩ chắc cũng không biết tại sao mình lại cứ nói hay cứ đệm chữ Ba vào ngôn ngữ hàng ngày, đến độ tác giả bài này gọi là "Chữ Ba trong văn minh miệt vườn".
Nhưng trước khi trả lời thắc mắc về căn bản ngôn ngữ này, tôi thiết tưởng cần nhắc lại cho mọi người cái quan niệm nền tảng về vũ trụ và nhân sinh của tổ tiên Việt tộc từ ngàn xưa, mà ý nghĩa của nó được đúc kết qua tiếng "vài ba" hoặc "lưỡng tham" tức ‘hai ba’ nói theo Việt hay nếu nói theo Nho là "tham thiên lưỡng địa", tức ‘3 trời 2 đất’.
Mẹ tròn con vuông
Nhưng ai cũng thấy chỉ có một trời một đất, như từ xưa đến nay ông bà tổ tiên chỉ nói "đầu đội trời, chân đạp đất", thế thì tại sao lại bảo là 3 trời 2 đất ? Như vậy có nghĩa là gì ? Thưa, đó là nguyên lý thiên quân hay là quy luật biến động tự nhiên, mà tôi gọi là "quân bình động" của trời đất. Vì dựa trên kiểm chứng của hai nhà vật lý học Trung Hoa là Lý Chánh Đạo (Tsung-Dao Lee) và Dương Chấn Ninh (Chen Ning Yang) đã được giải thưởng Nobel về Vật Lý năm 1957 qua thí nghiệm cho nổ nhân nguyên tử để phân rã hạt nhân ‘beta’ và hạt ‘meson pi’ thành hạt ‘muy’, thì thấy những tia vi tử (phóng xạ) của âm và dương điện tử có độ dài không bằng nhau, và đo được độ dài của tia vi tử âm và vi tử dương có tỉ lệ 2/3. Và khi đem một nguyên tử khác chặn các tia vi tử ấy, tia dương phát ra 3 tia và tia âm phát ra 2 tia nhỏ.
Cùng với quan niệm về Vũ Trụ của tổ tiên Việt tộc từ ngàn xưa là "vô cực nhi thái cực" mà trong Kinh Dịch chương Hệ Từ thượng đã có ghi : "Thị cố Dịch hữu Thái cực, thị sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, Bát quái định cát hung, cát hung sinh đại nghiệp.", cho nên Thái cực là Một (cả) với Lưỡng nghi là Hai, do đó 1+2=3. Đó là nguyên lý cơ bản và căn bản của quy Luật Tự Nhiên, còn gọi là nguyên lý Mẹ (vạn vật chi Mẫu) với đặc tính song trùng lưỡng hợp gọi là "Lưỡng Nhất Tính". Vì vậy lưỡng nghi là cặp đôi tương giao, tương hỗ, tương sinh, tương khắc,… của mọi sự, mỗi vật để biến dịch, với nhiều tên khác nhau như âm-dương, vợ-chồng, hỏa-thuỷ, kim-mộc, quỷ-thần, vũ-trụ, không (gian)-thời (gian), không-có, tượng-hình, tình-lý, thể-dụng, chẵn-lẻ hoặc cơ ngẫu hay tinh thần-vật chất, dĩ vãng-tương lai, v.v… tuỳ thời, tuỳ thể, tuỳ nơi mà gọi tên… nhưng cũng là Thiên-Địa (Trời-Đất), và chung quy cũng là Nhất Thể hay Nhất Bổn. Do đó Việt mình mới nói : "Nhất bổn tán vạn thù ; vạn thù quy nhất bổn" còn Nho thì nói : "thiên địa vũ trụ vạn vật nhất thể" hay "nhân tâm thiên lý hồn nhiên nhất thể". Nói cách khác Thiên-Địa-Nhân chính là "Tam Tài Nhất Thể".
Thiết tưởng cũng cần nhắc lại ở đây một cách giới hạn trong khuôn khổ bài viết này cái ý nghĩa bao la của những chữ Thiên, Địa, Nhân còn gọi là Tam Tài, mà tôi nghĩ hầu hết người mình đã hiểu bằng nhục ảnh với con mắt hay với lý trí một cách đơn giản như Thiên là Trời với nghĩa trời cao tận mây xanh, còn Địa là Đất với nghĩa đất giẫm dưới chân và trải ra trước mắt, còn Nhân là người ta mà mình nhìn thấy như ông đi qua bà đi lại. Nên đó là lối hiểu thông thường của đại quần chúng, vì không có học Đạo nên còn đầy thiếu sót để đừng nói là sai lạc đối với nghĩa nguyên thuỷ rất bao quát và phổ biến. Cho nên ở đây tôi chỉ mạo muội diễn tả theo sự hiểu biết giới hạn cái nghĩa chính của ba cái chữ Thiên-Địa-Nhân đó.
Nói một cách nôm na Thiên có nghĩa là cái Tính Thể vô biên nên còn mập mờ chưa rõ nét để có thể thành hình (ý niệm) trong lý trí, vì thế kinh Dịch viết : "tại thiên thành tượng" ; do đó để có thể hiểu chữ Thiên tổ tiên đã dùng hình tròn (thiên viên) làm biểu tượng với hình ảnh "Mẹ Tròn". Nên "Mẹ Tròn" không phải là mẹ có thai, có bầu với cái bụng phình tròn như có người đã tưởng lầm và hiểu sai, nhưng Mẹ Tròn chính là ý nghĩa Thiên với nguyên lý Mẹ.
Hay nói cách khác "Thiên chỉ thị bình diện vũ trụ có tính cách phổ biến, vượt không gian, nên được quan niệm như cái gì trống rỗng, thái hư nhưng lại chứa vô cùng những khả thể chưa hề xuất hiện chưa hề mặc lốt hình nên được quan niệm là sẽ đến, vì thế Thiên đi với tương lai." (Kim-Định/VTNL), nên Thiên chỉ tinh thần hay cõi âm vô hình, vô biên… chỉ tiềm thức (Chí). 
Nhưng nghĩa chính của chữ Thiên là (nơi xuất phát ra) cái gốc của Đạo (Thiên Đạo= Đạo Trời), như câu : "Đạo chi bổn nguyên xuất ư Thiên" ; hay là nghĩa Trời sinh Đức nơi ta : "Thiên sinh ư Đức dư" ; hoc "Thành giả Thiên chi Đạo dã" : có nghĩa thành giả tức thành người là do Đạo Trời. Nên mấy câu đó cho ta thấy cái nghĩa chính của Thiên là ý nghĩa Đạo, Đức, Nhân là do Trời, tức do con người Đại ngã Tâm linh chứ không do ý thức của con người tiểu ngã.
Còn Địa là cái "khả thể" của Thiên một khi đạt viên mãn (Dung) thì thành cái Dụng tức là cái hữu hình, hữu hạn (địa phương) như Kinh Dịch viết : "tại địa thành hình" ; do đó biểu tượng của Địa là hình vuông (tứ địa) và hình ảnh "Con Vuông" được dùng để biểu thị cho Đất. Nên nghĩa của Địa chỉ ý thức (Ý) là bình diện lý trí thuộc vật chất, nghĩa là những năng lượng dính liền với vật lý, với thiên nhiên, đã có hình tích, nên gọi là dĩ vãng. Do đó mới có thành ngữ "Mẹ Tròn Con Vuông" là có ý muốn nói cầu chúc cho ai đó thành Nhân, tức thành Người. Vì con người không sống ý thức với Nhân tính nơi mình thì chưa phải là Người !
"Nhân là gì ? Thưa là "thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội", nghĩa là có một cái nhịp, tuy mới là tiết nhịp uyên nguyên còn rất phổ biến như thiên địa, âm dương, quỷ thần… Nhưng sau đó lại có thêm một động tác là giao, là hội… Như vậy tuy còn rất mung lung nhưng ít ra cũng có cái sơ nguyên tượng (hốt hề hoảng hề kỳ trung hữu tượng) thì con người đã có thể y cứ. Và khi nói "Cứ ư Đức, Y ư Nhân" thì ta mới hiểu rằng phải cứ vào cái Đức phổ biến, cái Đức của Đất của Trời, nghĩa là "lớn lao cao cả" nhất. Đó gọi là "thiên địa chi đức", rồi xác định thêm một đợt nữa : cái Đức đó biểu lộ ra bằng tác động giao, hội. Tuy còn mung lung lắm vì là âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, âm dương thì đâu không có, quỷ thần cũng vậy "thần vô phương" biết đâu là cõi bờ, thế nhưng nếu xác định thêm sẽ trụt xuống hàng tư riêng cá biệt thì tức là nơi bé nhỏ co thắt mà người ta tạm gọi là lý tưởng, là nhân đức." (Kim-Định/Tâm Tư)
Do đó mới nói : Nhân giả kỳ Thiên Địa chi Đức, tức Người là cái Đức của Thiên Địa, hay Nhân là cái Tâm của Thiên Địa : "Nhơn giả Thiên Địa chi Tâm dã". Nói cách khác Nhân là sự giao hỗ tụ hội của hai khía cạnh Thiên Địa làm nên Tính Bản Nhiên, vì con người không là một bản thể cô lập, cố định đứng ngoài Trời Đất mà chính là cái Đức, cái linh lực của Trời Đất. Hay còn có thể nói người chỉ là tương quan của âm và dương, nên quan trọng là ở nơi phát xuất tác động : giao, hỗ của hai nguồn linh lực Thiên Địa đó nơi con người, cho nên bản chất của con người cũng chính là biến Dịch.
Phải Vô thể mới Có thể biến hóa (Dịch) để hội thông trong Nhất thể. Đạt độ biến dịch cùng cực gọi là "Dịch vô thể", tức không có gì cụ thể để gây ứ đọng mới thực là biến dịch. Đó là ý nghĩa sâu xa tại sao gọi người là "Thiên Địa chi Đức". Phải là Đức, là linh lực vô thể mới biến hóa được. Phải là Đức của Trời cùng Đất thì tầm biến hóa mới thâu khắp hoàn vũ, xê dịch cùng nơi, không đâu không ở : "vô hồ xứ giả", Trời cũng như Đất. Thần có vô phương thì Dịch mới vô thể. Dịch có vô thể thì mới đạt Thần. Thần với Linh là một. Người ta quen gọi là Thần Linh. Hiểu được Thần là hiểu được Linh, tức cũng là hiểu được Nhân Tính. Nên Nhân Tính là tiến đến chỗ làm con người cho hết các chiều kích của người, tức chiều kích vô biên để đáng gọi là "nhân linh ư vạn vật".
Nói cách khác phải tiến hoá cùng cực (chí trung) mới nói được câu : "vạn vật giai bị ư kỷ" nghĩa là "vạn vật có đủ nơi mình". Vì vậy khi bảo phải trở lại với mình "doãn chấp kỳ trung" là bảo trở lại với nguồn mạch uyên nguyên tinh ròng phong phú đầy hoan lạc không gì sánh kịp. Nên chỉ khi nào đạt ý thức biến dịch hay cảm thức được người như tương quan giữa Trời cùng Đất, thì mới thành Nhân, mới là chân Nhân.
Nên vong thân là đánh mất tương quan, đánh mất biến Dịch tức cũng là đánh mất Nhân Tính. Vì Nhân Tính cùng với Đạo Thể là Toàn Thể Viên Dung, và vì Nhân thiết yếu bao hàm linh, mà linh là cái gì tham dự vào Toàn thể gọi là Tâm linh. Vì vậy để tránh vong thân "phải thân nhi thành". Để tránh "vật giao vật" phải đạt "thiên địa nhân giao hỗ kỳ căn". Tam tài giao nhau ở căn để chứ không ở vòng ngoài. Vòng ngoài là vật giao vật. Vòng trong mới là giao hỗ kỳ căn. Căn là Tâm con người. Vì thế mới nói "tâm chi quan tắc tư". Và chỉ có cái Tư trên căn để đó mới đắc đạo, đắc lý, đắc nguồn suối tuôn trào sáng láng và mạnh mẽ. Vì vậy mới nói : "Thiên địa chi tâm nhân nhi dĩ hĩ", nghĩa là đạt được Tâm của Trời Đất tức là đạt được Nhân vậy.
Ở trên đã nói dĩ vãng thuộc Địa, tương lai thuộc Thiên, còn hiện tại ở đây và bây giờ là thuộc của Nhân. Nên nói "Nhân là nói đến sự cảm thức được mọi giao thoa của Thiên Địa (hay dĩ vãng và tương lai) tức là cảm thấu triệt và hiện thực được bằng cái Đức, cái linh lực tức cái sống sung mãn. Khi đạt trình độ đó thì là đạt lối sống của con người toàn diện bao gồm cả dĩ vãng (hiện tượng) cả tương lai và những khả năng vô tận nhưng còn tiềm ẩn. Muốn được thế cần phải phát triển đồng đều và đầy đủ Ý, Tình, Chí đi với Địa, Nhân, Thiên. Tuy nhiên con người thường chỉ sống hời hợt có mặt ngoài theo những hiện tượng, ít khi đi lên được hai đợt sau. Sự sống đó ta kêu là lý hay nói theo danh từ triết là ý niệm. Ý niệm là ảnh hình của các vật thể riêng rẽ cá biệt nên sống theo ý niệm gọi là sống tán tức thiếu mối liên hệ với toàn thể vũ trụ, vì mối liên hệ này chỉ khởi xuất từ khi địa (ý niệm) giao thoa với thiên (chí) qua nhân (tình) nên cũng là nơi giao hội của trời cùng đất." (Kim- Định/VTNL)
Đó là ý nghĩa nguyên thủy của Tam Tài với Thiên-Địa-Nhân, mà tôi gọi là "Triết lý Bà Ba" (Bà vì là nguyên lý Mẹ, và Ba vì là Tam Tài ; nên chiếc áo Bà Ba là cũng từ đó), và người mình gọi là "Đạo Ba". Vì vậy tổ tiên đã đúc kết vào ngôn ngữ và ẩn giấu qua ca dao để chuyên chở cái Đạo "ba sinh" đó (ba sinh=Thiên Sinh, Địa Sinh, Nhân Sinh, hay còn nói Thiên Sinh, Địa Dưỡng, Nhân Hòa) vào Đời hầu nhắc nhở người ta sống "Đạo làm Người" :
Cùng nhau cho trọn đạo ba
Thà là lìa thác, chẳng thà lìa sinh
Làm người giữ trọn đạo ba
Sau dầu có thác cũng là thơm danh
Gặp em đây, anh dặn mấy lời
Ba sinh hương lửa, muôn đời chớ quên.
Chẳng qua duyên nợ ba sinh
Mơ màng ngó xuống cõi trần làm chi
Dù cho đá nát, vàng phai
Ba sinh phải giữ lấy lời ba sinh
Tình còn vương nợ ba sinh
Tình ơi (!) Có gỡ cho tình mấy không
Nhớ lời hẹn ước ba sinh
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai (?)
Mới hay duyên nợ ba sinh
Nhà giàu cướp cả cái tình đôi ta
Ví chăng duyên nợ ba sinh
Vào chùa thắp một tuần hương
Do đó người mình mới nói ba điều bảy chuyện mà lúc nào cũng đệm với ba cái chữ Ba đến độ làm cho ai đó lấy làm chủ đề cho bài phiếm luận trên, và không những nêu lên thắc mắc về nguồn gốc chữ Ba mà còn lại hỏi tại sao lại đi nói : ba chân bốn cẳng hay ba chìm bẩy nổi hay ba hồn chín vía. (?)
Thưa vì tổ tiên đã quan niệm những số lẻ 1, 3, 5, 7, 9 chỉ Thiên, là số Trời, và những số chẵn 2, 4, 6, 8, 10 chỉ Địa, là số Đất, là những "huyền số" vì Thiên với Địa ở đây hiểu theo đợt căn cơ là âm dương, chẵn lẻ hoặc cơ ngẫu, không phải để đo khối chất đếm số lượng nhưng để biểu thị phẩm tính nên nó rất uyển chuyển, lưu linh chứ không là số của toán học có giá trị vật chất tuyệt đối. Nên khi nói ba chân bốn cẳng thì "ba" có nghĩa là Trời và "bốn" có nghĩa là Đất, tức có ý nói chạy mau (lẹ) như quỷ thần, vì con người là "quỷ thần chi hội" theo như định nghĩa ở trên.
Còn tại sao lại nói ba chìm bẩy nổi ? Thưa như theo quan niệm vừa nói trên thì số 3 là số Trời, số 4 là số Đất nên 3 với 4 thành 7. " Số 7 chỉ con người đạt cả nội thánh (3) và ngoại vương (4). Có vượt được 7 nấc thang tiến hóa đó thì lúc nhắm mắt xuôi tay, việc đưa xác xuống đặt dưới đất mới có ý nghĩa là trở về địa mẫu. Vì Địa mẫu cũng chính là "hoàng thiên hậu thổ". Và hai chữ "thiên viên" số 3 cộng với "địa phương" số 4 lại xuất hiện lần cuối cùng dưới hình thức chùm sao "thất tinh" được khắc trong cái hòm, để làm thành cái xe long mã Hà Đồ chở Người sang cuộc đời sinh sinh bất tuyệt. Và vì thế giờ chết được gọi là lúc "sinh thì", nghĩa là lúc khởi đầu cuộc sinh sinh, tức trở lại với Toàn thể Viên Dung nơi hội thông của Tam tài: Trời Đất, Người tượng bằng Thập tự nhai đặt giữa Lạc thư." (Kim- Định/Tâm Tư)
"Kinh Dịch nói phất phơ: "thất nhật đắc" (sau 7 ngày sẽ đắc đạo), và trong quẻ Phục, tượng viết: "phản phục kỳ đạo, thất nhật lại phục"… Cái đạo lý của sự trở về là đến đợt thứ bảy sẽ tới tự do lai suất (tức Nguyên tính của mình)". (Kim- Định/VTNL)
Cho nên thành ngba chìm bẩy nổi có ý muốn nói sự dằng co giữa sự muốn quy tâm hướng thiện và tánh ù lì tự nhiên không muốn tu thân trong mỗi người. Nhưng sau này người ta không còn ý thức phải tu thân nên chỉ còn hiểu với nghĩa thông thường là trôi theo dòng đời (lưu tục) lênh đênh không chiều hướng vì đầy trở ngại khó khăn.
Còn tại sao lại nói ba hồn chín vía ? Để có thể hiểu đúng nghĩa câu nói này tôi xin trích lại sau đây đoạn nói về "hồn" với "vía" vì phần đông người mình hay nói thuộc lòng hai chữ "hồn vía" này mà ít ai hiểu rõ vấn đề này trên bình diện triết lý để có thể phân biệt được :
Thiên - Địa - Nhân
"Con người được định nghĩa như là “thiên địa chi đức” thì trong câu “tinh khí vi vật” chỉ cái đức của Địa. Con câu “du hồn vi biến” chỉ cái đức của Thiên. Du hồn kết hợp với tinh Khí làm nên con người. Nói kiểu thông thường thì tinh khí là xác thân còn du hồn là hồn linh. Tuy hồn linh là tinh thần nhưng phải tuân theo luật biến dịch : nhất hạp nhất tịch : một đi vào thế giới vật chất, một nữa cùng với vật chất thăng hoa đi vào thế giới thần linh.
Vì thế mà cần phải “du” là đi xuyên qua những gì ? Theo Kinh Dịch thì hồn ở đợt thần, mà thần ở đợt âm dương “âm dương bất trắc chi vị thần”. “Bất trắc” không đo lường được, chỉ đo lường được từ khi có hình thái và chỉ có hình thái ở đợt tứ tượng. Với tứ tượng chúng ta mới khởi đầu có ý niệm về một vật gì, vì có ý niệm bao nắm một hình thái nào đó, vậy nếu mới là âm dương bất trắc thì cùng với thần là một, vì “thần vô phương” nên cũng bất khả đo lường. Nhưng vì hồn đã nằm trong cuộc biến hoá nên phải xuyên qua các đợt để đi hết một vòng : từ âm dương bất trắc xuống đến đợt âm dương khả trắc là xác thân hay những vật hiện ra hình tích ở các đợt giữa biểu thị bằng (2 ô) tứ tượng và bát quái. Những đợt đó trong con người sẽ gọi là “vía” và “phách”. Theo luật “loại tụ” thì một loại chỉ có thể tác động trong một bình diện khi có những khí cụ cùng một loại với bình diện đó. Thí dụ muốn tác động trên bình diện hiện tượng thì phải có khí cụ cùng loại hiện tượng và xác thân. Theo luật “loại tụ” này thì mỗi khi hồn đi qua đợt nào thì cần phải mặc cái vỏ làm bằng chất của bình diện ấy. Vậy khi hồn khơi cuộc du hành trong cõi biến hoá thì đợt đầu tiên phải bước vào là đợt từ vựng ở đây hồn mặc cái vỏ ngoài là “vía”." (Kim-Định/LTMT)
Nên khi nói "ba hồn" tức là có hồn của Thiên, của Địa với của Nhân là "ba", và "chín vía" vì số căn bản chỉ có tới 9 là tận cùng, nên số 9 (=3x3) chỉ Thiên với nghĩa biến dịch vô cùng. Vì vậy trong truyện nhân thoại ông Bàn Cổ có câu : "nhất nhật cửu biến" tức một ngày biến đổi chín lần, mỗi lần biến là lớn lên 10 thước, có ý nói cái sống của con người là cái sống biến hóa dâng trào cuồn cuộn chảy xiết như Trời Đất. Do đó tất cả không gian trở thành không gian sống, vũ trụ trở thành vũ trụ của con người tự làm lấy, thành giả tự thành dã, nhi đạo tự đạo dã (T.D. 25), tức là "tự thành, tự đạo" nên nói hơi ông Bàn Cổ thở ra thành gió, thành giông, cái liếc nhìn của ông thành sấm chớp là ý nghĩa Nhân chủ vậy. Cho nên ở đây  ba hồn chín vía có ý nói con người phải biết tự tài, tự tác, tự cường,… để sống biến hóa để "tự thành" Nhân với Trời Đất và như Trời Đất. Đó là ý nghĩa của quẻ Càn trong Kinh Dịch "Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức". Nhưng ngày nay con cháu đã không còn ý thức cái tuyệt học của tiền nhân thánh hiền là cái học Đạo (Đại Học chi Đạo), nên đã không thể hiểu nổi ba hồn chín vía là gì và chỉ còn biết nói đệm thuộc lòng chữ Ba một cách máy móc sai lạc xa với Đạo để đừng nói là tào lao !
Ước mong với những giòng hơi dài này nhưng còn nhiều thiếu sót là chút tia sáng để soi đường cho những ai muốn học Đạo để tìm về Cội Nguồn tức là tìm lại Nhân tính của mình. Và cách hay nhứt là : Tự thành minh vị chi tính ; tự minh thành vị chi giáo. Thành tắc minh hĩ ; Minh tắc thành hĩ (T.D. 21), “Tự Thành tới Minh là tính (tức tính tự nhiên, hiểu là lương tri chứ lý trí con người chưa có phần tham dự vào). Tự Minh tới Thành là giáo tức là giáo hóa, học hành, (tức lý trí con người đã có tham dự vào rồi), tôi gọi đó là triết, triết mà tới minh thì là Minh Triết tức có sự tham dự của lý trí và thành tựu.” (Kim- Định/TPĐN)
Nguồn: Anviettoancau

No comments:

Post a Comment

Popular Posts