Sunday, November 21, 2010

Tu hay sửa mình

Năm ấy, mùa thu có một người đem dâng cụ (Nguyễn Đức Cần) cuốn kinh “Hồi dương Nhân quả”. Đó là một câu chuyện kể về thiện sỹ Lâm Tự Kỳ bị quỷ vô thường bắt nhầm và sau đó được trở về dương thế…
Cụ đã cho chúng tôi đọc cuốn kinh sách đó.
Sau đây chúng tôi xin lược ghi lại đoạn nói về việc tu hành:
…Lâm Tự Kỳ tâu:
”Tôi cảm ơn vương gia cho sống lại, từ nay sắp tới quyết chí tu hành.Song chưa biết lớp lang điều nào làm trước cho đúng cách?”

Tần Quảng Vương phán rằng:
“Đạo là ngũ đại: Chúa - tôi, cha - con, chồng - vợ, anh - em, bằng hữu (bạn bè) cũng trong năm bậc ngũ luân, chớ không có điều chi lạ.
Sao gọi là đạo chúa - tôi?
Phàm làm quan thì trước phải ngay chúa, thương dân, ở trong triều hay trấn cõi ngoài, đều giữ theo luật cho xứng chức phận, hết lòng hết sức,cứ lẽ công bình mà quên tư vị, lo việc nước mà quên việc nhà ấy là theo bực chức phận. Còn dân dã thì lo cho đủ xâu thuế, không phạm phép nước, giữ bổn phận thảo thuận, ngay chính thật thà, giữ theo lễ nghĩa, nhà ở nhân nhường, khuyên dạy quê khờ, giữ gìn phong hoá. Ấy là bậc chúa - tôi.
Còn đạo cha - con, làm cha nuôi con thì phải dạy thương con thì phải tập cho nó cần lao hoặc dạy sách kinh cho thông đạo lý hoặc dạy ruộng rẫy, buôn bán nghề nghiệp làm ăn. Chẳng nên cưng hư,chớ tập lũ hoang đàng bài bạc. Còn làm con, lo nuôi dưỡng kính yêu cha mẹ, việc lớn thì lo ăn học nên danh cho cha mẹ vinh hiển, ở thanh liêm ngay thẳng cho cha mẹ được tiếng khen,kế đó phải rán sức hết lòng mà nuôi cha mẹ, ăn mặc cho xứng đáng tuỳ theo sức mình, giàu sang thì dâng mùi ngon ngọt và chiều lòng cho cha mẹ vui, đừng để cha mẹ bất bình mới trọn thảo. Nếu nghèo khó muối dưa hẩm hút, cũng nuôi cha mẹ đẹp lòng,liều thân trâu ngựa mà đền ơn cúc dục. Chớ ỷ một sự nuôi mà không kính lễ. Còn phải biết, thân vóc này là thịt xương của cha mẹ chia cho,nên phải thủ thân, chẳng dám huỷ hoại thân thể và cũng không dám làm quấy cho nhục cái vóc của cha mẹ sinh thành, mới là trọn thảo. Ấy là đạo cha con như vậy.
Còn chồng - vợ, phải phân biệt, chồng lo việc ngoài, vợ lo việc trong cho đúng cách. Chồng cầm quyền vợ, song phải lấy lễ nghĩa mà đãi nhau, đừng bỏ phép mà mày tao mi tớ, hoặc chồng ỷ quyền mà đánh hiếp vợ, hoặc vợ vô lễ mà sỉ nhục chồng. Chồng trọng vợ tại đức hạnh, chẳng nên mê sắc. Vợ kính chồng như thờ chúa, phải giữ đạo tôi, vợ chồng thuận hoà, thì nên gia đạo. Chồng dạy vợ hiền kính cha mẹ chồng cho dâu sẽ bắt chước, hoà thuận chị em dâu thì trong nhà hết sinh  nghi. Chồng dạy thì vợ phải nghe mới gọi xướng tuỳ trọn đạo. Ấy là tu việc vợ chồng.
Còn như anh - em, chị - em cùng một chỗ mà ra, một máu một thịt như tay chân, thể như các nhánh cây cùng chung một gốc. Nếu anh đau như em đau, coi như một vóc, dầu sự may rủi, sự vui sự buồn cũng chung cùng nhau một thể. Như cha mẹ còn mà anh em hoà thuận,thương yêu nhau thì cha mẹ vui mừng lắm. Tuy cha mẹ đã khuất, ngó thấy anh em, cũng như thấy cha mẹ, thương anh em cũng như thương cha mẹ. Nói tắt một điều: cha mẹ, anh em là trời định, không đổi dời được, còn vợ con là ở sau, tại nơi người định, nên đổi dời được. Vi vậy chẳng khá trọng vợ con mà khinh anh em, chớ khá vị tình sau mà quên nghĩa trước, thì tu việc anh - em rồi.
Còn bầu bạn cũng đứng vào năm bậc nhân luân là cớ làm sao vậy? Mình chưa làm việc lỗi, nhờ bạn trách mới bỏ. Việc làm nên hư, lợi hại, phải quấy của mình, có khi cha mẹ, vợ con nói không được vì không nỡ nói, mà bạn dám nói. Có việc cấp nạn, cha mẹ vợ con cứu không được mà bạn lo được, cứu được. Cho nên con người không nên chẳng có bạn đạo nghĩa, cho nên kêt bạn, nói phải chắc chắn nghìn lời, lâu ngày cũng chẳng quên nhau. Mình ở trọn đạo với bằng hữu, tự nhiên bằng hữu giúp lợi ích cho mình. Tu xong cái đạo bằng hữu thì năm bậc đại nhân luân trọn rồi.
Người tu hành chẳng luận bỏ nhà hay ở nhà, gái trai, già trẻ,cũng không luận sang hèn, giàu nghèo hoặc trôi nổi hoạn nạn. không người nào mà tu chẳng được, không chỗ nào mà tu chẳng được, không thủa nào mà tu chẳng được. Tại nơi mình, tuỳ theo bổn phận trong lòng cho an. Mình có dư coi như còn thiếu, chớ sinh lòng kiêu căng, xài phí quá chừng. Mình tuy thiêú coi như có dư, đừng sinh dạ tham, ước mơ quá lẽ. Ở với người cứ một chữ Dung. Trị trong nhà nhớ trăm câu Nhịn. Nếu ai ở điều chi quấy quá, mình hết lòng tìm kiếm cho ra chỗ phải của người. Mình ở điều chi phải nhiều, mình hết sức xét suy cho ra chỗ phải còn thiếu. Lo cần kiệm là đầu sinh ý, giữ hiếu đễ là cội tu thân, lại còn bố thí giúp đời, làm lành chẳng mỏi. Làm được vậy trọn đời, gìn chay tốt, không gìn cũng tốt. Niệm phật linh, không niệm cũng linh.
Việc ăn chay là ép xác sửa lòng, miễn là làm 10 điều lành, lánh 10 điều dữ thì đủ rồi. Nếu ăn chay niệm phật mà 10 điều dữ không bỏ, 10 điều lành không làm chẳng những không phúc, không công mà lại nhiều tội, nhiều lỗi. Nếu chân tu thì phải sửa mình, giữ đạo là thứ nhất, bố thí ăn chay là thứ nhì. Cái nào cũng quý tại chữ Tâm, bố thí khó tại lòng Nhân, không khó đều ra có của. Ăn chay khó tại lòng Chính, không khó miệng cữ kiêng.
Ấy là lời khuyên của trẫm. Xin thiện sỹ rán lên.

Cụ có dạy chúng tôi rằng: Cuốn kinh "Hồi dương Nhân quả" là kinh tu tắt.
Có lẽ vì lời giảng truyền rất gần gũi với cuộc sống đời thường, với những con người bình thường như chúng ta.
Và cụ dạy thêm rằng: tu là việc khó, nên điều trước tiên là phải biết sửa mình.
Nguồn: http://my.opera.com/nguyentaiduc49/blog/?startidx=130

No comments:

Post a Comment

Popular Posts