Friday, December 24, 2010

“Dạ thưa, Nguyễn Huệ phá tan quân Mông Cổ”

Được mệnh danh là người "tiếp thị" chất xám Việt Nam vì đã và đang thực hiện chương trình 50 tiến sĩ bằng học bổng Quốc gia. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng - nhà giáo, nhà khoa học giảng dạy ở những trường đại học danh tiếng trên thế giới, người am hiểu về hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến cũng như nắm bắt tường tận về nền giáo dục của Việt Nam đã có những đề nghị cụ thể về những vấn đề rất “nhạy cảm” hiện nay cho ngành giáo dục ở nước ta.

Tamnhin.net xin giới thiệu tới bạn đọc ý kiến của vị giáo sư đầy tâm huyết này.

Cái gì cũng muốn quản lý nhưng không có thực lực

Giáo dục nước ta cần phải đổi mới tư duy. Theo tôi để làm được điều này trước hết phải đoạn tuyệt với lề lối tập trung quan liêu, nói nôm na là thói quen ôm đồm, cái gì cũng muốn nắm, cái gì cũng muốn quản lý mà không có khả năng, không có tài lực, không có phương pháp.Lãnh đạo và quản lý tốt phải đồng nghĩa với phục vụ tốt. Phục vụ muốn có hiệu quả thì phải mở cơ chế cho thật thoáng để tăng cường khả năng phục vụ. Đây là nguyên tắc làm việc của các nước tiên tiến có trình độ phát triển cao.




Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng với bạn bè quốc tế


Chẳng hạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần nhanh chóng trao quyền tự quản cho các trường đại học, bắt đầu bằng những trường trọng điểm, những trường lớn. Quyền tự quản này bao gồm quyền tuyển sinh, cấp bằng, quản lý và bổ nhiệm nhân sự, tổ chức và kế hoạch việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học… Bộ chỉ dừng lại ở quản lý khung: ngân sách, học trình quốc gia, chế độ, thanh tra giám sát, hiệp thương hợp tác quốc tế trên bình diện vĩ mô, vv...

Có bằng tiến sỹ là có tài?

Tư duy giáo dục hiện nay chạy theo thành tích, theo con số, theo hư danh. Chính tư duy có "tính phong trào “ này đã dẫn đến tâm lý sính đại học. Mấy năm gần đây tại các đại học, các viện nghiên cứu lại đào tạo tràn lan, ông thạc sĩ này ông tiến sĩ nọ có danh nhưng không có thực chất.  Đào tạo cán bộ giảng dạy cao cấp mà không cẩn thận thì sẽ có tác hại lâu dài đến hàng chục thế hệ.

Ta phải trở về thực học để đào tạo người có thực tài. Ta phải trở về với quan điểm truyền thống của dân tộc Việt: Nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Bởi vì người có bằng tiến sĩ chưa chắc đã là người có thực tài! Có nhiều tiến sĩ hiện nay tuy được đào tạo bài bản nhưng lại phải đang “hành nghề khác”, hay không nghiên cứu thêm, chỉ làm quản lý. Như vậy thì rất phí phạm vì chẳng đóng góp được gì cho khoa học, cho giáo dục. Cũng có những tiến sĩ chỉ nghiên cứu mà không tham gia giáo dục đào tạo thì những gì mình nghiên cứu được cũng sẽ bị lãng phí.

Phụ huynh Việt Nam coi thường cao đẳng

Ở đây tôi tâm đắc với ý kiến là cần phân luồng, phân tầng trong việc học. Và việc này cần bắt đầu từ trung học. Tôi thấy tại Việt Nam còn quá ít các trường cao đẳng, trường chuyên nghề, đặc biệt các trường kỹ thuật công nghệ với thời gian đào tạo ngắn hạn. Tôi biết hiện nay tâm lý phụ huynh là coi thường cao đẳng. Nhưng tâm lý này sẽ khắc phục không khó nếu các trường cao đẳng gắn bó với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, có cơ chế liên thông rõ ràng minh bạch, nếu các trường tăm tiếng có quyết tâm tham gia thực hiện cơ chế này. Phụ huynh nào lại chả muốn con mình nhanh chóng có việc làm giúp kinh tế gia đình, nếu con em mình sau vài năm cao đẳng, năng khiếu được lộ rõ qua kết quả cụ thể, được xét tuyển vào các trường lớn để đi xa hơn.

“Mềm đầu vào, cứng đầu ra”

Tôi cũng đồng ý với ý kiến là các trường đại học nên mềm đầu vào và cứng đầu ra, không tổ chức đào tạo như cái ống, mà đào tạo theo hình chóp.

Tại các nước phương Tây họ áp dụng nguyên tắc chủ đạo sau đây.

"Chỉ cấp bằng cho những người đạt trình độ". Họ quan niệm là cấp bằng cho người không đạt trình độ là chẳng những giúp tay làm hư hại xã hội mà trước tiên làm hư hại chính người được cấp bằng.  Bởi vậy thông thường đầu vào thì đông nhưng đầu ra thì không nhiều. Học viên hai năm đầu bị đánh rớt rất đông, cấm thi lại quá bốn lần. Như vậy, các em có điều kiện nhanh chóng đổi ngành, chuyển qua cao đẳng, cho phù hợp với năng khiếu của mình, không mất thời gian gây hao tốn cho xã hội và gia đình.

Quan điểm này có hệ luận là không cần phải tổ chức thi tuyển đại học nặng nề gây bất bình trong xã hội như hiện nay tại Việt Nam mà chỉ cần xét tuyển nhẹ nhàng qua quá trình học vấn cấp tú tài. Nếu cần xác định rõ hơn về trình độ thì nên tổ chức phỏng vấn trực tiếp để loại bỏ những học viên có hồ sơ với độ tin cậy thấp.




Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng trong đời thường

Hệ luận này kéo theo một hệ luận khác là phải tổ chức lại một cách nghiêm chỉnh hơn các kỳ thi tú tài ở trung học. Thi tú tài là xác định trình độ năng khiếu bậc trung học của học sinh. Việc xác định này cần được tổ chức chu đáo và đồng khắp trong đó tính khách quan và công bình phải được đảm bảo... Phải xóa bỏ tận gốc thói quen mà tôi hay bắt gặp tại Việt Nam: Ai cũng xuất sắc, ai cũng tiên tiến, ai cũng 10/10.  Thói quen này có lẽ phát xuất từ chỗ thiếu tự tin, ngại chịu trách nhiệm, không dám đánh rớt. Báo chí trong nước đã bao lần báo động việc này mà tôi chưa thấy biện pháp cụ thể khắc phục!

“Dạ thưa, Nguyễn Huệ đánh tan quân Mông Cổ”

Trong quá khứ, ta hay nói đến giáo dục tuyên truyền. Trong thời kháng chiến thì điều này là phù hợp, chính xác. Bởi buổi ấy đất nước còn bị trị, thành phần có ý thức trong các tổ chức cách mạng chỉ là thiểu số. Vấn đề giáo dục và tuyên truyền cho quần chúng theo đúng đường lối, lý tưởng cách mạng, để huy động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia cách mạng, đi kháng chiến cứu nước cứu nhà là yêu cầu hiển nhiên, là tối cần thiết vì đây là sinh mệnh của dân tộc. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn hội nhập, nếu ta tiếp tục có tư duy lẫn lộn giữa giáo dục và tuyên truyền thì ta không chóng thì chầy sẽ đi đến ngõ cụt của tri thức, đến tụt hậu của tư duy.

Bởi vì tuyên truyền, mang tính tình thế, là hướng đối tượng đi theo đường lối, chính sách của ta. Còn giáo dục đúng nghĩa mang tính nhân văn, lâu dài và phổ quát, lấy con người làm gốc, là phải làm sao tạo điều kiện để đối tượng có hiểu biết để họ hành sự như một thể độc lập, đủ khả năng thích ứng với sự thay đổi vô cùng của bối cảnh, của cuộc sống, của sự việc. Đó là điều tất yếu của cuộc cạnh tranh sinh tồn trong xu thế hòa nhập.

Giáo dục ở các nước tiên tiến luôn luôn đòi hỏi khả năng trao đổi, thảo luận, tinh thần phê phán phản biện. Bởi vì phải như thế học viên mới có óc sáng tạo, tự mình phát hiện cái mới, cái hay rồi hành xử theo điều kiện cụ thể.  Không độc lập trong suy nghĩ thì không cách gì cải tiến công việc, cải tạo cuộc sống, điều kiện của mọi phát triển bền vững.
Cho nên các nước phát triển, họ rất tối kỵ và không bao giờ dùng từ tuyên truyền đi đôi với từ giáo dục.

Tóm lại đổi mới tư duy trong giáo dục đào tạo, trước hết xoá bỏ mọi áp đặt, tuyên truyền, nhồi nhét, là làm thế nào để con em chúng ta có thể hấp thụ bài học một cách tự nhiên, tươi tắn, thoải mái. Các em phải hiểu, phải tiêu hoá được giáo trình, phải yêu thích nội dung, hình thức, tâm phục khẩu phục. Bài học phải linh động, khoa học, đi sát với cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Có như thế các em mới có thể tự tin, tự khám phá, tự vận dụng sáng tạo ra những sản phẩm mới, vươn lên gánh vác sự nghiệp xây dựng đất nước,
tranh đua với các dân tộc khác, hiện nay đang đi trước vì có nhiều may mắn hơn chúng ta.

Các nước tiên tiến, đặc biệt là ở Âu châu, đã làm được điều này, do vậy mà họ rất phát triển. Tại Việt Nam tôi có cảm tưởng tình trạng nhồi nhét kiến thức đã đem đến hậu quả bất ngờ, những phản ứng ngược.

Qua kinh nghiệm phỏng vấn 10 khóa tại TP HCM và 6 khoá tại Hà Nội, tôi thấy phần lớn các em đã tốt nghiệp kỹ sư, nhiều em ra trường 3, 4 năm rồi nhưng lại biết rất ít về lịch sử dân tộc, ngay cả danh nhân của tỉnh mình, làng mình họ cũng không để ý tới. Có em bảo với tôi là Trần Hưng Đạo đã chiến thắng quân Minh, Lê Lợi đã đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ đã phá tan quân Mông Cổ !!! Ngay cả lịch sử hai cuộc kháng chiến gần đây họ cũng rất lơ mơ. Tôi buồn quá nên đã có lần hỏi tại sao như thế? Khi các em không biết về lịch sử của chính dân tộc mình thì làm sao các em có thể làm tròn bổn phận của một công dân? Các em ấy đã trả lời thế này: “Thầy ơi, chương trình học vấn hiện nay quá tải, nhiều giáo trình áp đặt, nhồi nhét chán quá, tụi em học trả bài cho qua, học xong là quên hết”. Đó chính là phản ứng ngược. Và khi tuổi trẻ có phản ứng ngược như vậy là họ đã mất lòng tin, mất hứng thú trong việc học.

Và những tệ nạn, sao chép, gian dối đang hoành hành trong các kỳ thi tuyển sinh đại học có lẽ đã bắt nguồn từ đây.




Một vị giáo sư rất tâm huyết với nền giáo dục Việt Nam

Ta đang trả giá cho những chọn lựa sai lầm trong các quốc sách về giáo dục và đào tạo, bắt đầu đã gần hai thập kỷ qua !

Đến đây tôi xin mở một dấu ngoặc là tôi rất ngạc nhiên có người đánh giá tình trạng giáo dục Việt Nam qua những thành quả "Olympic" quốc tế. Tuy tôi rất trân trọng các thành quả này vì có, lúc nào cũng hơn không. Nhưng tôi được biết là các em tham gia "Olympic" quốc tế là những "gà nòi" được nuôi dưỡng dài hạn ở những địa điểm "đặc biệt", nhờ các chuyên gia đặc trách. Thành quả như vậy làm sao có tính tiêu biểu?

Một kinh nghiệm khác cũng cần nhắc đến ở đây.

Có lần một công ty phần mềm tính toán thiết kế cơ học hàng không ở Bỉ có nhờ chúng tôi giúp đỡ để chuẩn bị mở một công ty tương tự tại Việt Nam. Đã thuê phòng ốc tại TP HCM, đã đến giai đoạn gởi cộng tác viên sang Bỉ thực tập. Sau khi thẩm tra, họ quyết định không mở. Vì sao? Một trong những lý do là vì các kỹ sư Việt Nam không có tinh thần tự lập, sáng tạo. Học thì rất giỏi nhưng trước nghịch cảnh lại không có tư duy sáng tạo, điều tiết công việc. Người Bỉ trong việc kiểm tra đã cố ý đưa ra những bài toán đầu đề có chỗ sai. Sinh viên Bỉ họ sửa cái sai đó, trong khi sinh viên ta thì vẫn giữ cái sai đó và dĩ nhiên là giải sai luôn. Đó chính là sự khác biệt.

Kỳ 2: Nhà trường không đào tạo ra những người chỉ biết "vâng, dạ"


Nguyễn Đăng Hưng

No comments:

Post a Comment

Popular Posts