Saturday, June 20, 2009

Việt kiều được sở hữu nhà trong nước từ 01.09.2009

Hôm qua, 87,02% số đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai. Với kết quả này, sẽ có thêm nhiều người Việt định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà trong nước kể từ ngày 1.9.2009.

Nhiều thay đổi

So với quy định hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai bổ sung thêm ba nhóm đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép sở hữu nhà tại Việt Nam, đó là “người có quốc tịch Việt Nam”, “người gốc Việt Nam có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt” và “người gốc Việt Nam có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước”.

Theo luật, những trường hợp người còn quốc tịch Việt Nam, nếu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam. Các trường hợp người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước, nếu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì cũng có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.

Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng trên, nếu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.

Như vậy có thể hiểu, những người định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam sẽ được cùng lúc sở hữu nhiều nhà. Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định: “Về nguyên tắc cần có sự phân biệt về quyền được sở hữu nhà ở giữa các nhóm đối tượng, cũng như giữa các đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài với người đang sinh sống ở trong nước”. Báo cáo làm rõ hơn: “Một nhà đầu tư trực tiếp (người gốc Việt – PV) có dự án đầu tư ở TP Hà Nội và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nếu có nhu cầu nhà ở riêng thì có thể được mua và sở hữu nhà ở cả hai địa phương trên”. Tương tự, một nhà khoa học (người gốc Việt – PV) làm việc cho cơ sở khoa học tại TP.HCM và TP Đà Nẵng nếu có nhu cầu nhà ở riêng thì cũng có thể được mua nhà ở hai địa phương trên. Theo báo cáo của Chính phủ hiện có khoảng 70% trong tổng số hơn 3 triệu người Việt định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch VN.

So với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai do Chính phủ trình ở đầu kỳ họp, QH đã mở rộng thêm quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, đó là được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam còn có các quyền khác như: chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, đổi, để thừa kế nhà ở; thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở trong thời gian tạm thời không dùng để ở. Luật này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.9.2009.

Công chức phải đền tiền nếu gây thiệt hại

Cùng ngày 18.6, QH đã biểu quyết thông qua 4 dự án luật khác là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Trong hoạt động quản lý hành chính, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước liệt kê 12 trường hợp mà Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, bao gồm việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính; không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép, văn bằng bảo hộ cho đối tượng có đủ điều kiện...

Luật quy định, đối với hoạt động tố tụng hình sự, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong 7 trường hợp: Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; người bị tạm giam, người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội; người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù có thời hạn mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội...

Viện kiểm sát cũng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu đã phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ của cơ quan điều tra có thẩm quyền nhưng người bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật; đã phê chuẩn lệnh tạm giam của cơ quan điều tra có thẩm quyền hoặc ra lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam mà sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội...

Luật cũng quy định, người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2010.

Điều 32 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa quy định, khu vực bảo vệ di tích bao gồm khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II. Khu vực I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, còn khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I. Khoản 3 của điều này ghi: “Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó. Việc xây dựng công trình không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.


Xuân Toàn
Theo Thanh Niên Online

No comments:

Post a Comment

Popular Posts