Sunday, December 12, 2010

Khám phá kho báu trống đồng cổ Việt Nam

Tôi vốn không am hiểu về đồ cổ, với trống đồng lại càng mù tịt. Thế nhưng sau khi đọc cuốn “Kho báu Trống đồng cổ Việt Nam” (In song ngữ Anh – Việt, của nhóm tác giả Nguyễn Đình Sử, Đỗ Phấn, Nguyễn Xuân Lâm), tôi thấy như bừng tỉnh trước những điều huyền diệu mà chiếc trống đồng cổ đem lại.
Những người làm sách không định tiếp cận ở khía cạnh khảo cổ học mà chọn cách đưa ra những gợi mở khách quan để người xem thưởng thức nghệ thuật tinh xảo, huyền bí với trình độ thẩm mĩ rất cao trên chiếc trống đồng của tổ tiên chúng ta.
Hơn thế nữa, họ đã chỉ ra một nền văn minh thâm hậu, cổ kính và thăm thẳm của cha ông ta ngàn đời trước qua những hình ảnh sinh hoạt, nghi lễ, phong tục, sự vật… được các nghệ nhân tài hoa vô danh thi triển trên chiếc trống.
Bằng cách sắp xếp, phân loại theo niên đại từng loại trống với những đặc điểm khác biệt về tạo hình, cấu trúc, thẩm mĩ, một bức tranh mang tiến trình lịch sử  và văn hóa của người Việt cổ đại cuồn cuộn dâng lên.
Những câu hỏi về văn hóa, lịch sử cổ đại của dân tộc Việt vốn bị khuất lấp về mặt văn bản học thì nay hiện lên mồn một qua những lý giải hết sức thuyết phục của nhóm tác giả.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất giúp ta cảm nhận được đó là, nhóm tác giả đã chỉ ra trên trống đồng nền văn minh lúa nước của người Việt, để phân biệt đây là trống đồng thuần Việt khi so sánh với trống đồng Lào, Trung Quốc và các nước trong khu vực. Nhóm tác giả đã chỉ ra bông lúa và hạt thóc là những hoa văn chủ đạo để chứng minh một cách thuyết phục điều đó.

Những câu hỏi hết sức quan trọng như tín ngưỡng của người Việt cổ, công cụ lao động, sinh hoạt, sản xuất, chiến đấu, nghi lễ… của cha ông ta đã được những chiếc trống trả lời.

Hạt lúa, lá lúa, bông lúa… những hoa văn chủ đạo trên trống đồng thể hiện nền văn minh lúa nước từ lâu đời.
Hạt lúa, lá lúa, bông lúa… những hoa văn chủ đạo trên trống đồng
thể hiện nền văn minh lúa nước từ lâu đời.

Trống đồng được coi là "Quốc bảo"

Lại nữa, cha ông ta ra biển từ bao giờ? Đã tiến được bao xa, chinh phục những hòn đảo ở khoảng cách nào… thông qua kích cỡ, quy mô của các con thuyền, số lượng thủy thủ? Điều này thật có ý nghĩa khi hôm nay những vấn đề về biên giới, biển đảo Việt Nam đang là công việc thời sự của đất nước.
Hàng nghìn bức ảnh, bản rập bằng phương tiện kỹ thuật số đã cho ta những hình ảnh sắc nét, sáng sủa, dễ dàng tiếp cận ở khoảng cách gần từng hoa văn, họa tiết, tạo hình… Kèm theo đó là những lý giải khách quan và nhã nhặn, những câu hỏi gợi mở và trả lời không áp đặt, đơn giản mà khoa học nên không chỉ chinh phục người đọc thông thường mà còn cả những nhà nghiên cứu về trống đồng hàng đầu của Việt Nam.
Một góc con thuyền lớn người Việt cổ dùng đi biển
Một góc con thuyền lớn người Việt cổ dùng đi biển

Nhà thơ Pháp Paul Eluard từng nói, đại ý: “Sự khôn ngoan khiến người ta tồn tại, nhưng chính sự đam mê mới giúp người ta sống". Tôi hình dung nhóm tác giả cuốn sách “Kho báu Trống đồng cổ Việt Nam” đứng đầu là ông Nguyễn Đình Sử, nhà sưu tầm cổ vật và cũng là một doanh nhân, có được sự đam mê để sống ngoài sự khôn ngoan để tồn tại ấy.
Người xem thấy ở đây những hiểu biết sâu sắc và tấm lòng bền bỉ với một hiện vật được coi là “quốc bảo” của nước ta.
Những người không có điều kiện sở hữu hoặc tiếp cận chiếc trống đồng cổ Việt Nam đích thực, thì chỉ  cần cầm cuốn sách này, sẽ có một bộ sưu tập phong phú và tin cậy; một “kho báu trống đồng cổ Việt Nam” cho riêng mình.
Hữu Việt
Nguồn: bee.net.vn

No comments:

Post a Comment

Popular Posts