Thursday, July 23, 2009

9 Điều nên làm để có được một “tuổi già xanh”

Bà ngoại 1. Ăn uống

“Bệnh tòng khẩu nhập”, bệnh tật đi vào cơ thể chúng ta qua đường ăn uống, thật vậy, khi chúng ta đưa vào cơ thể những thức ăn uống độc hại không sớm thì muộn cơ thể sẽ bị bệnh.

Tuy nhiên, nói như thế cũng oan cho “cái miệng” bởi vì cũng từ đó chúng ta có thể đưa những thức ăn uống hợp lý, bổ dưỡng cùng với các loại thuốc, các vitamin cần thiết để có sức khỏe sung mãn và tinh thần minh mẫn, khi ấy câu nói trên phải sửa lại cho công bằng là “khỏe tòng khẩu nhập”! Ăn uống, một nghệ thuật dưỡng sinh rất quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe, đặc biệt đối với người cao tuổi, chúng ta phải chú ý đến vấn đề ăn uống hằng ngày để có được “tuổi già xanh”.

2. Thở

Quá trình lão hóa sẽ làm cho chức năng hoạt động của các cơ quan bị suy kém, trái tim đập yếu đi, phổi thở yếu đi, các mạch máu xơ cứng, hẹp lại làm giảm lượng máu lên não gây nên hiện tượng thiếu máu và oxy ở não. Khi não bị thiếu máu và thiếu oxy, quá trình thoái hóa não sẽ diễn ra rất nhanh gây sa sút trí tuệ, bệnh alzheimer... Những người lớn tuổi hãy tự cứu lấy bộ não của mình bằng cách tập thở đều đặn hằng ngày, thở đúng sẽ cung cấp đủ máu và oxy cho não để não giữ được sự sắc bén và minh mẫn cho đến ngày cuối cùng. Có nhiều cách thở nhưng cách thở nhẹ nhàng, đơn giản và mang lại hiệu quả nhất là phương pháp thở bụng, với nguyên tắc hít vào phình bụng dưới lên, làm sao cho có cảm giác thở sâu đến tận dưới rốn 2 cm (vùng Đan điền), khi thở ra, khí cũng từ vùng này thoát ra.

3. Vận động cơ thể

Tập dưỡng sinh

“Hễ dòng nước chảy thì không đục là thế đó!”, người xưa đã nói câu trên như một chân lý giản đơn về tinh hoa của sự vận động cơ thể để có sức khỏe tốt và trường thọ. Chúng ta có thể vận động cơ thể bằng cách tập luyện dưỡng sinh, yoga, thái cực quyền..., làm sao cho khí huyết lưu thông, xuyên suốt trong cơ thể mang các chất tinh hoa đến để nuôi dưỡng các cơ quan tạng phủ, đồng thời mang đi tất cả những chất cặn bã, rồi loại ra ngoài cơ thể, cho dòng chảy của khí huyết khi nào cũng trong suốt, tinh khiết không bế tắc không ngừng nghỉ.

4. Học tập

Người lớn tuổi cần tiếp tục học tập như một phương thức tập thể dục cho não để não được khỏe mạnh và tươi trẻ, nếu không duy trì sự học tập, chọn những sinh hoạt quá đơn giản, lặp đi lặp lại một cách nhàm chán... sẽ làm cho bộ não suy thoái nhanh. Nên chọn những lĩnh vực mình ưa thích để học như ngoại ngữ, âm nhạc, hội họa, thư pháp, cây cảnh... Sự học tập kiên trì, liên tục trong niềm sung sướng sẽ đem lại cho người lớn tuổi trí tuệ minh mẫn và một tâm hồn an lạc yên vui.

5. Nghỉ ngơi

Có hai dạng nghỉ ngơi, nghỉ ngơi thụ động như nằm nghỉ, nằm ngủ, xem ti vi, đi dạo mát... và nghỉ ngơi chủ động như thiền định và thư giãn... Khi lớn tuổi thường khó ngủ, hay lo âu vô cớ hoặc lo âu thật sự do bị nhiều chứng bệnh mạn tính... do đó nghỉ ngơi thụ động thường ít mang lại hiệu quả (ở trạng thái nghỉ ngơi nhưng trí óc vẫn tiếp tục suy tư, âu lo), chính vì vậy nghỉ ngơi chủ động là phương pháp tốt nhất. Khi đã tập thiền định hoặc thư giãn thuần thục, chỉ cần thực hành trong khoảng 15 đến 30 phút là cơ thể đã được nghỉ ngơi tích cực và tái nạp lại năng lượng đầy đủ.

6. Tình dục

Cuộc sống tình dục là kho báu mà tạo hóa trao cho loài người, nếu chúng ta có một đời sống tình dục điều độ, hài hòa cùng với những kiến thức cơ bản để vun bồi cho hoạt động này thì chúng ta có thể kéo dài đời sống tình dục tròn đầy cho đến tuổi tám mươi hoặc hơn nữa!

Sinh hoạt tình dục đều đặn hợp lý sẽ giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái, sung mãn, kéo dài tuổi thanh xuân. Để đánh giá tần suất quan hệ tình dục như thế nào cho hợp lý dựa vào các yếu tố sau, nếu quan hệ tình dục tối hôm nay mà sáng hôm sau thấy khỏe mạnh, vui tươi, yêu đời, ham thích làm việc... có nghĩa tần suất quan hệ tình dục như thế là hợp lý. Nếu sau khi quan hệ tình dục mà sáng hôm sau thấy người mệt mỏi, đau thắt lưng, mỏi gối, nhức đầu, cáu gắt, chán chường không muốn làm việc, phải giảm số lần quan hệ xuống cho đến khi có được cảm giác sảng khoái vào ngày hôm sau.

7. Sử dụng thuốc

Người lớn tuổi thường bị nhiều bệnh mãn tính cùng một lúc cho nên lượng thuốc đưa vào cơ thể mỗi ngày khá nhiều, chính vì vậy trừ những trường hợp cấp tính, hoặc những bệnh mãn tính nhưng không thể ngưng thuốc được như thuốc điều trị cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch... còn lại những loại thuốc khác sau khi qua quá trình cấp tính, nên đi khám lại với thầy thuốc chuyên khoa để được tư vấn về hai vấn đề: thứ nhất giảm bớt những loại thuốc không cần thiết, thứ hai xem có thể thay thế thuốc tây y bằng các loại thuốc được bào chế từ các loại dược thảo của y học cổ truyền không, nếu được thì rất tốt vì có thể dùng kéo dài mà không có phản ứng độc hại cho cơ thể do thuốc gây ra.

8. Quan niệm sống

Người lớn tuổi nên có một quan niệm sống theo nhân sinh quan phương Đông “thiểu dục và tri túc”, nên hạn chế dục vọng và biết đủ. Khi lớn tuổi nếu chúng ta vẫn còn thèm khát hưởng thụ những thú vui thời trai trẻ, chúng ta vẫn cố gắng hết sức để làm việc, để kiếm nhiều tiền, để mua cái này sắm cái nọ, thì sẽ chuốc lấy phiền não vì sức khỏe và điều kiện sống, làm việc không còn như xưa! Hãy chậm lại, sinh hoạt và làm việc nhẹ nhàng hơn, nên đắm mình trong những thú vui tao nhã như cây cảnh, thư pháp, hội họa, âm nhạc. nghiên cứu triết học đặc biệt là triết học Đông phương... Hạn chế dục vọng, tâm thái khi nào cũng thấy đủ, thấy thanh thản, nhàn hạ là chìa khóa vàng cho người lớn tuổi để sống trong hạnh phúc và an lạc.

9. Đừng sợ chết!

Nỗi ám ảnh lớn nhất của tuổi già là cái “chết”, đặc biệt ở những người có nhiều của cải vật chất, danh vọng, địa vị trong xã hội. Đôi khi, nỗi ám ảnh này làm cho họ luôn luôn phiền não và chất lượng sống suy giảm đi rất nhiều. Chết là một quy luật bất biến trong quy trình Sinh - Lão - Bệnh - Tử, ai cũng không thể tránh khỏi, vậy thì cái chết sẽ không đáng sợ như chúng ta tưởng tượng! Dưới mắt nhìn của một nhà hiền triết phương Đông “Sinh ký, Tử quy” khi sống chúng ta như rong chơi trong cõi tạm trần gian này và khi chết là lúc chúng ta quay trở về nhà để chuẩn bị một cuộc rong chơi mới! Thế thôi! Hãy tập đừng sợ, tập đón nhận cái chết một cách nhẹ nhàng, êm ái, trang trọng và thanh thản như cuộc trở về quê hương yêu dấu. Tuổi già mà không sợ chết là chúng ta đã tự do, khi ấy hạnh phúc và an bình sẽ đến tràn ngập trong ta.

BS Lê Hùng
Nguyên Phó viện trưởng Viện YDHDT TP.HCM
Theo Thanh Niên Online

No comments:

Post a Comment

Popular Posts