Friday, August 21, 2009

Hàng triệu thẻ ATM có thể thay mới

Thẻ ATM Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc ban hành lộ trình chung cho việc chuyển đổi công nghệ thẻ từ sang thẻ chip cho cả thẻ thanh toán quốc tế và nội địa để phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

Hiện cả nước có gần 9.000 ATM, hơn 28.000 điểm chấp nhận thẻ (POS) và hơn 17 triệu thẻ đang lưu hành với 176 thương hiệu thẻ do 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hành. Các ngân hàng tham gia đang chuyển mạch thanh toán qua hệ thống Smartlink và Banknetvn. Các thành viên của hai hệ thống này đang chiếm hơn 80% thị phần thẻ cả nước.

Tuy nhiên, đa số thẻ nội địa đều áp dụng công nghệ bảo mật bằng từ tính, chỉ một số ít phát hành sau mới áp dụng công nghệ bảo mật bằng chip. Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là công nghệ mới nhiều nước trên thế giới đang sử dụng. Thẻ chip (hay còn gọi là thẻ thông minh) có nhiều tiện ích hơn thẻ từ, cho phép lưu trữ nhiều dữ liệu hơn. Nếu với thẻ từ hoạt động sao chép thông tin khá dễ dàng, tính bảo mật không cao thì với thẻ thông minh, người sử dụng có thể nhập tất cả các thông tin vào thẻ mà không lo sợ bị sao chép, mất dữ liệu. Nôm na có thể coi thẻ thông minh có tính năng như một máy tính, với hệ điều hành riêng mà tin tặc khó có thể xâm phạm.

Về mặt kỹ thuật, thẻ chip EMV là loại thẻ nhựa có gắn chíp điện tử, có khả năng kết nối với máy tính, cho phép thực hiện được nhiều lựa chọn thanh toán và dịch vụ. Một thẻ chip có thể sử dụng như một thẻ ngân hàng, chứng minh thư, cũng có thể dùng để trả phí giao thông hay lưu trữ thông tin về y tế, bảo hiểm xã hội, thông tin cá nhân. Ngoài ra, thẻ chip còn có khả năng thực hiện các giao dịch trực tuyến.

Do đặc thù của thẻ từ, ngoài các thông tin để phục vụ việc rút tiền, tài khoản của khách hàng không thể ghi thêm thông tin nào khác. Với xu hướng hội tụ và tích hợp nhiều ứng dụng trên một thiết bị thanh toán như hiện nay, thẻ từ khó có thể đáp ứng những dịch vụ gia tăng.
Gần đây, các tổ chức thẻ lớn trên thế giới đưa ra chuẩn mức mới - EMV với kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng. Các liên minh thẻ như Europay, Master Card và Visa đã khuyến cáo các nước chuyển đổi từ năm 2004, khi tình trạng gian lận thẻ ngày càng lớn. Thậm chí các liên mình còn đưa ra thời hạn để ngân hàng thành viên chuyển đổi, nếu không sẽ bị phạt.

Hiện tỷ lệ gian lận thẻ trong tổng số thanh toán thẻ tại Việt Nam chỉ là 0,15%, trong khi tỷ lệ này trung bình trên thế giới là 0,6%. Đáng chú ý, tình trạng gian lận xảy ra khá nghiêm trọng tại các nước láng giềng như Malaysia hay Thái Lan, đến mức nếu có khách hàng đi du lịch tới những nơi này, một số ngân hàng Việt Nam còn khuyến cáo khóa và làm thẻ mới ngay khi về nước. Gần đây, Malaysia, Nhật Bản hay Đài Loan đã chuyển đổi toàn bộ thẻ từ sang chip. Thái Lan cũng có kế hoạch tương tự.

Các chuyên gia quốc tế khuyến cáo nếu Việt Nam không có kế hoạch phòng ngừa, nhiều khả năng đây sẽ là vùng trũng, điểm tập kết của tội phạm thẻ quốc tế. Ngân hàng Nhà nước cho biết đang xem xét ban hành một lộ trình chung cho việc chuyển đổi công nghệ thẻ từ sang thẻ chip theo chuẩn EMV đối với thẻ quốc tế và tiêu chuẩn thẻ chip dành cho thẻ nội địa phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam.

Những người ủng hộ việc chuyển đổi cho rằng đây là việc làm cần thiết để gia tăng tiện ích và đảm bảo độ bảo mật cho chủ thẻ. Với chiếc thẻ chip, không những giúp hạn chế nguy cơ rủi ro bị đánh cắp thông tin, mà còn làm sáng tỏ những tranh chấp giữa khách hàng và ngân hàng mỗi khi có những giao dịch nghi vấn kiểu như không rút được mà tài khoản vẫn bị trừ tiền, ATM trả thiếu tiền... Hơn nữa, có một chuẩn chung cho toàn hệ thống thanh toán thẻ cũng tạo điều kiện thuận lợi khi các đơn vị kết nối và chia sẻ hạ tầng với nhau. Theo tính toán, sau khi khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, ngân hàng chỉ cần từ hai đến ba năm để hoàn tất việc chuyển đổi công nghệ từ sang chip.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi không hề đơn giản, đòi hỏi thời gian và tốn kinh phí của các ngân hàng, đặc biệt là những đơn vị tham gia thị trường thẻ sớm, các thiết bị đầu cuối thuộc thế hệ trước đây. Để chuyển đổi sang công nghệ mới, các ngân hàng không chỉ đơn giản làm lại thẻ cho khách, mà phải nâng cấp thiết bị chấp nhận thẻ, hệ thống chuyển mạch nội bộ của từng ngân hàng giúp các ATM kết nối với nhau khi sử dụng thẻ chip.

Ngân hàng nào mới tham gia thị trường, thiết bị đầu cuối đã sẵn sàng cho công nghệ chip, chi phí chuyển đổi sẽ không quá lớn. Nhưng những ngân hàng đã nhiều năm phát hành thẻ, hạ tầng cơ sở chưa sẵn sàng cho việc chuyển đổi, kinh phí sẽ vô cùng lớn. Theo tính toán của một chuyên gia ngân hàng, chi phí đổi một chiếc thẻ từ sang chip vào khoảng 1 USD; nâng cấp ATM khoảng 1.000 USD mỗi máy và nâng cấp POS khoảng 100 USD. Giả sử một nửa thiết bị đầu cuối hiện nay phải nâng cấp, chuyển đổi, chi phí cũng lên gần 15 triệu USD. Đây là khoản đầu tư không nhỏ với các ngân hàng trong điều kiện doanh thu từ mảng thẻ chưa đủ bù đắp chi phí.

Cũng theo vị chuyên gia này, cần cân nhắc kỹ lưỡng kế hoạch chuyển đổi để tránh lãng phí, khi mà điều kiện của Việt Nam chưa thể khai thác hết các tiện ích của thẻ chip, đặc biệt là chip chuẩn EMV. Ý tưởng xây dựng dữ liệu chứng minh thư điện tử có từ mấy năm, nay vẫn chưa thành hiện thực. Ngay như các hãng di động cũng chật vật quản lý thông tin thuê bao trả trước. Vì thế khó lòng tận dụng thẻ chip cho các mục đích quản lý dữ liệu cá nhân điện tử.

Kỳ Duyên
Theo VnExpress

No comments:

Post a Comment

Popular Posts