Tuesday, August 25, 2009

Nhà, đất chộn rộn theo cầu Phú Mỹ

Khu vực quanh cầu Phú Mỹ Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho rằng việc tăng giá tại các khu vực quanh cầu Phú Mỹ hiện chỉ dừng ở mức cục bộ.

Giá sẽ còn tăng khi các đường nối vào cầu hoàn tất. Thông tin về cầu dây văng Phú Mỹ bắc qua sông Sài Gòn kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nối quận 2, quận 7 và quận 9 - TPHCM thuộc đường Vành đai ngoài sẽ thông xe vào ngày 2-9 khiến thị trường nhà, đất ở hai đầu cầu bắt đầu chộn rộn.

Mua đất để “đón” cầu đường

Trên các trang rao vặt, sàn nhà đất “ảo”... trong những ngày qua đã xuất hiện dày đặc những dòng chào mời như: “Bán đất dự án đón đầu cầu Phú Mỹ với lô đất nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh thông ra cầu Phú Mỹ, mới bán ra lần đầu thanh toán chỉ 30%, giá bán 11,5 triệu đồng/m2 (diện tích 10 m x 20 m)...”; “dự án tốt quận 2, gần cầu Phú Mỹ với lô đất nằm cạnh dự án Thạnh Mỹ Lợi với vị trí gần đường Vành đai trong, nằm ở trung tâm quận 2, giá cực rẻ chỉ 14,5 triệu đồng/m2 (diện tích 8 m x 24 m)...”; “cần bán nhà phố đường Huỳnh Tấn Phát gần cầu Phú Mỹ”; “cần tiền bán gấp đất gần cầu Phú Mỹ”, “bán gấp lô nền khu dân cư Nam Long, gần chợ, trường học và cầu Phú Mỹ, thuận tiện đi lại quận 1 và 4”... Có người không có nhu cầu bán đất nhưng cũng rao: “Cho thuê đất dựng biển quảng cáo gần cầu Phú Mỹ”... Nhiều nhà đầu tư ở quận 2 cho biết đã chuẩn bị sẵn nhiều lô đất dọc theo tuyến đường này và chờ cầu Phú Mỹ thông xe là tung ra.

Phối cảnh cầu Phú Mỹ

Ngày 24-8, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều lô đất nền quanh khu vực cầu Phú Mỹ phía quận 2 đã rục rịch tăng giá từ 10% - 15%, còn đất nông nghiệp mua bán theo kiểu giấy tay cũng nhích lên. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thật sự phấn khởi bởi tiến độ nhiều tuyến đường nối vào cầu Phú Mỹ vẫn đang triển khai chậm chạp.

Nếu tuyến đường nối cầu Phú Mỹ từ cầu Rạch Chiếc về đại lộ Nguyễn Văn Linh không hoàn thành cùng lúc với cầu Phú Mỹ thì cây cầu này sẽ chưa thể phát huy hết hiệu quả.

Vị trí cầu Phú Mỹ

Giao dịch vẫn chậm

Khảo sát một số dự án trên địa bàn quận 2, điểm nóng tăng giá là khu vực phường Thạnh Mỹ Lợi. Bởi theo phân tích của những người môi giới nhà, đất, khi tuyến cầu đường Phú Mỹ hoàn tất, người dân có thể sang quận 7 và theo hướng Huỳnh Tấn Phát, qua cầu Khánh Hội vào trung tâm TP chỉ mất chừng 10 phút đi xe máy, nhanh hơn trước gấp mấy lần.

Khu vực dự án 174 ha (phường Thạnh Mỹ Lợi) nằm gần cảng Cát Lái, nơi được xem là có lợi thế nhiều nhất sau khi cây cầu Phú Mỹ đưa vào sử dụng, giá đất hiện nay giao dịch vào khoảng 23,5 triệu đồng/m2, so với thời điểm cuối năm 2008, giá tăng khoảng hơn 4 triệu đồng/m2. Còn một số dự án nằm dọc theo Liên Tỉnh lộ 25B như dự án của Công ty Thế Kỷ 21, Văn Minh... giá giao dịch hiện nay vào khoảng 23 triệu đồng/m2.

Theo một số công ty môi giới địa ốc có văn phòng tại quận 2, mặc dù giá đất có tăng, song lượng giao dịch không tăng bao nhiêu. Trong khi đó, hàng loạt dự án khác trên địa bàn phường Bình Trưng Đông, khu vực 154 ha vẫn đang “nguội”. Còn tại quận 7, giá đất nền một số khu vực gần chân cầu Phú Mỹ có dấu hiệu tăng nhẹ từ 10% đến 15% so với cách đây một tháng.

Với tình hình trên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho rằng việc tăng giá tại các khu vực quanh cầu Phú Mỹ chỉ dừng ở mức cục bộ. Nhiều người nhận định: Muốn giá nhà, đất ở khu vực gần cầu Phú Mỹ tăng hơn nữa thì phải trông chờ vào các tuyến đường nối, khi tuyến cầu Phú Mỹ đã thông suốt từ quận 7 sang quận 2.

Kim Long
Theo Người Lao động Online


Quá trình xây dựng cầu Phú Mỹ

- Cầu Phú Mỹ được bắt đầu xây dựng tháng 3-2007, theo kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành vào tháng 12-2009, nhưng liên danh nhà thầu BBBH đã đẩy nhanh tiến độ và quyết định bàn giao dự án ngày 1-9-2009.

- Tổng chi phí xây dựng cầu theo hợp đồng chủ đầu tư PMC ký với liên danh nhà thầu là 105 triệu đô la Mỹ.

- Cầu dài hơn 2.100m, trong đó phần cầu chính (cầu dây văng) dài 705m, được đỡ trên hai trụ tháp. Mỗi trụ tháp - hình chữ H cao 140m, khoảng cách giữa hai trụ chính là 380m. Theo nhà thầu BBBH, thiết kế trụ tháp hình chữ H được chọn vì đây là phương án chịu lực tốt nhất và tiết kiệm hơn những phương án khác.

- Phần thi công cầu chính do BBBH thực hiện, phần thi công phần cáp dây văng thuê nhà thầu phụ là Freyssinet (Pháp) thực hiện. Trong khi đó, một khối lượng lớn phần cầu dẫn được giao cho nhà thầu phụ Việt Nam là Công ty cổ phần Bê tông 620 Châu Thới.

Phần cáp cầu Phú Mỹ

- Nhà thầu áp dụng công nghệ mới trong thi công hai trụ tháp và phần cầu chính. Thay vì dùng công nghệ như trước đây là lập giàn giáo cốp-pha (khuôn đổ bê tông) với các trụ chống để thi công trên cao thì nhà thầu tiến hành đổ các đốt dầm đầu tiên (pier table) trên mặt đất, sau đó dùng công nghệ nâng (heavy lift) để nhấc các đốt dầm lên bằng hệ thống kích hai bên.

- Dự án cầu Phú Mỹ áp dụng mô hình quản lý, điều hành mới. Theo đó, chủ đầu tư thuê công ty Maunsell (Úc) làm tư vấn và quản lý dự án, đây cũng là công ty đã tham gia dự án xây cầu Mỹ Thuận - cầu dây văng đầu tiên tại Việt Nam. Tony Gee & Partners và Cardno được thuê để đánh giá, kiểm tra lại toàn bộ phần thiết kế và quá trình thi công.

Yến Dung
Theo Kinh tế Sài Gòn Online



No comments:

Post a Comment

Popular Posts