Saturday, August 22, 2009

Những băn khoăn khi mang bầu

Băn khoăn khi mang bầu Những phụ nữ lần đầu mang thai thường rất lúng túng do thiếu kinh nghiệm. Những câu hỏi hay được đặt ra là làm sao để biết chắc mình có thai không, khi sắp có em bé thì cần ăn uống và kiêng khem gì, có phải kiêng giao hợp không?

Dựa vào dấu hiệu gì để tự biết là mình có thai?

Với phụ nữ có kinh đều hằng tháng (28-30 ngày), đó là dấu hiệu chậm kinh, kèm theo những cảm giác bất thường như thèm ăn của chua hoặc thích ăn những thứ mà từ trước tới giờ không thích, cương tức ở 2 vú, quầng vú thâm, nổi hạt... Khi có các triệu chứng trên, nên xem lại thời gian giao hợp xem có trùng với ngày có trứng rụng không, nếu trùng thì trước hết phải nghĩ đến có thai.

Tuy nhiên, muốn biết chắc chắn thì bạn phải đi khám, xét nghiệm nước tiểu, làm siêu âm. Cũng có trường hợp chậm kinh mà không có thai, vì kinh nguyệt còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thời tiết, tâm trạng...

Khi có thai ăn uống như thế nào? Phải kiêng thứ gì?

Nói chung khi có thai phải ăn nhiều chất hơn lúc chưa có thai. Ăn cân đối các nhóm bột đường, đạm, dầu mỡ, vitamin và khoáng chất. Đừng ăn các thực phẩm không tươi, kiêng bia rượu. Các nghiên cứu đã khẳng định rằng trong lúc có thai, nhất là trong những tháng đầu, việc uống rượu rất có hại cho thai. Ngoài ra, cần hạn chế các chất gia vị như ớt, hạt tiêu...

Khi mang thai có được giao hợp không?

Vẫn có thể sinh hoạt vợ chồng nhưng không nên thường xuyên như trước. Nghiên cứu cho thấy khi khoái cảm, người vợ sẽ tiết ra chất oxytoxin. Trong tinh dịch của người chồng có chất prostaglandin. Hai chất này đều làm co bóp dạ con, do đó dễ gây sảy thai và đẻ non. Vì thế, những người có tiền sử sảy thai hoặc đẻ non nên tránh giao hợp ít nhất 3 tháng đầu và 3 tháng cuối.

Tại sao người có thai hay bị táo bón? Có nên dùng thuốc chữa táo bón không?

Khi có thai, chất nội tiết ở buồng trứng và ở rau thai (progesteron) tăng lên làm giãn cơ, giảm sự co bóp của các cơ ở ruột. Phân nằm ở ruột không được đẩy ra ngoài nên xảy ra táo bón. Khi bị táo bón, thai phụ không nên dùng thuốc mà chỉ cần uống thêm nhiều nước, ăn thêm hoa quả tươi và ăn cơm có nhiều rau. Buổi sáng nên uống một cốc nước ấm để làm cho ruột hoạt động, tăng sự co bóp, tránh được táo bón. Trường hợp táo bón nặng có thể dùng thuốc nhuận tràng nhẹ.

Người có thai bị táo bón dễ phát sinh bệnh trĩ, vì vậy đề phòng táo bón vẫn là tốt hơn cả.

Tại sao khi có thai hay bị đái rắt? Chữa bằng cách nào?

Trong những tuần lễ đầu, dạ con to dần lên nằm chèn vào bàng quang. Trong những tuần lễ cuối, đầu thai nhi chúc xuống phía khung chậu, đè vào bàng quang, làm cho bàng quang chứa được ít nước tiểu. Vì vậy, thai phụ buồn tiểu thường xuyên nhưng không tiểu được nhiều, gọi là đái rắt. Hiện tượng đái rắt sẽ mất đi khi dạ con phát triển trên xương mu sau vài tuần lễ và sau khi đẻ, cho nên không cần phải chữa. Nhưng nếu hiện tượng đái rắt kéo dài, kèm theo đái buốt thì cần đi khám để thử nước tiểu vì có thể đó là do viêm nhiễm đường tiết niệu.

Khi có thai, màu da ở mặt, đầu vú và bụng hay bị rám nâu, có cần chữa không? Có sợ ảnh hưởng tới sắc đẹp sau này không?

Thay đổi màu da, nhất là ở mặt đã là điều băn khoăn của nhiều phụ nữ trẻ. Nhưng may mắn là nó chỉ xuất hiện trong lúc có thai và sớm mất đi sau khi sinh đẻ nên không cần phải chữa chạy gì. Màu da của chị em sẽ trở lại bình thường như trước khi có thai và có khi còn đẹp hơn nếu cơ thể được bồi dưỡng tốt. Chú ý không nên dùng mỹ phẩm chữa nám trong khi mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu vì có thể gây dị dạng cho thai.

BS Trần Thị Hạnh
Theo Sức khỏe

No comments:

Post a Comment

Popular Posts