Monday, August 10, 2009

Phóng sự đầu tay

Bích Huệ lại vượt qua một kỳ thi mới. Bài viết của cô được đồng nghiệp và bạn đọc đánh giá cao. Chỉ khi nhìn thấy phóng sự của mình trên mặt báo, cô mới tin đó là sự thật.

Bởi sau đợt công tác mười ngày ở Tây Nguyên trở về, nộp bài cho Tổng biên tập đã hơn nửa tháng mà không thấy ông gọi lên làm việc. Thi thoảng gặp ông ở hành lang, chỉ thấy ông nở một nụ cười bí hiểm....

Được về làm việc ở một tờ báo nổi tiếng cả nước, cô thấy mình như đang trong mơ. Tuy vậy, đối với một phóng viên chính, không vinh dự nào không đi kèm với âu lo. Cô được phân công chuyên về phóng sự. Ngẫm cho kỹ, thể loại này viết cho hay, chẳng dễ gì.

Thế là kỳ thi đầu tiên trong đời làm phóng viên đã qua. Một kỳ thi đầy căng thẳng và bất ngờ. Căng thẳng hơn nhiều so với kỳ thi tốt nghiệp đại học báo chí cách đây hai tháng. Căng thẳng vì cô không hiểu hết những lời dặn dò vừa nghiêm túc, vừa hài hước của Tổng biên tập trước lúc cô lên đường. Căng thẳng vì cô đã có đủ can đảm để vượt lên chính mình. Bất ngờ vì có những việc tưởng như không bao giờ xảy ra mà vẫn cứ đến.

Vẫn biết con đường làm phóng viên còn lắm chông gai nhưng với kết quả đầu tiên như thế, có thể xem như tạm được. Cô chọn tôi là người đầu tiên để chia sẻ niềm vui...

Chúng tôi cùng đi trên tàu S5 nhưng khác toa. Tàu đến thị xã Tuy Hoà lúc đầu chiều. Khách xuống ga lẻ này không nhiều. Lần đầu tiên xa Hà Nội hơn một nghìn cây số, lại là nữ cả nên chúng tôi nhanh chóng làm quen với nhau. Trời còn sớm nên chúng tôi quyết định lên xe đò đi tiếp về phía Tây, đến nơi tổ chức Hội nghị toàn quốc về bảo vệ rừng. Từ Bắc đến Nam, rừng đang khắc khoải...

Như thường lệ, trong hội nghị có những báo cáo điển hình. Dĩ nhiên là điển hình tốt. Nhiều người lên bục nói về thành tích của đơn vị mình. Những điển hình ấy là có thật. Huệ và tôi không chút hoài nghi. Điển hình xấu thì không ai đứng ra tự nhận... Chỉ phản ánh vài câu trong báo cáo chung. Cô phóng viên hai mươi hai tuổi này đề nghị bổ sung vào chương trình hội nghị một báo cáo chi tiết về một điển hình xấu. Hội nghị đồng tình và cử ngay một đoàn công tác đến tận nơi tàn phá rừng không thương tiếc. Tham gia đoàn có một giáo sư lâm nghiệp, một tiến sĩ khoa thổ nhưỡng, một người địa phương dẫn đường, Huệ và tôi. Thế là chúng tôi lại lên đường.

Xe lên tới đỉnh một ngọn đồi. Chúng tôi loá mắt vì màu đỏ của đất bazan như một vết thương khổng lồ đang rỉ máu. Những cây gỗ quý hai người ôm đổ ngổn ngang. Khói bụi bốc lên từ hàng chục đám cháy. Nói không ngoa, đạo diễn điện ảnh có thể tiết kiệm kinh phí, không cần dựng cảnh khói lửa để quay những bộ phim truyện chiến tranh. Dòng chảy bề mặt do những cơn mưa rào xói mòn tạo nên những rãnh sâu chỉ còn thấy lớp đá phong hoá. Những chỗ rừng cạo trọc đã trồng cây vừng vốn dễ tính đã đến kỳ trổ hoa, cũng chỉ cao chừng... một gang tay. Cây hổ ngươi và cỏ tranh mọc cao ngang tầm người lớn.

Giáo sư lâm nghiệp lắc đầu. Tiến sĩ thổ nhưỡng đăm chiêu. Người dẫn đường thì nói, ông đã không tán thành việc cho công ty tư nhân thuê đất trồng cây làm nguyên liệu sản xuất giấy bằng cách phá rừng vô tội vạ như thế này. Bích Huệ không nhận xét một lời. Cô chỉ chăm chú ghi chép... Sau này, trên đường trở về Hà Nội, tôi có dịp được xem sổ tay của cô. Tôi đã hình dung một phóng sự đầy sức thuyết phục. Những kiến thức cơ bản về môn lâm sinh, môn thổ nhưỡng, chuyên đề môi trường, xói mòn trên đất dốc, đặc thù khí hậu nhiệt đới ẩm, tác động tiêu cực của El Nino, La Nina, những kinh nghiệm thất bại do quảng canh của xã hội loài người mà thế giới đã báo động cách đây hàng chục năm, những chủ trương lớn của Nhà nước về bảo vệ rừng, những sơ hở trong các văn bản luật và pháp lệnh có liên quan... cùng một dàn bài chi tiết cho phóng sự cô sẽ viết.

Đích thân nữ giám đốc tiếp chúng tôi. Cũng là nữ nhưng Huệ và tôi không đoán được tuổi bà. Có thể mới ngoài ba mươi, cũng có thể đã quá bốn mươi. Chỉ khẳng định được, bà biết sử dụng đồng tiền qua cách xưng hô với những nhân viên dưới quyền.

Những câu chào hỏi ban đầu ở đâu cũng đậm màu thắm thiết. Cách tiếp đãi cũng tuân theo những ước lệ. Nơi rừng núi âm u này mà vẫn có đủ tất cả. Bia ngoại, nước suối Lavie, cà phê Arabica nguyên chất, bánh gatô phủ kem...

Bà đưa chúng tôi đi tham quan, bà thuyết minh thành thạo như chúng tôi đã từng nghe trong các triển lãm. Tôi rỉ tai Huệ: "Chắc là đã có nhiều đoàn tới đây tham quan thì phải?". Huệ không tỏ một cử chỉ tán thành hoặc phản đối. Cô chỉ cho tôi biết lý do của sự im lặng này lúc lên xe trở về hội nghị, khi đã có thể tin vào nhân cách của những người cùng đi. Thì ra chỉ một nụ cười, một cái gật đầu, một lời tán thành với đồng nghiệp, một nét nhăn mặt vô tình... không vừa lòng chủ, có thể mang lại cho phóng viên một sự hiểu lầm, thậm chí xuyên tạc không nên có.

Cuộc đối thoại trong quá trình tham quan đa dạng và phong phú, tôi không thể kể hết. Những vấn đề ấy đã phản ánh khá đầy đủ trong phóng sự đầu tay của Huệ sau này. Tôi chỉ nhớ tới những thái độ tự tin quá mức của bà giám đốc khi trả lời ông giáo sư và ông tiến sĩ. Chẳng những đã sai về khoa học lại còn vô lễ đối với người lớn tuổi và nhiều chữ hơn mình. Những hiện tượng ấy, Huệ cũng không quên thể hiện trong phóng sự.

Biết Huệ là phóng viên một tờ báo có uy tín, bà giám đốc công ty ngỏ ý mời riêng cô ở lại để viết về công ty của bà. Chỉ một tối thôi! Sáng sớm ngày mai, bà sẽ cho xe con đưa về tận hội trường. Huệ đã khéo léo chối từ. Cô lấy lý do cần tranh thủ đến thăm bạn cũ đang công tác tại thị xã đã nhiều năm chưa gặp lại...

Để chia vui với Huệ, tôi mời cô ở lại ăn cơm. Chồng tôi và các con về quê nên hai chị em có thể chuyện trò thoải mái. Bây giờ, tôi mới có dịp ngắm kỹ người phóng viên trẻ tuổi này. Phải nói là Huệ không đẹp sắc sảo nhưng có duyên. Đôi chân thon và thẳng, mặc váy ngắn phải nói là rất đẹp. Thế mà bốn ngày hội nghị, cô không mặc lần nào! Cô nói, chỉ mặc váy ngắn những lúc có thể mặc. Hội nghị trang nghiêm hoặc lúc phỏng vấn các vị lãnh đạo, những người lớn tuổi... cô chỉ mặc áo dài. Hoàn toàn không phải là chuyện bề ngoài. Theo cô, trang phục thể hiện tư cách một con người. Trang phục phù hợp, màu sắc không loè loẹt làm cho người khác kính trọng mình, tin mình, không dè dặt với mình thì thông tin thu được mới phong phú và trung thực.

Cô thừa biết nghề phóng viên muốn làm giàu không phải là khó. Một bài báo "vẽ rắn thêm chân" hoặc "biến đen thành trắng"... sẽ mang lại cho cô những "phong bì" dày cộp. Nhưng nếu như vậy thì cái vũ khí mà mình có vinh dự được thời đại trao cho, không những đã phản lại nhân dân mà còn làm ô uế cả chính mình. Cô sớm biết chắt chiu những nét đẹp truyền thống của tổ phụ, mà theo cô, vẫn rất cần trong xã hội ngày nay.

Tôi ngỏ lời khen Huệ. Cô ngượng nghịu.

Cuối cùng, ông Tổng biên tập cũng đã gặp cô. Thay cho lời khen, ông cho cô biết, ông đã không thêm bớt một từ nào trong bài phóng sự.


Đan Hòa

No comments:

Post a Comment

Popular Posts